Các hãng ô tô điện cố chiếm lợi thế ở Đông Nam Á dù nhu cầu của người dùng thấp (phần 2)
Thế giới số - Ngày đăng : 17:00, 05/11/2023
Theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh
Yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất đằng sau quá trình chuyển đổi toàn cầu sang ô tô điện là biến đổi khí hậu, khi các quốc gia gấp rút giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và đạt được mục tiêu không phát thải carbon những thập kỷ tới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bổ sung thêm một khía cạnh khác. Trong khi các công ty không đồng loạt rời bỏ Trung Quốc, sự gia tăng hoạt động “giảm rủi ro” đã dẫn đến làn sóng mở rộng sản xuất sang Đông Nam Á.
Thế nhưng, việc chuyển sang ô tô điện cũng đồng nghĩa với sự trỗi dậy của một tổ hợp công nghiệp hoàn toàn mới, điều này sẽ dẫn đến các công việc, chuỗi cung ứng khác nhau và một cách hoàn toàn mới để thu được lợi nhuận.
Theo ước tính của Bloomberg, chỉ trong hai năm nữa, doanh số bán ô tô điện ở Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 169.300 chiếc, tăng từ mức 51.581 chiếc vào 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng hơn gấp ba lần lên 522.022 chiếc trong năm 2030.
Đến năm 2040, hơn 2,9 triệu ô tô điện dự kiến sẽ được bán trên toàn khu vực này, chiếm khoảng 64% tổng doanh số bán ô tô (ước tính khoảng 4,5 triệu chiếc).
Câu hỏi bây giờ là các quốc gia Đông Nam Á sẽ hoạt động tốt như thế nào trong nỗ lực thu hút các khoản đầu tư sinh lời này?
Các nhà phân tích cho biết Thái Lan đang dẫn đầu trong việc thu hút các khoản đầu tư liên quan đến ô tô điện. Là trung tâm ô tô của khu vực, Thái Lan đã nổi tiếng trong việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sản xuất ô tô.
Bất chấp sự khó khăn trong cuộc đàm phán với Tesla, trữ lượng niken khổng lồ của Indonesia vẫn tiếp tục khiến nước này trở thành lựa chọn khả thi cho các công ty muốn thiết lập hoạt động trong khu vực.
Hashim Djojohadadikusumo, doanh nhân Indonesia, nói với tờ SCMP rằng Tesla chỉ là một trong những nhà đầu tư tiềm năng mà Indonesia hy vọng thu hút được, đồng thời cho biết đất nước của ông đã thiết lập quan hệ đối tác với Úc. Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới nhưng thiếu lithium, nguyên liệu chính trong sản xuất ô tô điện mà Úc có rất nhiều.
Hashim Djojohadadikusumo nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Indonesia sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn”.
Trong ba năm qua, Indonesia đã ký hơn chục thỏa thuận trị giá hơn 15 tỉ USD về vật liệu pin và sản xuất ô tô điện, gồm cả cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên của Hyundai ở Đông Nam Á được ra mắt vào năm 2022. Tuy nhiên, các thỏa thuận này cũng bao gồm cả một số nhà máy luyện niken và cơ sở chế biến, làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng cường sản xuất của Indonesia trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu bền vững toàn cầu.
Điều đó bổ sung các vấn đề tồn tại từ trước liên quan đến sự phụ thuộc nặng nề của ngành ô tô điện vào đất hiếm, trong nhiều trường hợp đòi hỏi các quy trình khai thác và tinh chế rộng rãi có khả năng để lại chất thải phóng xạ, chẳng hạn như trường hợp của nhà máy vật liệu tiên tiến Lynas gây tranh cãi ở Malaysia.
Ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia là điểm mạnh, nhưng các nhà quan sát cho rằng chỉ riêng điều đó sẽ không đủ để ngăn cản các nhà sản xuất mở cửa hàng ở nơi khác.
“Bạn luôn có thể sản xuất chip ô tô và sau đó vận chuyển chúng đi nơi khác. Thực sự không khó để làm điều đó”, chuyên gia kinh tế Gary Ng Cheuk-yan nhận xét.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cho biết sẽ không dễ dàng để tái tạo hệ sinh thái bán dẫn hiện tại của đất nước này và ngay cả khi chip được chuyển đi nơi khác, điều đó vẫn sẽ khiến Malaysia trở thành một phần của chuỗi cung ứng ô tô điện tổng thể.
Có vẻ như việc giành được thị phần sản xuất ô tô điện lớn hơn là trọng tâm của Malaysia thay vì thúc đẩy tăng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chuyên gia về năng lượng Putra Adhiguna cho biết hai câu chuyện riêng biệt thống trị cuộc đua ô tô điện ở Đông Nam Á: Một là dựa vào doanh số và sản xuất trên thị trường như ở Thái Lan và Malaysia; hai là dựa vào tài nguyên thiên nhiên như ở Indonesia.
“Vì vậy, tôi nghĩ điều sẽ xảy ra là cả hai sẽ tiếp tục phát triển, nhưng mỗi quốc gia sẽ có lợi thế cụ thể của riêng mình”, ông nói.
Song khó quốc gia nào có thể tuyên bố độc quyền trên toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất của Đông Nam Á.
Nhà kinh tế học Tham Siew Yean cho biết các nhà sản xuất ô tô đa quốc gia như các thương hiệu Nhật Bản từ lâu đã sử dụng Đông Nam Á làm trung tâm sản xuất, với các bộ phận được sản xuất ở những quốc gia khác nhau trên quy mô lớn, để sử dụng tại các nhà máy lắp ráp địa phương và xuất khẩu. Bà nói: “Nếu để cho các quốc gia tự quyết định, họ sẽ muốn phân khúc có giá trị nhất… Bạn cần các tập đoàn đa quốc gia có thể nhìn thấy khu vực và vị trí của họ, định hình toàn bộ thị trường”.
Căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung đang khiến khu vực này càng trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt với nguyên tắc không can thiệp và không đứng về bên nào của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tranh chấp giữa các nước lớn.
Jigar Shah, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bền vững tại hãng Maybank Investment Banking Group, cho biết: “Sự chuyển đổi của ASEAN sang ô tô điện sẽ mang lại nền tảng trung lập tốt cho việc sản xuất và xuất khẩu xe điện vì khu vực này đồng thời mở cửa cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng các hãng khác”.
Với nhiều người đã thực hiện chuyển sang ô tô điện, họ nói rằng sẽ không quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm.
Banjong Cheevamongkonkarn, một cư dân Bangkok sở hữu Tesla, cho biết: “Kể từ bây giờ tôi sẽ chỉ mua ô tô điện. Tôi chắc chắn rằng công nghệ trong tương lai sẽ cải thiện khả năng sạc tốt hơn, với phạm vi hoạt động dài hơn và chi phí sẽ tiếp tục thấp hơn, điều này tốt hơn là lãng phí năng lượng do giá xăng biến động”.