Chủ TikTok làm nhiều cựu nhân viên ở Mỹ tức giận vì đề nghị mua lại cổ phiếu giá thấp
Thế giới số - Ngày đăng : 22:20, 08/11/2023
Được thành lập bởi doanh nhân Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) vào năm 2012, ByteDance nhanh chóng nổi lên như một trong những công ty có giá trị nhất Trung Quốc, thường tiến hành mua lại cổ phiếu hai lần một năm.
Giá chào mua lại mới nhất là 160 USD/cổ phiếu, đánh dấu mức tăng nhẹ từ mức 155 USD trong đợt mua lại hồi tháng 4. Kế hoạch mua lại cổ phiếu đã được gửi tới các nhân viên ở Trung Quốc và nước ngoài ngoại trừ Mỹ trong tuần này.
Đại diện ByteDance đã xác nhận chi tiết về kế hoạch mới nhất, đồng thời nói thêm rằng thông qua các chương trình mua lại, công ty đặt mục tiêu cung cấp thanh khoản cho các đơn vị cổ phiếu hạn chế (RSU) và các lựa chọn để động viên nhân viên.
Vào tháng 10, ByteDance đã mở rộng chương trình mua lại cổ phiếu đến nhân viên tại Mỹ, đưa ra mức giá tương tự cho nhân viên hiện tại và cựu nhân viên. Tuy nhiên, mức giảm 20% dành cho những người tự nguyện rời ByteDance khiến hàng chục cựu nhân viên ở Mỹ không hài lòng, do kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty vẫn đang bị đình trệ.
Patrick Ryan, người từng làm việc cho ByteDance từ năm 2020 đến 2022 với tư cách là Giám đốc chương trình kỹ thuật chính về bảo mật và nghiên cứu Web3 ở thành phố Mountain View (bang California, Mỹ), nói với trang SCMP: “không có tiền lệ nào như vậy trong ngành công nghệ. ByteDance không hỗ trợ lợi ích lâu dài của nhân viên".
Theo Patrick Ryan, có hàng chục người khác chia sẻ sự bất bình của anh, bao gồm khoảng 30 cựu nhân viên ByteDance đã trao đổi riêng về sự phản đối của họ và hơn 90 người tham gia một kênh trên nền tảng xã hội Discord do Patrick Ryan thành lập.
“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp các phần thưởng cạnh tranh cho nhân viên của mình”, đại diện ByteDance cho biết khi trả lời các khiếu nại. Người này nói thêm: “Vào đầu năm nay, ByteDance đã làm cho các nhân viên tại Mỹ đủ điều kiện tham gia các chương trình bán lại cổ phiếu”.
Riêng biệt, công ty Trung Quốc đã nói với Patrick Ryan vào tháng 10 rằng “việc tham gia bán lại cổ phiếu là hoàn toàn tự nguyện”.
Do kế hoạch IPO của ByteDance vẫn còn trong tình trạng lấp lửng và RSU không thể được giao dịch trên thị trường thứ cấp nên chương trình mua lại cổ phiếu nội bộ là cách duy nhất để nhân viên rút tiền. ByteDance tuân theo thông lệ tương tự với các nhân viên tại Trung Quốc kể từ năm 2017, nơi những người đã nghỉ việc thường được đưa ra mức giá bán lại cổ phiếu thấp hơn.
Patrick Ryan đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ vào tháng trước và nhận câu trả lời rằng vấn đề này đang được điều tra.
Theo ấn phẩm công nghệ kỹ thuật số The Information (Mỹ), đề nghị mua lại cổ phiếu gần đây với nhân viên ở Mỹ đã định giá ByteDance vào khoảng 220 tỉ USD, thấp hơn 26% so với một năm trước đó.
Công ty có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh phải đối mặt với những trở ngại địa chính trị mạnh mẽ trong vài năm qua. Ứng dụng video ngắn TikTok của ByteDance đã bị cấm trên thiết bị của chính quyền tại hơn 30 tiểu bang Mỹ, cũng như ở Liên minh châu Âu (EU) và Úc.
