Chiến lược sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á
Thế giới số - Ngày đăng : 22:50, 03/11/2023
Điều này làm dấy lên hy vọng rằng sự bùng nổ năng lượng sạch có thể mang lại hàng chục ngàn việc làm được trả lương cao. Thế nhưng, giá tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu đã sụt giảm do làn sóng năng lực sản xuất mạnh mẽ từ châu Á những tháng gần đây.
Những người trong ngành năng lượng mặt trời của Mỹ lo lắng rằng nhiều nhà máy trong kế hoạch xây dựng có thể không có lợi nhuận. Đến một nửa nhà máy có thể sớm bị trì hoãn hoặc hủy kế hoạch xây, theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với các nhà phân tích ngành, công ty năng lượng mặt trời và các tập đoàn thương mại.
Sự thay đổi trong các yếu tố và tình hình kinh doanh trên thị trường đã gây trục trặc cho hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời ở châu Âu. Gần đây, cuộc chạy đua chuyển đổi năng lượng sạch của Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá trị lớn và việc hủy bỏ các dự án trong ngành công nghiệp gió ngoài khơi.
Edurne Zoco, Giám đốc điều hành công nghệ năng lượng sạch tại hãng S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Giá trên thị trường toàn cầu càng giảm thì việc xây dựng nền sản xuất tại địa phương của Mỹ càng khó khăn hơn. Nếu khoảng cách chi phí giữa mô-đun nhập khẩu và mô-đun sản xuất trong nước quá lớn thì việc xây dựng các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời có thể không xảy ra”.
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ, các lô hàng năng lượng mặt trời vào Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 8 lên 10 tỉ USD từ khoảng 4 tỉ USD cùng kỳ năm trước.
Triển vọng tồi tệ về ngành công nghiệp trong nước có thể gây tổn hại đến chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Biden và cản trở ông trong nỗ lực tái tranh cử. Biden từng ca ngợi các kế hoạch dự án năng lượng mặt trời là bằng chứng cho thấy chính sách năng lượng sạch của ông có thể tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao.
Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và các nhóm thương mại của Mỹ cho biết họ cần thêm sự trợ giúp của chính phủ ở cấp liên bang và tiểu bang, nếu không những công việc đó có thể không thành hiện thực và Mỹ sẽ tiếp tục dựa vào các tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất chủ yếu bằng linh kiện Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ năng lượng sạch của Trung Quốc có thể gây ra rủi ro an ninh tương tự như châu Âu phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng không trả lời các câu hỏi về những thách thức thị trường gần đây mà các nhà sản xuất năng lượng mặt trời trong nước phải đối mặt, nhưng nói các chính sách của Tổng thống Biden đã tạo ra một làn sóng đầu tư lớn và đang hồi sinh ngành sản xuất này ở Mỹ.
Các công ty đã công bố xây dựng hơn ba chục nhà máy năng lượng mặt trời kể từ khi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua vào tháng 8.2022, hứa hẹn sẽ tạo ra 17.000 việc làm và mang lại gần 10 tỉ USD vốn đầu tư, theo các dự án được theo dõi bởi nhóm vận động kinh doanh năng lượng sạch E2.
Dư thừa tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ
Trong số 8 đại diện công ty năng lượng mặt trời, các nhóm thương mại và nhà nghiên cứu đã nói chuyện với Reuters, cả 8 người đều đồng ý rằng thị trường đang trở nên tồi tệ hơn.
Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie đã chia sẻ dự báo mới rằng chỉ 52% trong số 112 gigawatt công suất mô-đun năng lượng mặt trời mà các công ty dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào thời điểm mục tiêu là năm 2026.
Mike Carr, Giám đốc điều hành nhóm thương mại Solar Energy Manufacturers for America, nói việc xây các nhà máy có thể bị trì hoãn, làm gia tăng sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.
Mike Carr nói: “Sự hiểu lầm về cơ hội chính sách ở đây thực sự có thể làm suy yếu sáng kiến đặc trưng của chính quyền Biden, đó là khôi phục khả năng cạnh tranh sản xuất của Mỹ, đặc biệt là trong một ngành công nghiệp quan trọng như vậy”.
Trên toàn cầu, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời chứng kiến mức giá tấm pin giảm 26% trong năm nay xuống còn khoảng 19 cent mỗi watt, theo S&P Global Commodity Insights. Giá tại Mỹ đã ổn định hơn, nhưng Solar Energy Manufacturers for America và các nhà phân tích cho biết giá giao ngay đang giảm với những người không có hợp đồng dài hạn (không có cam kết mua sản phẩm trong khoản thời gian dài thông qua hợp đồng).
Sự gia tăng nhập khẩu năng lượng mặt trời ở Mỹ một phần xuất phát từ việc miễn thuế tạm thời với pin năng lượng mặt trời đến từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Campuchia, hết hạn vào tháng 6.2024. Việc nhập khẩu năng lượng mặt trời của Mỹ cũng tăng mạnh từ Ấn Độ, Mexico và các quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi động thái đó.
Đạo luật Giảm lạm phát cung cấp ưu đãi thuế trong một thập kỷ trị giá 30% chi phí của dự án. Tuy nhiên, nhà tư vấn ngành Brian Lynch cho rằng điều đó có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa tấm năng lượng mặt trời giá rẻ và lo ngại về chi phí nhân công, nguyên liệu thô và tài chính tăng cao.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vẫn quan trọng với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại nói: “Bộ cam kết yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài phải chịu trách nhiệm tuân theo các quy tắc giống như các công ty Mỹ”.
Đạo luật Giảm lạm phát cũng có khoản tín dụng thưởng 10% cho các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng các linh kiện của Mỹ. Theo Wood Mackenzie, lợi ích này rất quan trọng với các tấm pin năng lượng mặt trời nội địa vì có thể giá cao hơn 40% so với các sản phẩm nhập khẩu. Song có quá ít linh kiện được sản xuất ở Mỹ nên phần lớn ngành công nghiệp không thể đảm bảo được phần thưởng đó.
Ngành này cần thêm sự trợ giúp của chính phủ, bao gồm "các chính sách thuế và thương mại phù hợp được xây dựng dựa trên Đạo luật Giảm lạm phát và các luật tương tự của tiểu bang nhằm tạo không gian cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời mới nổi của Mỹ cạnh tranh trên quy mô toàn cầu", theo Danny O'Brien, Chủ tịch Quan hệ doanh nghiệp tại Hanwha Qcells, một trong những nhà đầu tư lớn vào chuỗi cung ứng pin năng lượng mặt trời trong nước.
Meyer Burger, công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở bang Colorado (Mỹ), nói chính phủ Mỹ cần giúp các nhà sản xuất trong nước đối phó với “các sản phẩm giá rẻ đến từ châu Á”.
Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA), tập đoàn thương mại năng lượng mặt trời lớn từ lâu đã phản đối thuế quan cao, cũng đang vận động hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà sản xuất, đồng thời cảnh báo rằng họ không kỳ vọng rằng mọi nhà máy sẽ được xây dựng.
Convalt Energy có kế hoạch mở công suất mô-đun 2 gigawatt ở bang New York và Maine vào năm tới, sau đó là cơ sở sản xuất linh kiện vào năm 2025.
Hari Achuthan, Giám đốc điều hành Convalt Energy, nói dây chuyền sản xuất mô-đun đã chậm tiến độ khoảng 4 tháng vì các nhà tài trợ của công ty đang chờ Bộ Tài chính Mỹ ban hành các quy tắc quan trọng về cách đảm bảo các khoản tín dụng thuế Đạo luật Giảm lạm phát.