Sở hữu lượng đất hiếm hàng đầu thế giới, Việt Nam có thể phá thế độc quyền của Trung Quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:44, 08/11/2023
Nhiều nước mong muốn hợp tác
Theo các nhà chuyên môn thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, đất hiếm gồm 17 nguyên tố, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ôtô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, radar, tên lửa...
Việt Nam cũng là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm, kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái).
Theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng khoáng sản đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn.
Nhận thấy Việt Nam có nguồn cung đất hiếm hàng đầu thế giới, một số quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tìm đến Việt Nam với mong muốn hợp tác, phát triển.
Cụ thể, từ năm 2010, Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam nhằm mở rộng nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc. Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với người đồng cấp Hàn Quốc về việc thăm dò và phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, bao gồm đất hiếm tại Việt Nam, để cung cấp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.
Đến tháng 6.2023, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký một biên bản ghi nhớ thành lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Trong tháng 10, Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã tổ chức khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới Amkor Technology VN của tập đoàn này tại Bắc Ninh, khẳng định phát triển thành cứ điểm quan trọng trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Amkor trên toàn cầu. Trước đó, một đối tác của Samsung là Hana Micron cũng cho biết sẽ rót 1 tỉ USD vào sản xuất chip tại VN từ năm 2025.
Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp kỷ niệm 50 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao mới đây, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đề cập đến việc hợp tác với Việt Nam, khai thác tối đa các tiềm năng của cả hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số, chuyển đổi số và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất của Besi Việt Nam cho Công ty BE Semiconductor Industries N.V (Hà Lan) trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với vốn đầu tư gần 5 triệu USD, dự kiến nhà máy đi vào hoạt động chính thức vào đầu năm 2025.
Khai thác chưa xứng với tiềm năng
Trong khi toàn thế giới đang cạnh tranh để có được nguồn cung đất hiếm thì việc khai thác, chế biến đất hiếm và khoáng sản của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao có mặt ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, công nghệ khai thác còn lạc hậu, nước ta chưa khai thác hết giá trị của đất hiếm. Hiện Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tác các ô-xít đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài.
Ông Đỗ Nam Bình - Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa thể chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các ô-xít đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước.
Mặc dù có tiềm năng nhưng nguồn tài nguyên này mới chỉ dừng ở mức độ khai thác nhỏ lẻ do công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, vì vậy dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn (có những mỏ tổn thất tới 60%), công suất thấp, không tách được hết thành phần nguyên tố hiếm.
Tại hội thảo góp ý xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác và chế biến đất hiếm giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các chuyên gia môi trường cho rằng, việc tổ chức khai thác đất hiếm tại Việt Nam là một vấn đề cần phải xem xét kỹ càng vì đây là loại tài nguyên đòi hỏi trình độ khai thác ở mức cao. Bên cạnh vấn đề về môi trường, nếu trình độ kỹ thuật của nước ta chỉ dừng lại ở việc khai thác bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến thì giá trị thu về cũng rất thấp.
Tiến sĩ khoa học kỹ thuật mỏ Nguyễn Thành Sơn (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho biết lâu nay, nước ta cũng có khai thác đất hiếm. Năm 1990, cơ quan chức năng đã tiến hành thăm dò các mỏ Đông Pao, Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe. Kết quả cho thấy, tổng trữ lượng cấp B khoảng 5.680 tấn và cấp C1 khoảng 2,1 triệu tấn; cấp C2 khoảng 7,7 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng trữ lượng đất hiếm khai thác có lãi (theo tiêu chuẩn đánh giá của Liên Hiệp Quốc) thuộc cấp R-1-E (được thăm dò ở mức chi tiết và nếu khai thác phải có lãi) của Việt Nam vào khoảng 1 triệu tấn.
Hàng năm, Việt Nam mới chỉ khai thác nhỏ, cỡ vài chục tấn quặng banexit ở Đông Pao và vài ngàn tấn quặng monazit hàm lượng 35-45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung để bán theo đường tiểu ngạch. Đất hiếm được nghiên cứu sử dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ôtô... nhưng hiện vẫn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp.
Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông - vận tải, quân sự... Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỉ USD một năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế.
Cơ hội bứt phá của Việt Nam!
