Xung đột Israel - Hamas: Điều chưa biết về nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn

Hồ sơ - Ngày đăng : 13:17, 08/11/2023

Giữa lúc giao tranh Israel và Hamas nổ ra, lực lượng Hezbollah đã đụng độ với quân Israel ở khu vực biên giới, đánh dấu sự leo thang nguy hiểm trong khu vực.

Hezbollah đã đấu súng với quân đội Israel dọc biên giới Lebanon kể từ một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ hôm 7.10 của Hamas ở miền Nam Israel. Cả hai bên đều có thương vong, nhưng điều đáng lo ngại là xung đột sẽ leo thang và trở thành một cuộc chiến khu vực.

"Chúng tôi, với tư cách là Hezbollah, đang góp phần vào cuộc đối đầu và sẽ tiếp tục đóng góp vào cuộc đối đầu đó theo tầm nhìn và kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và khi đến thời cơ hành động, chúng tôi sẽ chớp lấy nó", phó thủ lĩnh lực lượng này, Naim Qassem, phát biểu trong cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine ở ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, lãnh đạo phong trào Hezbollah, ông Hassan Nasrallah hôm 3.11 kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza và không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc mở rộng xung đột với Israel. Nasrallah chỉ khẳng định rằng tất cả các lựa chọn đều được tính đến nếu cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza ngày càng sâu sắc.

Thủ lĩnh Nasrallah dường như đã đồng tình những lo ngại leo thang xung đột trong bài phát biểu của mình. “Một số người nói rằng tôi sẽ thông báo rằng chúng tôi đã tham chiến. Nhưng thực tế, chúng tôi đã bước vào trận chiến từ 8.10 (ám chỉ sự tham gia của Hezbollah mới chỉ diễn ra ở phía nam)”, ông Nasrallah cho hay nhưng không nói Hezbollah sẽ tham gia một cuộc chiến toàn diện chống lại Israel.

nguoi-li-bang-cham-chu-nghe-bai-phat-bieu-cua-lanh-dao-hezbollah-hassan-nasrallah-hom-3.11.png
Người dân Lebanon chăm chú nghe bài phát biểu của lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah hôm 3.11 - Ảnh: AP

Trước khi Nasrallah phát biểu, đường phố ở Lebanon vắng tanh khi dân chúng ngồi dán mắt vào màn hình, lo lắng trước viễn cảnh đất nước của họ sẽ bước vào một cuộc đối đầu rộng hơn với Israel. Nhưng sau khi bài phát biểu của thủ lĩnh Hezbollah được đưa ra, nỗi lo đó đã phần nào được xoa dịu.

Dưới đây là lý do tại sao Hezbollah và thủ lĩnh của lực lượng này lại đóng vai trò chủ chốt trong xung đột Israel-Hamas.

Hezbollah là tổ chức gì?

Hezbollah là một tổ chức chính trị - vũ trang của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shiite (Shia) được thành lập vào năm 1982 nhằm phản ứng trước sự kiện Israel chiếm đóng miền nam Lebanon để đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của cố Tổng thống Yasser Arafat ra khỏi quốc gia này.

Hezbollah được sự hỗ trợ tài chính của Iran và Syria. Hezbollah được xem như kẻ thù "không đội trời chung" của Israel. Trong những ngày đầu thành lập, nhóm này cũng thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Mỹ tại Trung Đông gây thiệt hại lớn, khiến Washington liệt Hezbollah là tổ chức khủng bố.

Lina Khatib, Giám đốc Viện Trung Đông SOAS ở London, nói: “Sự hỗ trợ của Iran đã giúp Hezbollah củng cố vị thế là chủ thể chính trị quyền lực nhất Lebanon cũng như là chủ thể quân sự được trang bị vũ khí tốt nhất được Iran hỗ trợ trên toàn Trung Đông”.

Sau khi các chiến binh Hezbollah phục kích một đội tuần tra của Israel vào năm 2006 và bắt hai binh sĩ Israel làm con tin, Hezbollah và Israel đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài một tháng.

Vào thời điểm đó, mục tiêu của Israel đặt ra tương tự như với cuộc chiến với Hamas hiện tại: loại bỏ Hezbollah. Tuy nhiên sau đó, nhóm chiến binh Hồi giáo này trở nên mạnh mẽ hơn - không chỉ là một lực lượng vũ trang mà còn là một đảng chính trị chủ chốt ở Lebanon.

Thủ lĩnh Hezbollah là ai?

Sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo người Shiite ở Bourj Hammoud ngoại ô thủ đô Beirut, Hassan Nasrallah đã theo học các chủng viện người Shiite ở Iran và Iraq để trở thành giáo sĩ Hồi giáo. Sau khi trở về Lebanon, ông tham gia phong trào Amal, một tổ chức chính trị và bán quân sự của người Shiite, trước khi trở thành một trong những người sáng lập Hezbollah.

Nasrallah trở thành thủ lĩnh chính thức của Hezbollah vào năm 1992 sau khi quân đội Israel thành công ám sát người đứng đầu tổ chức Sayyad Abbas Musawi. Dù không phải quan chức nhà nước Lebanon, Nasrallah là một trong những gương mặt chính trị nổi tiếng nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Nasrallah, Hezbollah đã phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị, có được tiếng nói ở cả Lebanon và trong khu vực.

