Vì sao Qatar giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực đàm phán với Hamas?
Quốc tế - Ngày đăng : 14:47, 02/11/2023
Ngày 1.11, Qatar thành công trong việc giúp Israel - Ai Cập - Hamas đạt thỏa thuận cho công dân nước ngoài và dân thường Palestine bị thương nặng rời Dải Gaza sang Ai Cập. Một số nguồn tin tiết lộ thỏa thuận này tách biệt với đàm phán thả con tin.
Nhờ thỏa thuận mới nhất mà hàng trăm người mang hộ chiếu nước ngoài được rời đi, bệnh viện Al-Arish ở Ai Cập cũng bắt đầu tiếp nhận người Palestine bị thương. Theo Giáo sư Andreas Krieg (Đại học King Luân Đôn): “Quan hệ Qatar - Hamas là một phần của chiến lược trung gian. Qatar là độc quyền trong mối quan hệ và trong xung đột Israel - Hamas vì họ có thể đối thoại với cả hai bên theo cách mà không nước nào trên thế giới làm được”.
Dù là một trong số đồng minh thân cận nhất của Mỹ nhưng Qatar lâu nay duy trì quan hệ với Hamas, đồng thời giữ liên lạc qua kênh ngầm với Israel.
Nguồn tin CNN tiết lộ quan chức đứng đầu cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea cuối tuần qua vừa sang Qatar thảo luận chuyện giải cứu con tin.
Trước thỏa thuận cho công dân nước ngoài lẫn dân thường Palestine bị thương nặng rời Dải Gaza, Qatar còn cùng Ai Cập đàm phán thả 4 con tin (2 công dân Mỹ và 2 công dân Israel). Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi công nhận Qatar “đã trở thành bên liên quan cần thiết trong trong giải pháp nhân đạo”.
Quan hệ Qatar - Hamas
Sau “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, Qatar bất hòa với một số nước láng giềng Ả Rập do ủng hộ lực lượng biểu tình tìm cách lật đổ chế độ ở các nước. Quan hệ càng xấu đi khi Ả Rập Saudi, Bahrain, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào giữa năm 2017 với cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố. Phải mất nhiều năm các quốc gia này mới hàn gắn quan hệ.
Trong khoảng thời gian bất hòa với khối Ả Rập, Qatar năm 2012 cho Hamas lập văn phòng chính trị tại Doha. Nước này còn chi trả tiền lương cho người làm việc trong chính quyền Gaza của Hamas, cung cấp điện cùng nhiên liệu, hỗ trợ tiền cho nhiều gia đình nghèo khó trên địa bàn.
Song song đó, Qatar vẫn duy trì quan hệ bền chặt với phương Tây, trở thành nước cung cấp năng lượng ngày càng quan trọng nhờ trữ lượng khí đốt dồi dào và là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Mỹ. Suốt nhiều thập kỷ quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé cho Mỹ đặt căn cứ quân sự, năm ngoái được chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố xem là đồng minh lớn ngoài NATO.
Qatar thuộc số ít quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel (năm 1996). Hãng thông tấn Al Jazeera của nước này cũng là đơn vị tin tức Ả Rập đầu tiên đưa Israel vào bản đồ và phỏng vấn quan chức Israel.
Chiến lược trung gian
Giáo sư Krieg nhận định, Qatar cố gắng tạo điều kiện cho ngoại giao nhằm trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Thế nhưng, vào ngày 27.10, Israel đã bắt đầu triển khai tấn công.
Ngày 28.10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari thừa nhận đàm phán giải cứu con tin trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, ông khẳng định đàm phán vẫn đang diễn ra bất chấp tình hình leo thang.
Làm trung gian giải cứu con tin là cơ hội cho ngoại giao Qatar thể hiện. Trong số con tin có công dân châu Âu và Mỹ nên chắc chắn các quốc gia này ủng hộ Qatar hết mình.
Theo nhà phân tích Joost R.Hiltermann (tổ chức International Crisis Group): “Từ lâu làm trung gian đã là một trong số kỹ năng đáng giá nhất của Qatar”. Ông nêu ra hàng loạt ví dụ như giúp Iran - Mỹ đạt thỏa thuận thả 5 công dân Mỹ bị giam giữ vào tháng 9, tạo điều kiện cho Iran - Mỹ đàm phán hạt nhân gián tiếp cuối năm ngoái, hỗ trợ Mỹ sơ tán công dân khỏi Afghanistan năm 2021…
Quan hệ với Hamas thành gánh nặng
Bất chấp nỗ lực làm trung gian đem lại kết quả tốt đẹp, tuần trước, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen chỉ trích Qatar tài trợ Hamas và chứa chấp nhân vật lãnh đạo lực lượng này.
“Qatar - nước tài trợ và chứa chấp thủ lĩnh Hamas - có thể gây ảnh hưởng, cho phép trả tự do vô điều kiện tất cả con tin bị bọn khủng bố bắt giữ. Các bạn nên đề nghị Qatar làm điều đó”, Ngoại trưởng Cohen phát biểu trước Liên Hợp Quốc.
Qatar tuyên bố cảm thấy ngạc nhiên trước phát ngôn trên, đặc biệt trong thời điểm họ đang cố gắng giải cứu con tin cũng như hạ nhiệt căng thẳng. Nước này cảnh báo phát ngôn khiêu khích như vậy sẽ làm suy yếu nỗ lực đàm phán.
Nhà phân tích Hiltermann cho biết: “Qatar đang đóng vai trò trung gian một cách mẫu mực. Nhưng tại Mỹ xuất hiện tiếng nói không hài lòng về thái độ thân thiện của họ với Hamas”. Đã có 2 đảng viên Cộng hòa kêu gọi Qatar trục xuất các nhân vật lãnh đạo Hamas.
Mặc dù vậy, theo nhà phân tích Hiltermann, làm vậy là “động thái tự chuốc lấy thất bại” có thể đẩy Hamas về phía Iran hơn và khiến Qatar mất đi một mối quan hệ hữu ích trong tương lai.