Bài học nào Mỹ có được từ việc thắng Liên Xô trong cuộc đua lên Mặt trăng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:24, 28/07/2020
Trong khi hầu hết sự chú ý của nước Mỹ về các vấn đề ngoài vũ trụ gần đây đã tập trung vào sự thành công trong việc đưa các phi hành gia đến và rời khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế, một cột mốc khác trong chính sách ngoài vũ trụ đã lặng lẽ diễn ra vài tháng trước. Sáu mươi năm sau khi Tổng thống Kennedy công bố một trong hai sáng kiến ngoài vũ trụ nổi tiếng của ông, tập đoàn Intelsat (Intelsat SA), lực lượng chủ chốt của kế hoạch Kennedy trong chương trình vệ tinh truyền thông toàn cầu do Mỹ làm chủ, đã lặng lẽ tuyên bố rằng họ đã nộp đơn phá sản dựa theo Chương 11. Trong khi công ty nhấn mạnh rằng việc phá sản của họ thực sự là tin tốt, không thể không chú ý rằng điều này đã đánh dấu kết luận cuối cùng (vâng, đã có nhiều kết luận) cho sáng kiến độc đáo thời kỳ Chiến tranh lạnh năm 1960, thứ có lẽ mang tác động thực tế lớn hơn cả trong tư tưởng không gian toàn cầu của Mỹ, vượt trên cả Chương trình không gian hành tinh, hoặc thậm chí là cuộc đổ bộ lên Mặt trăng.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên vào tháng 9.1961, ông Kennedy hứa rằng Mỹ sẽ “đề xuất một hệ thống vệ tinh liên lạc toàn cầu liên kết toàn thế giới bằng điện báo, điện thoại, radio và truyền hình. Ngày đó không còn xa khi một hệ thống như vậy sẽ truyền hình trực tiếp các hoạt động của cơ quan này đến mọi nơi trên thế giới vì lợi ích của hòa bình”. Đến năm 1964, sáng kiến của Mỹ đã hình thành hiệp ước khi sáu quốc gia bạn bè tham gia sáng kiến do Mỹ lãnh đạo. Trong suốt 30 năm từ năm 1961 cho đến khi Liên Xô sụp đổ, tổ chức hiệp ước do Mỹ thiết kế và lãnh đạo, INTELSAT, được cho là biểu tượng toàn cầu thiết thực nhất của chương trình vũ trụ Mỹ và là một trong những sáng kiến Chiến tranh lạnh hiệu quả nhất của Mỹ.
Thông qua tổ chức vệ tinh quốc tế của Kennedy (có trụ sở, không đáng ngạc nhiên, tại Washington DC), hàng trăm triệu người và hàng ngàn doanh nghiệp và chính phủ ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Á, châu Đại Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã có thể gọi điện thoại bất cứ lúc nào, xem các chương trình truyền hình và chuyển fax, telex và dữ liệu cho nhau. Đây là ví dụ đầu tiên của việc “toàn cầu hóa” thương mại, xã hội và văn hóa, theo cách chúng ta nghĩ về thuật ngữ đó ngày nay.
Trước khi giải thích cách thức và lý do tại sao sáng kiến không gian lớn thứ 2 của Mỹ đã thành công và chấm dứt, hoặc tại sao nó lại quan trọng như vậy, xin lưu ý rằng doanh nghiệp Intelsat ngày nay đã tận dụng triệt để việc đệ đơn Chương 11 vì họ dự kiến việc phá sản sẽ cho phép doanh nghiệp tăng vốn và chi tiêu khoảng 1 tỉ USD để di chuyển thiết bị vệ tinh ra khỏi một số tần số vô tuyến chính mà các công ty di động cần cho làn sóng dịch vụ không dây 5G dự kiến. Đổi lại, công ty vệ tinh sẽ nhận được một khoản tài trợ từ chính phủ Mỹ khoảng 5 tỉ USD, gấp nhiều lần so với doanh thu hằng năm của họ. Khi Kennedy và các cố vấn của ông nảy ra ý tưởng vào năm 1961 về việc chia sẻ lợi ích cụ thể của chương trình không gian Mỹ với toàn thể thế giới để chống lại những thành công to lớn của Liên Xô, gồm cả vệ tinh nhân tạo đầu tiên và con người đầu tiên lên vũ trụ, họ khó có thể tưởng tượng được rằng ở cuối dự án này sẽ có một vụ phá sản thương mại được thiết kế để moi tiền chính phủ.
Mặc dù lời cam kết ngày 12.9.1961 của Kennedy “Chúng tôi sẽ đi lên Mặt trăng trong thập niên này” được thế giới ghi nhớ và công nhận rộng rãi, thực sự là nhờ vào bài phát biểu của ông tại Liên Hợp Quốc hai tuần sau đó khi công bố kế hoạch chia sẻ công nghệ vũ trụ của Mỹ đối với toàn thể thế giới đã khiến cả thế giới tham gia vào chương trình không gian của Mỹ. Thật đáng để ghi nhớ sáng kiến không gian thứ 2 của Kennedy ngày hôm nay khi chúng ta xem xét cách giải quyết các vấn đề toàn cầu đa diện như sự nóng lên toàn cầu, các đại dịch, quản trị internet, thiết lập các căn cứ trên Mặt trăng và khám phá sao Hỏa.
