Trái chủ đề nghị điều tra dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư The Spirit of Saigon
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:18, 03/11/2023
Loạt đơn tố cáo SGG
Trước bế tắc kéo dài trong thực hiện nghĩa vụ thanh toán cũng như "nhùng nhằng" trong việc bàn giao tài sản để xử lý quyền lợi người liên quan, hàng loạt trái chủ đã làm đơn khiếu nại, tố cáo Công ty TNHH Saigon Glory (SGG)- Chủ đầu tư (CĐT) dự án The Spirit of Saigon.
Qua tìm hiểu, từ đầu tháng 10 đến nay đã có hàng trăm trái chủ dự án The Spirit of Saigon đã gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, đề nghị làm rõ hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật của SGG và người đứng đầu là ông Vũ Quang Bảo, Tổng giám đốc.
SGG được biết đến là chủ đầu tư Dự án The Spirit of Saigon – dự án có vị trí đắc địa tại khu tứ giác Bến Thành, có 4 mặt tiền là Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette thuộc trung tâm quận 1, TP.HCM.
Dự án có diện tích đất 8.537m2, tổng diện tích sàn xây dựng 205.743m2. Dự án gồm 2 tòa tháp, tòa tháp A cao 55 tầng gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp B cao 48 tầng bao gồm các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn thông qua kết nối phần đế và tầng hầm.
Dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, năm 2020, để thực hiện Dự án, SGG đã phát hành 10 lô trái phiếu với tổng trị giá 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán các lô trái phiếu đều không được trả gốc và lãi theo cam kết, khiến các nhà đầu tư lao đao cầu cứu.
Ngày 29.8, Chứng khoán Tân Việt ra thông báo số 1600, cho biết công ty: "Không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Tổ chức phát hành Công ty Saigon Glory để thiực hiện nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ".
Dự án trùm mền, thẩm định giá giảm 50%
Theo thông tin được phía ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo (là bất động sản) cập nhật đến trái chủ ngày 6.10.2023, giá trị định giá tài sản đảm bảo của tháp A chỉ còn 4.653 tỉ đồng (làm tròn) căn cứ chứng thư định giá ngày 30.08.2023. Còn tài sản đảm bảo là vốn góp của SGG cũng bị đánh giá là "âm 1.028 tỉ đồng". Giá trị định giá này đưa ra theo thực trạng hiện tại là công trình tháp A mới xây thô được một số tầng thấp.
Đáng chú ý, đến nay, dự án không chỉ chậm tiến độ mà dường như dừng hẳn việc thi công, các nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều khả năng CĐT không còn khả năng tài chính để tiếp tục xây dựng và số tiền phát hành trái phiếu để xây dựng tháp A đã không còn.
Lo ngại của các NĐT là có cơ sở khi mà bảng cân đối kế toán của SGG phát sinh hơn 19.000 tỉ phải thu, mà theo đánh giá của bên Định giá phần vốn góp là không có khả năng thu hồi.
Như vậy, định giá tài sản đảm bảo hiện tại chỉ còn chưa được 50% giá trị trước đây là 11.551 tỉ đồng theo Chứng thư định giá dựa trên giả định tòa tháp đã hoàn thành xây dựng tại thời điểm 31.12.2024, và Công ty SGG có đủ tiền từ 10.000 tỉ đã phát hành trái phiếu để hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.
Trong bối cảnh đó, CĐT SGG và công ty mẹ Bitexco chưa có động thái nào xa hơn để thực hiện các nghĩa vụ với nhà đầu tư.
Gần đây nhất, ngày 6.10.2023, tại cuộc họp 3 bên, gồm SGG - Tổ chức phát hành trái phiếu; Tổ chức quản lý tài sản bảo đảm và đại diện các trái chủ đã họp bàn về việc bàn giao tài sản đảm bảo của trái phiếu nhưng SGG tiếp tục từ chối hợp tác.
Theo quy định và thỏa thuận về quản lý tài sản đảm bảo, trong trường hợp SGG và Bitexco không bàn giao tài sản bảo đảm, không phối hợp bàn giao, bên nhận là tổ chức bảo lãnh tài sản đảm bảo cũng không có quyền thu giữ tài sản để thực hiện quyền cho trái chủ. Chính vì vậy, nhà đầu tư càng bức xúc.
Đề nghị làm rõ dấu hiệu vi phạm của SGG
Tại báo cáo của SGG gửi HNX thể hiện, trong 10.000 tỉ đồng thu được từ trái phiếu thì có 9.915 tỉ được dùng cho "tái cơ cấu nợ", chỉ 85 tỉ đồng chi cho xây dựng dự án.
Phản ánh tới Một Thế Giới, các NĐT trái phiếu Saigon Glory cho biết, trong thời gian qua đã gửi đơn thư tới nhiều cơ quan đề nghị xem xét, điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật của SGG, ông Vũ Quang Bảo – Chủ tịch SGG và công ty mẹ là Bitexco.
Trao đổi với Một Thế Giới, LS Đỗ Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa nêu quan điểm: khi phát hành trái phiếu, SGG có phương án về việc cơ cấu lại các khoản nợ. Vì vậy, cần xem lại phương án phát hành trái phiếu của SGG để xem phương án cơ cấu các khoản nợ cụ thể là gì? Số tiền là bao nhiêu? được ghi tại phương án phát hành trái phiếu.
Trong trường hợp việc sử dụng trái phiếu hoặc việc sử dụng số tiền được huy động trong đợt phát hành trái phiếu không đúng với nội dung cơ cấu lại các khoản nợ ghi tại phương án thì cho thấy SGG có dấu hiệu gian dối ở đây.
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản...
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
"Như vậy, trường hợp SGG sử dụng số tiền đã huy động được của các trái chủ trong đợt phát hành trái phiếu không đúng với số tiền hoặc phương án phát hành trái phiếu đã công bố thì có khả năng sẽ bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự", LS Tuyết nêu quan điểm.
Cũng theo LS Tuyết, quy định tại Điều 4 Luật Chứng Khoán 2019 thì trái phiếu cũng là 1 loại cổ phiếu. Vì vậy, trong trường hợp Saigon Glory sử dụng số tiền được huy động trong đợt phát hành trái phiếu không đúng hoặc sử dụng không đúng theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thì cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Điều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán:
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm...
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
"Việc xác định hành vi vi phạm xâm phạm tới khách thể của tội phạm nào sẽ do Cơ quan Điều tra xác định trong quá trình điều tra. Không loại trừ trường hợp vi phạm vào cả 02 khách thể nêu trên. Trong trường hợp này, các trái chủ cần thực hiện nộp đơn tới Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền đề nghị vào cuộc điều tra xác minh, làm rõ hành vi của SGG có dấu hiệu hình sự hay không.
Việc xác định người đại diện theo pháp luật của SGG có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay vi phạm quy định nào tại Bộ luật Hình sự hay không, phụ thuộc vào việc điều tra của Cơ quan Điều tra", LS Đỗ Ánh Tuyết nói.