Vì sao TP.HCM chi tiền để mua tin phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
Sự kiện - Ngày đăng : 18:00, 02/11/2023
Chiều 2.11, ông Trần Quốc Trung – Phó trưởng ban nội chính Thành ủy TP.HCM đã khẳng định như trên về việc TP.HCM chi tiền để mua tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nói về việc TP.HCM chi tiền để mua tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Trung cho biết, mục đích của việc này là để hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trong hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; bổ sung thêm một giải pháp, công cụ để Ban Chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP.
Ngoài ra, theo Điều 5 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
“Việc ban hành quy định này có tính chất khuyến khích, động viên người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, còn có ý nghĩa như ý kiến chỉ đạo của Bí thư thành ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực TP luôn dựa vào dân và mong muốn có sự đồng hành của người dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, từ trước đến nay TP ghi nhận thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát… Tuy nhiên, lần này TP chi tiền để mua thông tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là căn cứ theo các văn bản hướng dẫn của trung ương, kinh nghiệm triển khai của của một số tỉnh thành; đồng thời khuyến khích, động viên người dân cung cấp thông tin, để từ đó góp phần đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP.
“TP ban hành việc chi tiền để mua thông tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời điểm này là một bước để hoàn thiện các quy trình hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP đã được thành lập cuối năm 2022”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng khẳng định những người cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực sẽ được bảo mật thông tin, sự an toàn theo Quy định số 1629-QĐ/TU và khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh vì có cơ chế và quy định rõ ràng.
“Cơ chế này sẽ khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh vi theo quy định (K2 Điều 5) thì người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, nên sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh; đồng thời, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra”, ông Trung chia sẻ.
Về mức chi tối đa 10 triệu đồng cho mỗi tin phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Trung cho biết là thực hiện theo hướng dẫn số 53- HD/VPTW ngày 16.7.2015 của Văn phòng Trung ương Đảng về một số điểm về chế độ mật phí đối với Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy; Công văn số 900-CV/BNCTW ngày 5.5.2014 của Ban Nội chính Trung ương về nghiệp vụ mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.
“Chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này nhiều hay ít, hoặc đáp ứng mong muốn của người cung cấp tin hay không. Thường trực Thành ủy đã có chia sẻ “cán bộ, đảng viên, nhân dân cung cấp thông tin với mục tiêu cao nhất là để xây dựng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là chính, nên mức chi trả trên là hình thức để khuyến khích nhân dân thông tin, còn mục tiêu cao nhất, chung nhất vẫn là làm sao đạt hiệu quả về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Trung nhấn mạnh.