Sáng kiến không gian thứ 2 của Kennedy thực sự táo bạo y như cam kết của ông khi nói sẽ đưa một người Mỹ lên Mặt trăng. Thay vì sử dụng lợi ích của chương trình không gian cho chính mình (như chúng ta đã từng cáo buộc Liên Xô), Mỹ đã chia sẻ lợi ích của chương trình không gian của mình với các nước đồng minh và với các quốc gia kém phát triển sẵn sàng chấp nhận một mô hình thương mại và lãnh đạo kiểu Mỹ.
Sau nhiều năm đàm phán với các đồng minh và với một số nước kém phát triển cùng với sự hỗ trợ đáng kể từ nhiều cơ quan quân sự và dân sự Mỹ, cơ quan được thành lập là một tổ chức liên chính phủ do Mỹ tổ chức và lãnh đạo, sử dụng chung công nghệ vũ trụ của Mỹ dưới dạng các vệ tinh liên lạc. Các vệ tinh này sẽ kết nối châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Đại Dương và các nơi khác ngoại trừ Liên Xô trong một mạng lưới toàn cầu hỗ trợ điện thoại, telex, tivi và dữ liệu. Các vệ tinh ban đầu có thể đã được chế tạo, được phóng và quản lý bởi các doanh nghiệp Mỹ, nhưng chúng sẽ thuộc về và được kiểm soát bởi tất cả các quốc gia ấy như là một nhóm. Hơn nữa, dự án không gian mới sẽ pha trộn các nỗ lực của doanh nghiệp, quân đội, chương trình không gian dân sự và học viện, trở thành một cam kết nhiều bên liên quan trên toàn cầu. Nỗ lực đó, chính thức được thành lập vào năm 1964, sau đó được đặt tên là INTELSAT và được vận hành trong thập niên đầu tiên bởi công ty COMSAT của Mỹ. Đến năm 1973, đã có 81 quốc gia bạn bè với Mỹ đã tham gia và tổ chức quốc tế này sở hữu khoảng một chục vệ tinh liên lạc.
Đó là một thành công phi quân sự trong thời kỳ Chiến tranh lạnh của Mỹ mà không có gì sánh bằng vì chương trình thực sự đã chạm đến cuộc sống của hàng trăm triệu người ở mọi châu lục (xin được tiết lộ: Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, tôi là người chỉ đạo cho các chương trình quan hệ công chúng và nhà đầu tư của COMSAT, tại thời điểm đó là chủ sở hữu lớn nhất của INTELSAT).
Tuy nhiên đến thập niên 1990, thế giới đã thay đổi theo nhiều cách: cáp quang dưới biển đã giúp cho việc truyền dữ liệu truyền hình, điện thoại hoặc việc truyền dữ liệu tốc độ cao giữa các tuyến đường được sử dụng dày đặc như từ Mỹ đến châu Âu hoặc Mỹ đến Nhật Bản có giá rẻ hơn nhiều so với khi thực hiện bằng các vệ tinh. Chiến tranh lạnh đã kết thúc, và lợi ích trong chính sách đối ngoại đối với Mỹ của một tổ chức gồm các nước đồng minh và các nước kém phát triển bạn bè đã giảm đi rất nhiều, các nhà lãnh đạo chính trị ở Mỹ và châu Âu đã có cách tiếp cận mới về viễn thông dựa trên sự cạnh tranh, tư nhân hóa. Kết hợp lại, những yếu tố này đã dẫn đến cả sự cạnh tranh rộng rãi trong các dịch vụ vệ tinh quốc tế và sự kết thúc của sáng kiến vệ tinh Chiến tranh lạnh của Kennedy.
Năm 2001, tổ chức quốc tế INTELSAT đã trở thành tập đoàn Intelsat, một doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với các doanh nghiệp vệ tinh khác. Sau một loạt các vụ mua lại có đòn bẩy khiến doanh nghiệp phải chịu số nợ hơn hàng tỉ USD, công ty đã công khai (Intelsat, SA) vào năm 2013. Cuối cùng, do hầu hết tài khoản đều là gánh nặng với các khoản nợ trước đây, công ty giao dịch công khai tuyên bố vào tháng 5.2020 rằng họ sẽ nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 để bảo vệ chính mình khỏi các chủ nợ và thu gần 5 tỉ USD từ Ủy ban Truyền thông Liên bang nhờ việc xóa các tần số vô tuyến mà các nhà khai thác di động muốn sử dụng cho các dịch vụ không dây 5G mới.
Quyết định này rõ ràng khác biệt hoàn toàn so với thông báo đầy tham vọng của Tổng thống Kennedy đến Liên Hợp Quốc vào năm 1961, hay sự thành lập vẻ vang của Tổng thống Johnson năm 1964 về một tổ chức vệ tinh quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Ý tưởng của Kennedy đạt được thành công về mặt chính trị và kinh tế hơn nhiều so với những gì ông từng tưởng tượng, như các bằng chứng cho thấy, khái niệm ban đầu về một vệ tinh của Mỹ, do Liên Hợp Quốc điều khiển, đã được tận dụng triệt để. Thành công 30 năm của INTELSAT giống như một công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, một công ty toàn cầu do Mỹ lãnh đạo và sự sáp nhập các lợi ích quân sự, dân sự, thương mại và các lợi ích khác cho đến ngày hôm nay vẫn là một mô hình quan trọng cho những bài học mà chúng ta có thể rút ra trong việc làm sao có thể tiếp cận thành công trước những thách thức toàn cầu mới ở ngoài vũ trụ, hoặc trên Trái đất.
Hoàng Phương (dịch)