Được nhiều người thần tượng vì đã khiến quân Israel rút khỏi miền nam Lebanon năm 2006, hình ảnh của ông Nasrallah thường xuyên xuất hiện trên các bảng quảng cáo và thiết bị trong các cửa hàng lưu niệm ở Lebanon, Syria và các nước khác trên khắp khu vực Ả Rập.

Ông Nasrallah cũng nổi tiếng với tư tưởng chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và kiên định ủng hộ người Palestine. Nasrallah thường xuyên lên tiếng phản đối các chính sách của Mỹ ở Trung Đông và đứng về phía Iran, bên tài trợ cả về tài chính lẫn năng lực quân sự cho Hezbollah. Tuy nhiên, vị thủ lĩnh của Hezbollah hiện phải đối mặt với làn sóng phản đối của không ít bộ phận người Lebanon vì khiến đất nước phụ thuộc nhiều vào Iran.

Theo AP, ông Nasrallah cũng được coi là người thực dụng, có khả năng thỏa hiệp về mặt chính trị. Ông đã sống ẩn náu trong nhiều năm vì lo sợ bị Israel ám sát và thực hiện các bài phát biểu của mình từ những địa điểm không được tiết lộ.

Hezbollah so với các nhóm được Iran hỗ trợ khác nhau như thế nào?

Hezbollah là lực lượng bán quân sự quan trọng nhất thế giới Ả Rập với cơ cấu nội bộ vững mạnh cũng như kho vũ khí lớn. Israel ước tính, nhóm này có kho vũ khí gồm 150.000 tên lửa dẫn đường chính xác.

Trong những năm gần đây, Hezbollah đã cử lực lượng tới Syria để giúp đỡ đồng minh của Iran là Tổng thống Bashar Assad chống lại các nhóm đối lập có vũ trang. Nhóm này cũng hỗ trợ sự phát triển của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Yemen và Syria.

Hezbollah thậm chí được ví như một “người anh cả” đối với các nhóm chiến binh Hồi giáo non trẻ được Iran hậu thuẫn.

Mối quan hệ giữa Hezbollah và Hamas?

Dù đều được Iran hậu thuẫn, nhiều nhà quan sát cho rằng mối quan hệ giữa Hezbollah và Hamas dựa trên chủ nghĩa thực dụng và không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Được thành lập vào năm 1987, nhóm chiến binh Palestine Hamas thuộc một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo dòng Sunni trong khi nguồn gốc tư tưởng của Hezbollah đi theo dòng Shiite.

Hai nhóm bất hòa liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria, khi Hamas ủng hộ các chiến binh đối lập phần lớn là người Hồi giáo Sunni và từ chối công nhận chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng đại diện của cả Hezbollah và Hamas cùng các quan chức an ninh Iran cho đến nay vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến. Tất cả đều hướng tới việc chống lại Israel và phản đối bất kỳ hành động bình thường hóa quan hệ nào của các quốc gia Ả Rập hoặc Hồi giáo với nhà nước Do Thái.

Qassim Qassir, nhà phân tích người Lebanon thân cận với Hezbollah, cho biết, bất chấp những khác biệt về vấn đề Syria, “trong 5 năm qua, mối quan hệ giữa Hezbollah và Hamas đã được cải thiện với tốc độ nhanh chóng”.

Một số quan chức của Hamas, bao gồm cả người phó chỉ huy Saleh al-Arouri, đã chuyển đến Lebanon, nơi họ có sự bảo hộ của Hezbollah và hiện diện trên nhiều trại tị nạn Palestine tại đây.

Hezbollah sẵn sàng bảo vệ Hamas tới đâu?

Đối với Hezbollah, việc tham gia hoàn toàn vào xung đột Israel-Hamas sẽ có nguy cơ kéo Lebanon – quốc gia vốn đang đối mặt thảm họa kinh tế và căng thẳng chính trị nội bộ vào một cuộc xung đột khu vực quy mô lớn. Các chuyên gia nhận định động thái này có thể thúc đẩy sự phản đối gay gắt của công chúng trong nước.

Giới quan sát tin rằng Hezbollah có quá nhiều thứ để mất nên không thể mạo hiểm để xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, vì lợi ích chính trị và thương mại sâu rộng của họ. Hezbollah chỉ tìm cách kích động một cuộc xung đột ngắn hạn và tránh bất cứ điều gì lớn hơn.

Tuy nhiên, việc đứng bên lề khi quân đội Israel nắm quyền kiểm soát Dải Gaza có thể làm tổn hại đến uy tín của Hezbollah và thất bại của Hamas sẽ là một đòn giáng mạnh vào Iran – quốc gia tài trợ chính cho Hezbollah. Áp lực vừa đủ của Hezbollah lên biên giới phía bắc Israel đã cho thấy sự ủng hộ của nhóm này dành cho Hamas và tiếp tục mở ra mối đe dọa can thiệp rộng rãi hơn.

Theo nhà phân tích Qassir, thông điệp mới nhất mà thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah đưa ra tuần trước chỉ nhằm yêu cầu phía Israel ngừng bắn, tránh việc xung đột khu vực mở rộng. Hiện chưa rõ Hezbollah có thể duy trì hành động cân bằng này trong bao lâu khi Israel dường như quyết tâm đè bẹp Hamas và số người Palestine thiệt mạng ở Gaza đã vượt qua 10.000 người.

“Nếu Gaza sụp đổ hoàn toàn, có lẽ Hezbollah đến lúc cũng phải tính tới việc sẵn sàng tham gia một cuộc chiến toàn diện”, ông Qassir nói.

Hoàng Vũ (theo AP)