Thế khó của các nước Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel

Quốc tế - Ngày đăng : 12:33, 03/11/2023

Hãng tin AP ghi nhận các nước Ả Rập đã hoặc đang cân nhắc bình thường hóa quan hệ với Israel hiện phải chịu sức ép đảo ngược quyết định vì người dân phản đối.

Mới đây hàng chục nghìn người tại Rabat cùng nhiều thành phố khác của Morocco tổ chức biểu tình bày tỏ sự ủng hộ dành cho người Palestine. Ở Bahrain nơi gần như chưa bao giờ cho phép biểu tình, cảnh sát không hề ngăn cản hàng trăm người tuần hành, vẫy cờ và tập trung trước Đại sứ quán Israel.

thearabs.jpg
Biểu tỉnh quy mô lớn tại Morocco ngày 29.10 - Ảnh: AP

Ai Cập có quan hệ lâu năm với Israel, vậy mà biểu tình vẫn nổ ra. Tuần trước một ủy ban thuộc Quốc hội Tunisia trình dự thảo luật hình sự hóa việc bình thường hóa quan hệ với Israel.

Loạt diễn biến trên cho thấy thế khó mà chính phủ các nước Ả Rập đối mặt thời gian gần đây. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Morocco và Bahrain, các nhà hoạt động nhân quyền thậm chí còn yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Năm 2020, Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian được ký mở đường cho Bahrain, Morocco, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đẩy mạnh giao thương cùng hợp tác quân sự với Israel. Giới chức các bên ký kết xem thỏa thuận là bước tiến lớn hướng tới “một Trung Đông mới” hòa bình và thịnh vượng.

Hiệp định Abraham đem lại chiến thắng ngoại giao lớn cho Morroco: Mỹ cùng Israel công nhận chủ quyền của nước này với vùng Tây Sahara đang tranh chấp. Thỏa thuận cũng khiến Washington đưa Sudan ra khỏi danh sách quốc gia tài trợ khủng bố – giúp chính quyền quân sự cầm quyền có thể tập trung đối phó phong trào đòi dân chủ lẫn lạm phát tăng cao.

Đáng chú ý, tại UAE và Sudan chưa nổ ra biểu tình lớn phản đối xung đột Israel - Hamas.

Học giả Steven Cook (tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ) nhận định xung đột Israel - Hamas cùng biểu tình nổ ra khắp Trung Đông hiện tại làm giảm khả năng Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ với Israel.

“Tôi nghĩ động lực bình thường hóa có thể chậm hoặc dừng lại, ít nhất là trong một khoảng thời gian”, theo ông Cook.

Morocco, Bahrain cho người dân trút giận

Morocco không phải lúc nào cũng khoan dung với biểu tình. Trước đó giới chức nước này giải tán không ít đợt biểu tình trước trụ sở quốc hội, một thẩm phán ở thành phố Casablanca từng tuyên án một người đàn ông 5 năm tù với tội phá hoại chế độ quân chủ vì ông ta chỉ trích việc bình thường hóa quan hệ.

Vậy mà hiện tại, lực lượng hành pháp không ngăn cản các buộc biểu tình diễn ra hàng ngày. Giáo sư quan hệ quốc tế Zakaria Aboudahab (Đại học Mohammed V) cho biết biểu tình đang diễn ra chẳng thể đảo ngược quyết định bình thường hóa quan hệ, nhưng hoạt động này giúp người dân trút nỗi tức giận.

Ông nhấn mạnh: “Nhà nước Morocco biết rõ khi người dân tức giận đến mức như vậy thì họ phải lắng nghe người dân”.

Dù cấm tổ chức biểu tình từ sau “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, Bahrain thời gian gần đây lại cho phép hoạt động này diễn ra. Cựu nghị sĩ Bahrain Jawad Fairooz nhận định: “Người dân chấp nhận rủi ro xuống đường tuần hành. Các chính phủ muốn xoa dịu nỗi tức giận của người dân bằng cách để họ tụ tập lại”.

Khối Ả Rập cứng rắn với Israel

Khi tình hình xung đột ngày càng căng thẳng, các nước Ả Rập chuyển từ lên án bạo lực và kêu gọi hòa bình sang chỉ trích gay gắt hoạt động tấn công Dải Gaza của Israel.

Ban đầu Bộ Ngoại giao UAE tuyên bố cuộc đột kích miền nam Israel mà Hamas thực hiện ngày 7.10 là hành vi làm leo thang nghiêm trọng, Bộ trưởng Tài chính nước này nhấn mạnh thương mại và chính trị không liên quan nhau. Thế nhưng sau khi Israel không kích trại tị nạn Jabaliya đầu tuần qua, UAE khuyến cáo tấn công bừa bãi sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ không thể cứu vãn ở khu vực.

Bộ Ngoại giao Morocco ban đầu lên án mọi cuộc tấn công nhằm vào dân thường, nhưng sau đó đổ lỗi Israel lạm dụng bạo lực: “Các hành động leo thang của Israel mâu thuẫn với luật nhân đạo quốc tế và loạt giá trị chung của con người”.

Cẩm Bình