Khách hàng vẫn ngần ngại trong cam kết đơn hàng mới
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:10, 07/11/2023
Quý cuối kinh tế diễn biến chậm
Theo báo cáo của VDSC, nền kinh tế trong tháng đầu của quý cuối năm diễn biến chậm. Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất trong tháng 10.2023 không thực sự khởi sắc khi tham chiếu với mức tăng thấp của cùng kỳ.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ, cần lưu ý rằng tháng 10.2022 chỉ số này chỉ tăng 5,5% và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 10,3% của tháng 9.2022 do nhu cầu thế giới giảm sâu trong quý cuối năm ngoái.
Mặc dù thống kê của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10.2023 tăng 5,5% so với tháng trước nhưng số liệu tháng 9 lại được điều chỉnh giảm mạnh từ số liệu sơ bộ là 5,1% xuống chỉ còn 2,9%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,5% so với cùng kỳ, nhích tăng nhẹ so với mức tăng 0,3% của 9 tháng năm 2023. Diễn biến này cũng tương đồng với kết quả khảo sát PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 khi sản lượng giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Đặc biệt, thống kê cho thấy nhu cầu đơn hàng mới phục hồi với tốc độ chậm. Mặc dù tâm lý lạc quan về triển vọng một năm tới được tái khẳng định thì những thông điệp từ báo cáo PMI tháng 10 thể hiện sự bấp bênh về triển vọng phục hồi trong ngắn hạn. Chẳng hạn như “khách hàng vẫn ngần ngại trong việc cam kết đơn hàng mới” hay “nỗ lực tăng mua hàng không có kết quả khi tồn kho hàng mua tiếp tục giảm”.
Chỉ số PMI tháng 10 ghi nhận ở mức 49,6 điểm, không thay đổi nhiều so với mức 49,7 điểm trong tháng 9. Hiệu ứng mức nền thấp thể hiện rõ hơn trong kết quả của hoạt động thương mại khi tăng trưởng tiếp tục cải thiện ở hai chiều xuất và nhập khẩu.
Theo ước tính của TCTK, xuất khẩu trong tháng 10 đạt 32,3 tỉ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ và tăng 5,3% so với tháng trước nhờ sự phục hồi tiếp tục của xuất khẩu hàng điện tử, trong khi các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, thủy sản, giày dép vẫn ghi nhận mức âm so với cùng kỳ.
Nhập khẩu trong tháng 10 ước đạt 29,3 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ và 2,9% so với tháng trước, đáng chú ý là nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,4% so với cùng kỳ cho thấy triển vọng tích cực hơn về tăng trưởng xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2023.
Đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, mức tăng trưởng của doanh thu lĩnh vực đang giảm dần qua các tháng. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực này trong tháng 10 chỉ tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng bình quân 7,3% trong quý 3/2023.
Mức tăng chậm lại đến từ sự suy giảm trong tốc độ tăng của bán lẻ hàng hóa khi bóc tách chi tiết là do tăng trưởng chậm lại của doanh số về thực phẩm, dệt may và đi lại, đối trọng với sự cải thiện của doanh số bán hàng gia dụng, vật phẩm văn hóa, giáo dục.
“Chúng tôi quan sát thấy doanh số bán lẻ hàng hóa khác được xem là một chỉ báo việc người dân đang nới lỏng hay tiết kiệm chi tiêu, doanh số bán lẻ lĩnh vực khác đã không tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp”, VDSC nêu.
Mục tiêu tăng trưởng điều chỉnh phù hợp
VDSC cũng cho hay chặng đường nước rút cuối năm và chuẩn bị cho năm 2024, Chính phủ đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt khoảng 5%, sát với kỳ vọng chung của thị trường.
Tăng trưởng GDP quý 4/2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 7,0% so với cùng kỳ, dựa trên một số cơ sở sau:
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp cuối năm cải thiện so với các quý trước và được hỗ trợ bởi mức nền thấp của cùng kỳ; tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ dự kiến tiếp tục giảm trong quý cuối năm, bao gồm tốc độ tăng chậm lại của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, hoạt động tài chính, ngân hàng và thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Ngoài ra, đầu tư công tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Tính chung 10 tháng năm 2023, đầu tư phát triển ước đạt 401,9 nghìn tỉ đồng và kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng tốc hơn trong 2 tháng cuối năm 2023.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 dự kiến ở mức 6 - 6,5%, báo cáo cho rằng là phù hợp.
Cụ thể, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu, tiếp tục phục hồi ở mức vừa phải; chi đầu tư công dự kiến tăng thêm 13% so với kế hoạch ngân sách trình Quốc hội năm ngoái và tăng thêm 19% so với dự toán năm 2023; niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng phục hồi khi mặt bằng lãi suất giảm kéo theo sự phục hồi hoạt động kinh tế trong nước tích cực hơn năm 2023.