Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo chiến tranh ở châu Âu

Quốc tế - Ngày đăng : 17:00, 31/10/2023

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã cảnh báo rằng "có thể có mối đe dọa chiến tranh ở châu Âu".

Phát biểu với đài truyền hình Đức ZDF hôm 29.10, ông Pistorius, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, các quốc gia như Đức sẽ phải tăng cường năng lực lực lượng vũ trang để duy trì hòa bình trong khu vực và cần thay đổi tâm lý của họ theo hướng “chiến tranh có thể xảy ra”.

“30 năm được hưởng hòa bình, 30 năm không có Hiệp ước Warsaw như một mối đe dọa – đồng nghĩa với việc quân đội Đức - giống như các lực lượng vũ trang khác, không ở trong tình trạng sẵn sàng mà lẽ ra phải có”, ông Pistorius nói.

bo-truong-qp-duc.png
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius - Ảnh: Getty

Xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào tháng 2.2022 đã gây sốc cho nhiều người ở châu Âu, những người chưa từng chứng kiến một cuộc chiến tranh toàn diện giữa các quốc gia trên lục địa này kể từ Thế chiến thứ hai và chưa phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990 với sự tan rã của Liên Xô.

Kể từ cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, một số quốc gia châu Âu đã củng cố ngân sách quốc phòng, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường lực lượng được triển khai dọc theo sườn phía đông châu Âu giáp Nga. Thủ tướng Scholz cũng công bố khoản tăng 100 tỉ euro (khoảng 106 tỉ USD) cho chi tiêu quân sự của Đức.

"Không thể bù đắp sự thiếu chuẩn bị dù bằng sản xuất, mua sắm hay bất cứ thứ gì khác trong thời gian ngắn. Chúng ta phải cải thiện khả năng phòng thủ càng nhanh càng tốt và mạnh mẽ nhất có thể. Chúng ta phải làm quen với ý tưởng rằng có thể có chiến tranh ở châu Âu. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng, phòng thủ và chuẩn bị tốt cho quân đội và cả xã hội”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.

Vào tháng 7, nội các Đức đã thông qua dự thảo ngân sách nhằm tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, mục tiêu mà NATO đặt ra cho các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin trong chính phủ Đức cho biết dự thảo luật chi tiêu ngân sách được nội các của Thủ tướng Olaf Scholz thông qua trước đó đã bất ngờ bị xóa bỏ trong ngày 16.8. Người phát ngôn của Chính phủ Đức hiện từ chối bình luận về các chi tiết trong dự thảo luật này.

Động thái thay đổi mới nhất này đồng nghĩa với việc Đức có thể hoãn thực hiện cam kết của nước này trong việc dành trung bình 2% GDP cho quốc phòng trong thời hạn 5 năm. Hiện chưa rõ Berlin có tiếp tục chi tiêu quân sự theo mục tiêu này nữa hay không khi mà trước đó nước này đã thông qua quỹ đặc biệt nằm ngoài ngân sách thông thường trị giá 100 tỉ euro (tương đương 101 tỉ USD) để hiện đại hóa quân đội và nâng cấp trang thiết bị quốc phòng.

Khi được hỏi về những lo ngại rằng Đức - quốc gia đang phải hứng chịu lạm phát cao sau đại dịch - không thích nghi đủ nhanh với nguy cơ chiến tranh, Bộ trưởng Pistorius nói: "Mọi thứ đã rối tung trong 30 năm không thể bù đắp được trong thời gian ngắn”.

Ông tiết lộ vào cuối năm nay, chính phủ Đức sẽ cam kết giành hơn 2/3 trong số quỹ đặc biệt cho các hợp đồng quân sự. “Vấn đề là các hợp đồng vẫn chưa trực tiếp đảm bảo việc sản xuất và giao hàng. Điều này lại cần có thời gian”, người đức đầu Bộ Quốc phòng Đức cho hay.

Viện trợ Ukraine

Dù đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì phản ứng lúc đầu chậm chạp sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Đức - cho đến nay vẫn là một trong những quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kyiv.

Trong năm 2022, Đức viện trợ quân sự hơn 2,4 tỉ USD cho Ukraine. Quốc gia châu Âu này đã chuyển 18 xe tăng chủ lực Leopard 2, 40 thiết giáp Marder, 5 pháo phản lực MARS II, 14 pháo tự hành PzH 2000 cùng nhiều loại vũ khí, trang bị khác cho Ukraine.

Chính phủ Đức hồi tháng 2 năm nay cũng đã chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Phương Tây kỳ vọng xe tăng chủ lực Leopard, cùng M1 Abrams do Mỹ sản xuất và Challenger 2 của Anh, có thể giúp Ukraine giảm bớt thương vong, củng cố phòng tuyến trước Nga và mở các đợt phản công mới.

Tuy nhiên, tờ Der Spiegel của Đức hồi tháng trước cho biết Ukraine đã từ chối nhận 10 chiếc xe tăng Leopard 1 của Đức trong buổi lễ bàn giao ở thành phố Rzeszów (Ba Lan) vì phát hiện những chiếc xe này bị hư hỏng và Kyiv không có đủ kỹ sư, linh kiện thay thế để tự sửa chữa.

Berlin sau đó cử một đội kỹ thuật tới để kiểm tra lô xe, kết luận rằng chúng bị xuống cấp trong quá trình huấn luyện cho binh sĩ Ukraine tại Đức và cần được bảo dưỡng trước khi đưa xe ra chiến trường. Bộ Quốc phòng Đức cho biết hai nước đang phối hợp để sửa chữa lại lô xe.

Đây là lô Leopard 1 thứ 2 mà Đức chuyển giao cho Ukraine từ đầu chiến sự. Berlin hồi đầu năm nay cam kết phối hợp với Hà Lan và Đan Mạch để cung cấp cho Kiev hơn 100 chiếc Leopard 1 đã được tân trang. Trước đó, một số chiếc trong lô đầu tiên mà Đức bàn giao cho Ukraine hồi tháng 7 cũng gặp vấn đề về kỹ thuật tương tự.

Hôm 10.10, Bộ Quốc phòng Đức cũng đã công bố gói viện trợ quốc phòng mới trị giá khoảng 1 tỉ euro cho Ukraine gồm cả khí tài phòng không, vũ khí và các phương tiện mặt đất. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius khẳng định, với gói viện trợ mùa đông mới này, Đức đang tăng cường hơn nữa mức độ sẵn sàng hỗ trợ hoạt động của các lực lượng vũ trang Ukraine trong những tháng tới.

Hoàng Vũ (theo Newsweek)