Giá nhiên liệu tăng, sản lượng thủy sản đánh bắt giảm khiến ngư dân gặp khó

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:30, 30/10/2023

Sản lượng thủy sản đánh bắt thấp, giá cả các mặt hàng giảm trong khi giá nhiên liệu tăng khiến ngư dân gặp khó khăn.

Hiện nay, ngư dân khu vực cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) đang bước vào vụ chính đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, sau chuyến biển dài ngày thì nhiều tàu cá cập bến với sản lượng đánh bắt không cao.

Theo nhiều ngư dân, những năm trước, vào thời điểm này tại khu vực cảng cá Gành Hào rất nhộn nhịp, tàu cá tấp nập ra vào để bán hải sản cho các vựa thu mua. Tuy nhiên, gần đây cảng cá trở nên đìu hiu, trầm lắng khi nhiều tàu cá phải nằm bờ.

kinh-te-bien.jpg
Một tàu cá cập bến sau chuyến đi biển dài

Ông Đặng Quốc Thùy, chủ tàu cá ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, buồn bã cho biết, trong nhiều chuyến đi biển gần đây, tàu cá của ông đánh bắt không hiệu quả, sản lượng hải sản thu được giảm tới 1/3 so với mọi năm nên thua lỗ.

Theo tính toán của ông Thùy, tàu cá của ông có công suất trên 400CV, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng một tháng và tốn chi phí khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, tiền trả công cho ngư phủ là gần 100 triệu đồng, tiền dầu gần 300 triệu đồng (khoảng 15.000 lít)… Tuy nhiên, số tiền bán hải sản mỗi chuyến chưa được 400 triệu đồng, không đủ bù chi phí bỏ ra.

3.jpg
Sản lượng đánh bắt của ngư dân thấp 

“Từ đầu năm đến nay, việc đánh bắt hải sản rất bấp bênh, tàu cá nào cũng thua lỗ. Đáng lẽ nếu mất mùa, hải sản khan hiếm thì giá cả phải cao, nhưng gần đây giá thu mua ở các vựa cũng giảm khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn”, ông Thùy nói.

Không chỉ ông Thùy, nhiều tàu cá có công suất lớn cửa biển Gành Hào cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Mã Thanh Tường, chủ tàu cá ở thị trấn Gành Hào thông tin, gia đình ông có 2 tàu cá hành nghề cào đôi, tàu có công suất trên 500CV. Do là tàu cá có công suất lớn nên tổng chi phí ra khơi mỗi chuyến trong 1 tháng vào khoảng 700 triệu đồng.

“Giá dầu cao quá khiến chi phí một chuyến đi biển tăng lên gấp đôi. Tính riêng nhiên liệu đã chiếm hơn một nửa chi phí cho chuyến biển rồi, chưa kể tiền nhu yếu phẩm, nhân công, nước uống, đá ướp hải sản... Thua lỗ quá nên tôi cho tàu nằm bờ, chờ khi nào tình hình ổn định mới ra khơi đánh bắt trở lại”, ông Tường chia sẻ.

1.jpg
Tâm lý sợ thua lỗ khiến nhiều tàu cá nằm bờ

Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết, hiện nay giá đầu vào để phục vụ cho chuyến biển tăng cao, giá dầu tăng kéo theo các chi phí khác tăng. Trong khi đó, giá các sản phẩm bán ra lại giảm khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn. Hải sản bán ra không đủ bù đắp chi phí ra khơi nên nhiều tàu cá đang đứng trước nguy cơ phải nằm bờ.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân nên giảm hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, lựa chọn những nghề khai khác thông minh, tiết kiệm chi phí, khai khác gắn với bảo tồn, tái tạo. Khuyến khích các nghề có sự chọn lọc đánh bắt như: lưới, câu và đánh bắt những loài cá có giá trị kinh tế cao”, ông Tuấn nói.

Một lãnh đạo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cho hay, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.000 tàu cá (tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 440 chiếc), tổng công suất là 206.670CV, với hơn 6.100 thuyền viên. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao trong khi giá các mặt hàng thủy sản lại sụt giảm nên nhiều ngư dân có tâm lý lo sợ thua lỗ.

“Từ đầu năm đến nay có khoảng 60% tàu cá đang hoạt động trên biển. Để việc đánh bắt trên biển có tính ổn định lâu dài, đơn vị đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo ngư dân tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết trước khi xuất bến, kiểm tra thiết bị giám sát tàu cá khi ra biển đánh bắt, tập trung đi theo tổ đội để hỗ trợ nhau sản xuất đạt hiệu quả”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu nói.

Trần Khải