Nguy cơ tin giả về xung đột Israel - Hamas trên TikTok kích động hận thù ở Đông Nam Á
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:30, 06/11/2023
Nhận nhiệm vụ tìm kiếm nội dung khách quan xung quanh cuộc xung đột đang diễn ra, chuyên gia công nghệ thông tin Mohamed Aliff Tusliman nghĩ ngay đến TikTok. Ông cho rằng ứng dụng mạng xã hội này cung cấp “thông tin được ghi hình trực tiếp hoặc được đăng bởi người thực sự có mặt tại chỗ”.
Chuyên gia Tusliman bị sốc trước những gì mình thấy. Gần đây TikTok đề xuất một đoạn phim quay cảnh vài đứa trẻ bị thương bê bết máu được kéo ra từ đống đổ nát, chú thích bằng tiếng Do Thái ghi rằng chính Hamas gây nên thảm cảnh đồng thời kèm hashtag #freeisrael.
Nghi ngờ đây không phải cảnh tượng xảy ra tại Israel, ông tìm kiếm và phát hiện đoạn phim giống hệt đăng trên trang Instagram Eye On Palestine - một tài khoản được xác thực chuyên chia sẻ trải nghiệm của những người sống sót qua nhiều cuộc tấn công Israel từng thực hiện ở Dải Gaza.
Ngoài ra, chuyên gia Tusliman còn nhận tin giả từ phe ủng hộ Palestine, chẳng hạn như một đoạn phim ghi lại cảnh hoang tàn sau động đất ở Afghanistan nhưng lại viết chú thích đây là tình hình Dải Gaza.
“Với tôi, nguyên tắc chung là không bao giờ tin bất cứ thứ gì trên mạng xã hội 100%, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo phổ biến hiện nay”, theo chuyên gia Tusliman.
Qua 1 tuần tìm hiểu dựa trên thông tin từ người dùng lẫn từ chuyên gia ở Indonesia, Malaysia và Singapore, Channel News Asia phát hiện trên TikTok có một làn sóng tin giả về xung đột Israel - Hamas lan truyền rộng rãi.
Thông tin sai lệch gia tăng trong lúc căng thẳng địa chính trị leo thang không phải hiện tượng mới, tuy nhiên giới phân tích cảnh báo tin giả về xung đột Israel - Hamas đặc biệt nguy hiểm với một số nước Đông Nam Á. Cộng đồng Hồi giáo đông đảo ở khu vực có thể đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của người Palestine nên cảm thấy cần nâng cao nhận thức về xung đột, do đó vô tình chia sẻ tin giả. Họ có ý tốt nhưng hành động chia sẻ sẽ đem lại hậu quả ở thế giới thực, chẳng hạn như khơi dậy cảm xúc tiêu cực hay kích động đụng độ giữa các nhóm tôn giáo.
Tâm điểm TikTok
Công ty an ninh mạng Cyabra ghi nhận ngay sau khi Hamas đột kích miền nam Israel ngày 7.10, trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram, X liền có đến hơn 40.000 tài khoản giả tham gia nhiều cuộc trò chuyện về vụ việc. Nội dung mà số tài khoản giả đăng tải nhận được hơn 371.000 lượt tương tác, có khả năng tiếp cận 531 triệu tài khoản khác chỉ sau 2 ngày.
Dù chỉ là một trong số mạng xã hội bị lợi dụng để lan truyền tin giả, TikTok lại nhận được sự chú ý lớn vì ngày càng nổi tiếng như nguồn cung cấp tin tức ở Đông Nam Á. Giới trẻ cũng xem đây là công cụ tìm kiếm đắc lực.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho biết gần 25% người Malaysia xem tin tức trên TikTok, tăng 9% so với năm ngoái. Tỷ lệ này ở Indonesia là 20%, tăng 6%; Singapore 12%, tăng mạnh từ 5% năm ngoái. Sự phổ biến của nền tảng với giới trẻ ngày càng tăng: 1/5 người 18 - 24 tuổi trên thế giới truy cập TikTok xem tin tức. Trong khi đó, tỷ lệ người truy cập Facebook hay X xem tin tức tại Malaysia, Indonesia, Singapore đang giảm dần.
