Tín nhiệm quốc gia: Nhiều nước bị hạ điểm nhưng Việt Nam được nâng hạng, đánh giá cao
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:20, 06/11/2023
Từ ngày 6.11 đến sáng 8.11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.
Tỷ lệ giải ngân gói 120 nghìn tỉ rất thấp
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chính sách này được cử tri, đông đảo người dân phấn khởi và kỳ vọng, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỉ đồng.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là gói tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng.
NHNN có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. NHNN yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.
Thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỉ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.
Thống đốc NHNN cho biết giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp.
NHNN kiến nghị mong UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay, đồng thời NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Tranh luận với Thống đốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, việc ngân hàng giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ.
Ông Trí cho hay đây là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ, để triển khai thực hiện hiệu quả cần có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng mà còn sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động.
Ngoài ra, theo ông Trí, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá…, từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì mới thực hiện thành công được.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.
Trả lời đại biểu Trí, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120 nghìn tỉ đồng và có mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Thời gian tới có thêm nhiều ngân hàng thương mại khác tham gia thì vốn sẽ lớn hơn.
Tín nhiệm quốc gia được thế giới đánh giá cao
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn: Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, nâng cao vị thế và uy của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Ông Tuấn đề nghị bộ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay? Đâu là điểm mạnh trong hệ số tín nhiệm quốc gia? Chính phủ có giải pháp gì để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm, vừa qua trong chuyến công tác tại Mỹ có làm việc với các tổ chức (ví dụ Moody's) và họ đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng năng động phát triển và khuyến nghị cho Việt Nam.
Đặc biệt các tổ chức này có đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ tín dụng, nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản… và đều hài lòng và tin tưởng về những giải pháp đề ra của Việt Nam.
Lãng phí lớn trong đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công.
“Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn... Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát. Có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí.
Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.