Chip bán dẫn chính là "bộ não" của hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại di động, máy tính cá nhân đến máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng blockchain 5G, robot... Ngay cả trong lĩnh vực giao thông, các hệ thống thông tin và điều khiển dựa vào chip để duy trì an toàn và hiệu suất. Quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỉ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỉ USD vào năm 2029.
Tại Mỹ, 88% chip sử dụng trong nước được nhập khẩu và Trung Quốc, Đài Loan là một trong những nguồn cung cấp chính cho Mỹ. Để đề phòng rủi ro phụ thuộc nguồn cung, Mỹ tìm kiếm một quốc gia để sản xuất chip, Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn.
Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Việt Nam đã nổi lên như một cơ sở sản xuất thay thế Trung Quốc cho các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Theo Công ty nghiên cứu Technavio, giá trị thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,65 tỉ USD từ nay đến năm 2025.
Tháng 7.2023 trong một chuyến thăm đến Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ đang làm việc với các quốc gia đối tác để tăng cường đầu tư, trong đó dành một quỹ mới trị giá 500 triệu USD cho các dự án bán dẫn và viễn thông quốc tế theo Đạo luật CHIPS. "Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn", Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh.
Không phải chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang muốn tới Việt Nam để đầu tư sản xuất các kinh kiện bán dẫn. Giới chuyên gia nhìn nhận Việt Nam có đất hiếm với trữ lượng không hề nhỏ, đây chính là cơ hội và tiềm năng xuất khẩu loại khoáng sản này. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, các mỏ đất hiếm chưa đi vào khai thác công nghiệp có hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), muốn xuất khẩu đất hiếm, các doanh nghiệp khai thác đất phải trải qua quá trình làm giàu các khoáng chất bên trong các quặng đất hiếm để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, để xuất khẩu còn phải phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
"Ví dụ xuất khẩu đất hiếm để làm linh kiện điện tử hoặc làm vật liệu cho các ngành sản xuất khác, mỗi nhu cầu xuất khẩu có một tiêu chuẩn riêng, yêu cầu rất cao về độ tinh khiết của các nguyên tố đất hiếm, chứ không phải chúng đồng đều nhau", ông Khiển cho biết.
Đánh giá về tiềm năng khai thác đất hiếm với nhu cầu xuất khẩu và năng lực khai thác của các doanh nghiệp trong nước, vị chuyên gia này khẳng định các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng để khai thác, xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu đầu tiên phải có đầu ra.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, riêng mảng khoáng sản đất hiếm, quy hoạch đưa dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm.
Theo quy hoạch, từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại các mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (tỉnh Lai Châu), thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Nhà chức trách cũng đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời, hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái).
Bước sang giai đoạn 2031-2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác giai đoạn này đạt khoảng 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.
Sự bắt tay hợp tác của Mỹ với Việt Nam, cũng như của Việt Nam với các đối tác châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, một lần nữa khẳng định vị thế mắt xích quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường tiếp cận công nghệ, thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.
Trung Quốc là một cường quốc về đất hiếm với trữ lượng rất lớn. Rất nhiều quốc gia trước đây đã phải phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu đất hiếm cho sản xuất các linh kiện điện tử, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc đã từng dọa ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Các chuyên gia nhấn mạnh, tiềm năng, giá trị tài nguyên đất hiếm của Việt Nam hiện rất lớn. Thậm chí còn cho rằng Việt Nam có thể phá thế độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc, nhưng chưa có chiến lược cụ thể, hiệu quả để khai thác và chế biến. Do đó, Chính phủ cần có chính sách quản lý cụ thể, khuyến khích chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư và thực hiện khai thác bài bản, khoa học, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế và tiêu chuẩn môi trường.
Việc gia nhập và chuỗi cung ứng chip bán dẫn và nguồn trữ lượng đất hiếm dồi dào sẽ là bệ phóng giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Việt Nam có nhiều lợi thế, ưu thế trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn. Đây sẽ là cơ hội xác lập được nền công nghiệp bán dẫn, tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng và quan trọng là tạo ra sự lan tỏa, không chỉ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà nguồn vốn nội địa cũng sẽ tham gia vào chuỗi giá trị này.