Học giả Harris Zainul (Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) nhận định xu hướng trên phản ánh thói quen sử dụng truyền thông thay đổi: “Đoạn phim ngắn được xác định bởi thuật toán để phù hợp với người dùng hấp dẫn hơn văn bản hoặc đoạn phim dài mà truyền thông chính thống ưa chuộng. Thông tin từ người dùng mạng xã hội cũng được xem là khách quan hơn truyền thông chính thống”.
Tạo một tài khoản TikTok chỉ dùng để xem và thích nội dung liên quan xung đột Israel - Hamas, ban đầu phóng viên Channel News Asia tại Singapore nhận được đề xuất tin tức từ đơn vị truyền thông uy tín như CNN hay Sky News, nhưng 1 tuần sau bắt đầu có vài đoạn phim chứa thông tin sai lệch.
Một đoạn phim đăng ngày 1.11 ghi là cập nhật tình hình từ Israel hóa ra là khung cảnh động đất - sóng thần tại Nhật năm 2011, thế nhưng vẫn thu hút 5,5 triệu lượt xem, 106.000 lượt thích cùng hơn 12.000 lượt chia sẻ.
Một tài khoản tên War News đăng tải đoạn phim “Gaza bị Israel ném bom vào ban đêm”, nhiều người vào xem vạch trần đây là cảnh Mỹ tấn công Iraq 20 năm trước. War News còn đăng đoạn phim cửa khẩu Rafah kết nối Gaza với Ai Cập bị nổ tung - thông tin hoàn toàn sai sự thật. Tài khoản vẫn hoạt động từ ngày 11.10 đến nay và có hơn 13.000 người theo dõi cùng 100.000 lượt thích các nội dung.
Chia sẻ tin giả
Chuyên gia xác thực tin tức Ika Ningtyas (hãng tin Tempo) cho biết hầu hết người dùng TikTok ở Indonesia chia sẻ tin giả về xung đột Israel - Hamas là người theo đạo Hồi, ủng hộ Palestine.
“Họ chia sẻ để bày tỏ cảm xúc bản thân và bảo vệ Palestine mà không xác minh tính chính xác”, theo bà Ningtyas. Chuyên gia này còn nói thêm người Indonesia ủng hộ người Palestine không chỉ vì có cùng tôn giáo mà còn vì cảm thấy hành động tấn công của Israel có thể dẫn đến nạn diệt chủng nên cần bị lên án.
Tổ chức nghiên cứu Black Dot chỉ ra động cơ chia sẻ tin tức là sự cảm thông và nhu cầu lan tỏa nhận thức, bày tỏ quan điểm cá nhân hay kêu gọi người khác hành động.
Theo Black Dot: “Cộng đồng Hồi giáo Đông Nam Á có thể đồng cảm với nỗi đau của những người cùng tôn giáo ở Dải Gaza, giống như một số nhóm Do Thái và Cơ đốc giáo ủng hộ Israel vì niềm tin tôn giáo vậy. Khác biệt như vậy tạo ra “điểm nóng” tiềm tàng ở Singapore cũng như ở bất cứ xã hội đa dạng tôn giáo nào”.
Giới nghiên cứu Indonesia cũng cảnh báo thông tin sai lệch tràn lan đem đến nguy cơ bạo lực. Bà Ningtyas lo ngại tâm lý thù ghét người Israel cùng công dân quốc gia ủng hộ Israel trỗi dậy.
Trong thực tế đã xảy ra vài vụ việc cho thấy hậu quả từ việc kích động hận thù. Tại Mỹ, một người đàn ông 71 tuổi đâm chết một cậu bé 6 tuổi và làm người mẹ bị thương nặng. Giới chức xác định hai nạn nhân bị nhắm đến do là người Hồi giáo cũng như do xung đột Israel - Hamas. Thời gian qua các cơ quan chính quyền Pháp cũng nhận phải hàng loạt đe dọa ném bom và một giáo viên bị phần tử cực đoan đâm chết.