Ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân chưa tốt, thậm chí còn sẵn sàng cung cấp cho người khác

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:20, 07/11/2023

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay chưa cao, nhiều người còn sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác.

Mua bán dữ liệu cá nhân rất nghiêm trọng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại Quốc hội sáng 7.11, các đại biểu cho rằng hiện nay tình trạng thông tin cá nhân như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân bị lộ lọt đang rất phổ biến.

Ngoài ra, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền bởi các cuộc gọi mời chào, giới thiệu những loại dịch vụ khác nhau.

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng.

“Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu những các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

qh-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay cũng chưa cao. Cụ thể, nhiều người có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác.

Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xin cho ý kiến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và nghị định; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định ban hành…

Quản lý thế nào với thuốc lá thế hệ mới?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu hiện nay trên thị trường ước tính có khoảng 20.000 loại hương liệu sản xuất thuốc lá điện tử. Trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều loại thuốc lá điện tử được bày bán công khai cùng thuốc lá thông thường tại các tiệm tạp hóa, quán giải khát, cổng trường, giới trẻ và đặc biệt học sinh rất dễ mua sử dụng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới”, đại biểu Dao nêu.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, về thuốc lá thế hệ mới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc và thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.

Theo đó, bộ cũng đã có 2 lần làm việc với Bộ Y tế về nội dung này, lần gần nhất vào ngày 23.5.2023 và hiện vẫn trong quá tình rà soát để thống nhất quan điểm với Bộ Y tế nhằm hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.

anh-man-hinh-2023-11-07-luc-11.40.46.png
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp. Dự kiến bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm nay.

Về quan điểm, Bộ Y tế thì yêu cầu cấm nhưng Bộ Tư pháp lại yêu cầu cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67.

Người đứng đầu ngành công thương cho hay, trong quá trình xây dựng quản lý chính sách thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Thủ tướng theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ.

Ngoài ra, nghị định sẽ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan, phù hợp thông lệ quốc tế và những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Giải pháp để sớm vận hành Nhà máy nhiệt điện Long Phú

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu trường hợp dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 với 3 tổ máy có công suất là 1.200MW. Theo kế hoạch thì tổ máy số 1 được đưa vào vận hành thương mại năm 2018, nhưng đến nay đã tháng 11.2023, tiến độ dự án chỉ đạt 48% so với hợp đồng và hiện dự án đang dừng triển khai, chậm 5 năm so với dự kiến đưa dự án vào vận hành.

Theo đại biểu Vang, việc dừng thi công trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật tư, thiết bị đang lưu ở kho bãi công trường, có nguy cơ phải thay thế mới, làm thiệt hại tài sản nhà nước, nếu không có biện pháp bảo quản hợp lý và kịp thời. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực có giải pháp nào sớm trình Thủ tướng giải quyết vướng mắc để nhiệt điện Long Phú 1 vận hành...

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2010, dự án Nhiệt điện Long Phú 1 với công suất 1.200MW được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Đến ngày 30.12.2014, PVN đã ký với liên doanh nhà thầu Power Machines (PM, công ty của Nga) và Tổng công ty PTSC làm tổng thầu EPC.

anh-man-hinh-2023-11-07-luc-11.40.58.png
Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên chính phủ

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án mới được khoảng 77 - 78% thì phát sinh vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với Power Machines từ ngày 26.1.2018, và đến tháng 1.2019 thì nhà thầu Power Machines đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng, do bất khả kháng. Đến ngày 23.8.2019, sau khi có hàng chục cuộc trao đổi và đàm phán không thành thì Công ty Power Machines đã thông qua luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore.

Bộ trưởng Diên cho biết tòa trọng tài quốc tế Singapore đã có 2 phiên xét xử. Dự kiến trong quý 4 này, tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Sau khi có phán quyết thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai đối với dự án Long Phú 1, ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án nhằm bảo tính tương thích về công nghệ, giảm thiểu giao diện quản lý, tối ưu hóa thiết kế, tiến độ.

Theo ông Diên, thực tế đến nay nhiều hệ thống thiết bị chính thức của dự án cũng đã được chế tạo và lưu tại kho sản xuất hoặc là vận chuyển một phần về công trường của dự án này.

Chính phủ, Bộ Công Thương đã và sẽ chỉ đạo PVN (với vai trò chủ đầu tư dự án Long Phú 1) có phương án thực hiện, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa nhà máy vào vận hành một cách sớm nhất, trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền của PVN thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

“Về vấn đề này, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất sát sao bảo đảm làm sao tái khởi động và hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất và phấn đấu trong năm 2026", Bộ trưởng Diên nói, và cho rằng cần bảo đảm đúng luật pháp, bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng đồng thời cũng phải giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với Nga, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Lam Thanh