Báo Mỹ: Người dân Palestine ở Bờ Tây có thể nổi dậy
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:02, 02/11/2023
Làn sóng bạo lực gia tăng
Người dân Palestine ở Bờ Tây cho biết họ lo sợ làn sóng bạo lực từ lực lượng an ninh Israel cũng như các cuộc tấn công trả thù của khoảng 700.000 người định cư Israel sống trong khu vực. Bờ Tây thời gian qua đã chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng nhắm vào người Palestine kể từ cuộc tấn công của Hamas hôm 7.10.
Theo Liên Hợp Quốc, các cuộc tấn công của người định cư Israel đã tăng lên trung bình bảy cuộc tấn công mỗi ngày so với ba cuộc tấn công một ngày trước sự kiện 7.10.
Cơ quan nhân đạo Palestine cho biết quân đội Israel và những người định cư có vũ trang đã làm thiệt mạng ít nhất 123 người Palestine kể từ sau cuộc tấn công của Hamas. Hơn 1.000 người Palestine đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ ở Bờ Tây khi bạo lực leo thang.
Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại với những hành động của người định cư Israel. “Họ (những người định cư Israel) đang tấn công người Palestine ở Bờ Tây. Việc này phải dừng lại ngay bây giờ”, ông nói.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cũng kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có trách nhiệm kiềm chế tình trạng bạo lực của những người định cư đối với người dân Palestine ở khu vực này.
Báo Wall Street Journal (Mỹ) nhận định nếu bạo lực không được kiểm soát, Israel có thể đối mặt với một cuộc nổi dậy toàn diện của người Palestine ở Bờ Tây, bên cạnh cuộc chiến ở Gaza và các cuộc giao tranh với nhóm Hezbollah ở biên giới phía bắc với Lebanon.
Trước cuộc tấn công của Hamas - dẫn đến đòn đáp trả quân sự của Israel vào Gaza, Bờ Tây đã đứng trên bờ vực khủng hoảng. Tính đến ngày 6.10 năm nay, Liên Hợp Quốc đã báo cáo có hơn 798 vụ việc bạo lực liên quan đến người định cư Israel trên lãnh thổ Bờ Tây, khiến 237 người Palestine và 25 người Israel thiệt mạng.
Kể từ khi Israel giành quyền kiểm soát và chiếm đóng Bờ Tây vào năm 1967 sau cuộc chiến kéo dài sáu ngày, vùng lãnh thổ này đã có thường dân Israel định cư, thường được quân đội bảo vệ. Hầu hết thế giới coi các khu định cư này là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, nhưng bất chấp điều này, các chính phủ liên tiếp ở Israel vẫn cam kết hỗ trợ các khu định cư.
Israel coi Bờ Tây là lãnh thổ tranh chấp và cho rằng chính sách định cư của nước này là hợp pháp. Động thái này đã đi ngược lại sáng kiến thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền ở Bờ Tây và Gaza, vốn được Mỹ và hầu hết các chính phủ trên thế giới ủng hộ.
Các nhóm nhân quyền cho biết, chính phủ của ông Netanyahu đã khuyến khích việc mở rộng, phê duyệt hàng nghìn đơn vị nhà ở cho người định cư mới trong năm nay và tìm cách tịch thu đất, nước và các tài nguyên khác của người Palestine.
Allegra Pacheco, một luật sư người Mỹ đứng đầu Hiệp hội Bảo vệ Bờ Tây, một nhóm viện trợ nhân đạo do phương Tây tài trợ, cho biết: “Họ coi đây là thời điểm để hoàn thành chương trình nghị sự chính trị của mình”.
Người dân Palestine tại Bờ Tây điêu đứng
Được thành lập vào năm 2000, khu định cư Esh Kodesh từ lâu nổi lên là một địa điểm thù địch người Palestine. Người Palestine sống ở các thị trấn lân cận cho biết những người định cư Israel gần như quấy rối họ hàng ngày, bao gồm đe dọa vũ trang, đột kích, đánh đập và đốt phá. Vào năm 2012, Tòa án Tối cao Israel kết án một người định cư từ Esh Kodesh về tội bắt cóc và đánh đập một cậu bé Palestine 15 tuổi.
Tại Qusra, nơi sinh sống của khoảng 5.000 người Palestine, lãnh đạo và người dân địa phương cho biết họ lo ngại thị trấn của họ đang bị đe dọa. Họ thường xuyên phải chịu các cuộc tấn công từ những người từ Esh Kodesh. Những người định cư Israel đã đốt phá một nhà thờ Hồi giáo địa phương. Một số cư dân đã thiệt mạng, trong khi các khu vực bị cắt điện.
Làn sóng bạo lực đặt biệt leo thang sau khi Hamas tấn công người Israel. Những người định cư Israel có vũ trang đã tấn công một tòa nhà ở thị trấn Qusra vào ngày 11.10, khiến người dân sống ở đây phải kêu cứu. Khi một số người hàng xóm đến hiện trường, những người định cư đã nổ súng và 4 người bị bắn chết.
“Những gì Hamas đã làm với họ thực sự khiến họ bị tổn thương và họ đang cố gắng gây tổn hại cho chúng tôi ở đây, những người yếu thế hơn. Họ biết chúng tôi không có vũ khí và không có ai bảo vệ chúng tôi. Các con tôi không muốn quay về nhà”, Awad Mahmoud Odeh, một nạn nhân của vụ tấn công do người định cư Israel thực hiện hôm 11.10, nói với Wall Street Journal.
Về phần mình, Tal Heinrich, phát ngôn viên của chính phủ Israel, nói trong một cuộc họp báo mới đây rằng bà không thể giải quyết các báo cáo cụ thể về bạo lực ở Bờ Tây. “Rõ ràng, chúng tôi luôn muốn trật tự được duy trì”, bà nói.