TS Nguyễn Đức Kiên: 4 năm qua chúng ta đủ điện vì... dịch bệnh kéo dài

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:59, 08/11/2023

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng 4 năm vừa qua đủ điện là vì dịch bệnh kéo dài, sản xuất hạn chế, tăng trưởng kinh tế chỉ có 3 - 4%. Nếu tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn gặp khó khăn kinh khủng.

Điện sinh hoạt có đang trợ giá cho sản xuất?

Tại tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 – Những vấn đề cấp bách đặt ra”, các chuyên gia băn khoăn khi giá điện vẫn mang màu sắc "bao cấp", khiến ngành điện không đủ nguồn để đầu tư, phát triển, không thu hút được được đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng điểm nghẽn lớn nhất đối với ngành điện hiện nay chính là giá điện.

Cơ chế giá điện của nước ta phân thành: Sản xuất, hành chính sự nghiệp và giá điện sinh hoạt. Trong khi đó, công luận đang đòi hỏi xem xét lại việc giá điện sinh hoạt bù cho sản xuất.

“Việc bù cho sản xuất thì giá điện sản xuất thấp, thu hút được đầu tư, tiết kiệm được chi phí làm cho giá thành giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng mặt hạn chế là thông qua việc giá điện thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, mà công nghệ lạc hậu thì hiệu quả lại không tốt”, ông Long nêu.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc chia sẻ: “Dư luận nói rằng điện sinh hoạt đang trợ giá cho sản xuất. Khi chúng ta chưa đủ dữ liệu thì không nên nói như thế, gây ra suy nghĩ không đúng là người dùng điện sinh hoạt đang trả tiền hộ cho doanh nghiệp".

"Không thể lấy bình quân của sản xuất so với bình quân của sinh hoạt. Lý do là sản xuất mua từ 110 kV, 35 kV, 22 kV, còn người sinh hoạt chỉ mua từ 0,4 kV. Như vậy thì đương nhiên giá thành của sinh hoạt phải đắt hơn”, ông Hồi nêu.

long.jpeg
PGS-TS Bùi Xuân Hồi (trái) và PGS-TS Ngô Trí Long

Theo ông Hồi, giá và cơ chế điều chỉnh, đối với ngành điện nói chung, quan trọng nhất vẫn là cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ quyết định doanh thu của ngành điện tại Quyết định 24. Quyết định này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải điều chỉnh.

Lý do là hiện nay giá bán lẻ điện bình quân đang cơ bản được xây trên nền tảng các dữ liệu dự báo. Đầu năm lập giá bán điện bình quân lấy trên cơ sở dự báo của cả năm đó.

“Điều này vô hình trung rất rủi ro cho những người ra quyết định, thậm chí liên quan đến “sinh mạng chính trị” của những người thực hiện. Theo tôi, phải tính toán để những người thực hiện đỡ rủi ro. Ví dụ, đầu năm nghĩ rằng quỹ nước không tốt, tôi lập giá bán điện bình quân trên cơ sở đó. Đến trong năm, nước về tốt hơn dự kiến thì giá thành thấp hơn, người khác lại nghĩ là tôi lập giá bán điện bình quân cao để tăng giá điện”, ông Hồi chia sẻ.

Ngoài ra, ông Hồi cũng đề nghị thẩm quyền ra quyết định được luật hóa ở mức độ cao hơn, có thể lên đến mức Nghị định của Chính phủ. Lúc đó người dân sẽ thấy trong một năm có lúc tăng, lúc giảm. Người tiêu dùng nhìn thấy giá điện từng bước mang tín hiệu của thị trường.

“Quyết định 24 và 28 của Thủ tướng đã lâu lắm rồi. Thời điểm đó có thể phải để giá điện sản xuất thấp để thu hút đầu tư, nhưng giờ phải có điều chỉnh. Chúng ta để quá lâu không điều chỉnh nên nếu lập tức tính đúng, tính đủ sẽ gây sốc cho rất nhiều chủ thể kinh tế”, ông Hồi nói.

Vì dịch bệnh nên mới không... thiếu điện

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng hiện chưa làm rõ được giữa tập trung hay là phi tập trung hóa nguồn điện sản xuất. Năng lượng mặt trời tập trung nhiều ở miền Trung, năng lượng than và thủy điện thì tập trung ở phía bắc, còn ở phía nam là hỗn hợp vừa khí, vừa than, vừa thủy điện.

Do đó, ông Kiên cho rằng phải giải được bài toán giữa tập trung và phân tán của ngành điện, vì nếu phân tán thì chúng ta sẽ giảm được phí truyền tải, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho lưới. Nhưng nếu tập trung như bây giờ thì sẽ phải tính thêm phí đầu tư truyền tải vào giá thành của 1 kW điện.

Ông Kiên cũng kiến nghị phải hạch toán đúng. “Chúng ta phải tính bán được 1kW điện là phải thu về được 2.200 đồng, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ EVN 1.000 đồng vì EVN là doanh nghiệp nhà nước. Lúc đó, chúng ta mới đảm bảo tính được đầy đủ hạch toán của giá điện”, ông Kiên nêu.

Ngoài ra, theo ông Kiên, hạch toán phải ban hành được giá FiT theo vùng, miền và theo loại hình sản xuất, sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu. Tránh tình trạng hiện nay là chúng ta quá yêu bảo vệ môi trường, quá yêu việc thực hiện phát thải bằng 0, nên tỉnh nào cũng đề nghị không xây dựng nhà máy nhiệt điện than.

“Không có nguồn điện nền thì lấy đâu ra năng lượng tái tạo, trong khi chúng ta đã bỏ nhiệt điện nguyên tử một thời gian sau sự cố Fukushima”, ông Kiên nói.

kien.jpeg
TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Kiên cũng kiến nghị là phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện 8 dự kiến vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500KV vô cùng lớn. Nếu không tính vào và có cơ chế PPP để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư.

“Tôi có may mắn được tham gia xây dựng từ sơ đồ điện 6 đến bây giờ. Trước đây, cứ 1% tăng trưởng GDP thì phải có tăng trưởng điện cỡ khoảng 2%. Hiện nay công nghệ phát triển, 1% tăng trưởng GDP, tăng trưởng điện cỡ 1,4 - 1,5%. 4 năm vừa qua đủ điện là vì dịch bệnh kéo dài, không ai sản xuất, tăng trưởng kinh tế chỉ có 3 - 4%. Nếu chúng ta tăng trưởng 7% thì bài toán về phát triển nguồn gặp khó khăn kinh khủng”, ông Kiên nói.

Thủ tướng đã đưa ra quyết tâm chính trị và mệnh lệnh rất rõ ràng là không để thiếu điện trong năm 2024. Muốn vậy, cần bảo đảm cần khai thác tốt các nguồn đang có như thủy điện, điện than… và tháo gỡ vướng mắc nguồn điện tái tạo. Thậm chí tính đến kế hoạch mua bán điện, kể cả mua bán điện của nước ngoài.

Một điều quan trọng là ngay trong năm 2024 cần cải cách về điều hành giá. Giá điện phải tính đúng, tính đủ và phải tuân thủ theo quy luật của thị trường. Điều đó không có nghĩa là không làm các chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội nhưng hai chuyện phải tách biệt nhau.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Lam Thanh