Bộ trưởng Bộ KH-CN nói gì về dự án lấn biển của Đỗ Gia Capital?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:01, 08/11/2023
Đại biểu chất vấn dự án của Đỗ Gia Capital
ĐBQH Trần Thị Kim Yến (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về vai trò của Bộ KH-CN trong thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các công trường xây dựng.
Trong đó, đại biểu chất vấn: "Việc xây dựng của Đỗ Gia Capital đang triển khai ở Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long, Bộ KH-CN đã vào cuộc chưa?".
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trả lời về vai trò của Bộ KH-CN trong việc thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật về môi trường các khu công nghiệp, các công trường xây dựng, trong đó có nội dung liên quan đến doanh nghiệp đang triển khai xây dựng ở Quảng Ninh.
Bộ trưởng cho biết, theo quy định của pháp luật, Bộ KH-CN có trách nhiệm phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc thẩm định quy chuẩn Việt Nam và thẩm định công bố tiêu chuẩn Việt Nam do các bộ chuyên ngành chủ trì.
Đến nay, Bộ KH-CN đã tổ chức thẩm định hơn 800 quy chuẩn Việt Nam quốc gia. Thẩm định và công bố hơn 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 70 quy chuẩn Việt Nam và khoảng 700 tiêu chuẩn Việt Nam về lĩnh vực môi trường.
Cũng theo bộ trưởng, công tác thẩm định của Bộ KH-CN tập trung vào các tiêu chí chính như: Sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam; việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ tinh tự, thủ tục xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện các quy chuẩn Việt Nam do các bộ quản lý ngành tổ chức thực hiện, thanh tra và kiểm tra. Đối với các quy chuẩn Việt Nam ngoài pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn cần tuân thủ pháp luật về môi trường.
Bộ trưởng cho hay, đối với trường hợp của Công ty Đỗ Gia Capital, cần xác định cụ thể hành vi không tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về môi trường (nếu có).
"Trách nhiệm chính thuộc về bộ quản lý ngành và Bộ KH-CN sẵn sàng phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường cũng như trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện", Bộ trưởng nêu.
Dự án có được chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền?
Theo hồ sơ pháp lý, dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 29.10.2021. Tại Quyết định số 4720/QĐ-UBND ngày 30.12.2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng đối chiếu với quy định của pháp luật thì tại Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ 1.1.2021), dự án trước khi đấu giá phải có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được luật trao cho 3 cơ quan: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh (tùy loại hình, quy mô dự án).
Theo Điều 31 Luật Đầu tư, dự án thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
“Quan sát hình ảnh dự án và trích dẫn lời đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long thì “vị trí thực hiện dự án Khu đô thị 10B nằm trong vùng đệm của vịnh Hạ Long”. Theo thông tin từ báo chí, dự án có 3,88ha nằm trong vùng đệm, khu vực bảo vệ 2 của Di sản vịnh Hạ Long. Như vậy, dự án có một phần diện tích thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia (Vịnh Hạ Long)”, ông Đỉnh nói.
Theo chuyên gia Đỉnh, vấn đề pháp lý được đặt ra là: Liệu dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả có được chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền tại Luật Đầu tư năm 2020 không?
Cụ thể, Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 29.10.2021 của UBND tỉnh (là căn cứ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất) có phù hợp với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020 không?
“Nếu thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền… tại Luật Đầu tư năm 2020, thì để dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định sẽ tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành. Tại bước này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có ý kiến về tác động của dự án đến di sản Vịnh Hạ Long để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước khi ký chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông Đỉnh nói.
Nếu dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì sẽ không thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư và cũng không thể triển khai thi công.
“Như vậy, trách nhiệm (nếu có) ở đây là của cơ quan nhà nước, không phải của nhà đầu tư. Nhà đầu tư tham gia đấu giá theo hồ sơ mời đấu giá của cơ quan nhà nước. Trách nhiệm kiểm soát, tuân thủ pháp luật trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất/cho thuê đất… thuộc về cơ quan nhà nước”, ông Đỉnh nói.