Đơn vị VR của ByteDance cắt giảm thêm nhân viên khi nhu cầu về kính giảm
Pico, nhà sản xuất kính thực tế ảo (VR) thuộc sở hữu của ByteDance, đang tiến hành đợt cắt giảm việc làm nữa nhằm tái cơ cấu, khi doanh số bán hàng của họ ở Trung Quốc và thị trường nước ngoài gặp khó khăn năm nay.
Henry Chu Hongwei, người sáng lập và Giám đốc điều hành Pico, nói với các nhân viên hôm 7.11 rằng công ty phải sa thải nhân viên vì quá lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường kính VR, theo trang SCMP.
Nhóm hệ điều hành di động Pico sẽ được sáp nhập vào nhóm phát triển sản phẩm của công ty mẹ ByteDance, nơi họ sẽ tập trung vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi và phần cứng khác.
Dù chưa biết quy mô cụ thể của việc cắt giảm nhân sự, báo cáo của truyền thông địa phương Trung Quốc cho biết việc sa thải theo kế hoạch dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm việc làm tại Pico.
Theo SCMP, Pico đã tiến hành một đợt sa thải đầu năm nay, ảnh hưởng đến hàng trăm nhân viên, trong đó một số đội ngũ bị cắt giảm tới 30% nhân sự.
Nỗ lực tái cơ cấu mới nhất của Pico nhấn mạnh một năm chậm chạp nữa với doanh số kính thực tế tăng cường (AR) và VR trên toàn thế giới.
Theo báo cáo tháng 9 của hãng nghiên cứu công nghệ IDC, doanh số kính AR và VR toàn cầu đã giảm trong quý thứ tư liên tiếp, khi khối lượng giảm 44,6% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. IDC dự báo tổng doanh số kính AR và VR trong năm nay sẽ đạt 8,5 triệu chiếc.
Theo IDC, áp lực đi xuống từ nền kinh tế toàn cầu đã hạn chế nhu cầu, trong khi tác động tiêu cực của việc tăng giá kính Quest 2 phổ biến của Meta Platforms kết hợp với phần cứng cũ từ nhiều nhà cung cấp đã khiến thị trường này càng gặp khó khăn để tăng trưởng.
Pico không bình luận về việc cắt giảm việc làm, nhưng chỉ ra rằng công ty sẽ tiếp tục bán kính VR Pico 4 hàng đầu của mình và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng trong bối cảnh sáng kiến tái cơ cấu.
“Chúng tôi thường xuyên đánh giá nhu cầu kinh doanh của mình và thực hiện sự thay đổi để củng cố tổ chức cũng như điều chỉnh tốt hơn các nhóm theo mục tiêu công ty. Do đó, chúng tôi đã quyết định tái cơ cấu hoạt động kinh doanh Pico để tập trung hơn vào công nghệ phần cứng và cốt lõi”, Pico tuyên bố.
Được ByteDance mua lại vào năm 2021, Pico đã ra mắt Pico 4 vào năm 2022. Ở Trung Quốc, Pico 4 từng được so sánh với Quest 2 vào thời điểm mà các tiện ích dành cho metaverse được thổi phồng.
Tại buổi ra mắt Pico 4, Henry Chu Hongwei nói với truyền thông Trung Quốc rằng công ty dự kiến sẽ bán được hơn 1 triệu chiếc.
Trong khi Pico bán ra Pico 4, Apple xây dựng kính thực tế hỗn hợp Vision Pro và ra mắt vào tháng 6 với tư cách là sản phẩm mới quan trọng đầu tiên của gã khổng lồ công nghệ Mỹ một thập kỷ qua. Vision Pro dự kiến sẽ được bán ra tại Mỹ vào đầu năm 2024 với giá 3.499 USD.
Thời điểm Apple bán ra Vision Pro phù hợp với dự đoán của IDC về sự phục hồi doanh số kính AR và VR vào năm 2024, dự kiến sẽ có mức tăng trưởng số lượng 46,8% hàng năm trong ngành.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Graphic Design Information Co (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải) hy vọng việc Apple bán ra Vision Pro sẽ thúc đẩy việc áp dụng thực tế mở rộng, giống như những kính đang được phát triển bởi các công ty Trung Quốc.