‘Nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối 2023 hoặc đầu 2024’
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:20, 02/11/2023
Nợ xấu tăng nhanh nhưng không ngoài dự báo
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7.2023, tương đương hơn 440.000 tỉ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng hiện ở mức 1,92%.
Nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này là 6,16% (tương đương 768.000 tỉ đồng).
NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7.2022 là 1,8%, tháng 7.2023 là 2,58%).
Tại nhiều ngân hàng, nợ xấu cũng không ngừng gia tăng. Ở Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 44.700 tỉ trong 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,9%. Nợ xấu cuối quý 3 là 14.393 tỉ đồng, tăng 84% so với đầu năm.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% (tháng 9.2023). Tỷ lệ này cũng cao hơn đáng kể so với mức 0,82% ghi nhận vào cuối quý 2.2023. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn rất cao, đạt 270%.
Tại Techcombank, nợ xấu tăng 113% trong 9 tháng đầu năm lên 6.467 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,74% (cuối năm 2023) lên 1,07% (quý 2.2023) và tiếp tục lên 1,4% (quý 3/2023). Tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại Techcombank đạt 93%.
Còn tại ACB, nợ xấu ngân hàng cũng tăng 77,4% trong 9 tháng đầu năm lên 5.401 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 136% lên 1.045 tỉ; nợ nhóm 4 tăng 132% lên 1.014 tỉ; nợ nhóm 5 tăng 54% lên 3341 tỉ đồng. Theo đó tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,7% (cuối năm 2022) lên 1,06% (quý 2/2023) và 1,2% (quý 3/2023). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 95%.
Nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Saigonbank đến cuối tháng 9.2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 2,23%.
Tương tự, chất lượng nợ vay của PGBank cũng không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30.9.2023 là 796 tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%.
Nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối 2023, đầu 2024
Việc nợ xấu gia tăng không ngoài dự đoán của giới chuyên gia, bởi khó khăn từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng như môi trường lãi suất cao, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… cộng với chính sách khoanh nợ, hoãn nợ, giãn nợ hoặc không chuyển nhóm nợ xấu đã kết thúc.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và sự ảm đạm của thị trường bất động sản, trái phiếu… đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của doanh nghiệp, cá nhân. Điều này khiến nợ xấu đang gia tăng nhanh chóng, dù nhìn chung vẫn ở ngưỡng an toàn. Dù vậy, nợ xấu sẽ ảnh hưởng lớn tới bức tranh lợi nhuận của ngân hàng năm nay.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết tới ngày 31.8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%. Nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.
"Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng năm nay tăng chậm", ông Đồng nêu.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dự báo, với tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay có nhiều khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao, kết quả hoạt động năm 2023 - 2024 có thể giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là tổ chức tín dụng quy mô nhỏ, trong khi vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.
TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận rằng diễn biến nợ xấu tùy thuộc vào sự chống chọi của doanh nghiệp. Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh và ngược lại.
Ông Huân dự đoán cuối quý 4/2023 hoặc đầu năm 2024 nợ xấu mới có thể đạt đỉnh, bởi các doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó khăn.
Nêu lời giải cho bài toán nợ xấu, TS Huân cho rằng cần rất nhiều giải pháp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Cụ thể, trong ngắn hạn cần hỗ trợ thanh khoản cho thị trường BĐS, vì nếu thị trường BĐS vẫn như hiện nay thì sẽ kéo theo khá nhiều hệ lụy cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần xem xét giãn nợ cho các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn về vốn.
Về dài hạn, phải xử lý dứt điểm những vấn đề nội tại của thị trường BĐS và trái phiếu, đặc biệt là ban hành sớm những quy định để kiểm soát tốt việc đầu cơ BĐS cũng như việc phát hành trái phiếu. Khi thị trường BĐS được khơi thông thì nợ xấu BĐS cũng sẽ giảm.