TP.HCM: Bệnh hô hấp bùng phát, bệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm la liệt hành lang

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:55, 09/11/2023

Những chiếc võng, giường xếp, chiếu… giăng trải khắp các góc cầu thang, hành lang như “thiên la địa võng” đang là hình ảnh tại một số khoa hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Giường chật nhưng nằm chung 2 cháu/giường

Hiện nay, các bệnh lý về đường hô hấp đang bước vào đợt cao điểm, số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao. Tại khoa Hô hấp của các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM gần như chật kín bệnh nhi, có nơi quá tải trầm trọng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, dù có đến 2 khoa Hô hấp 1 và Hô hấp 2, trong đó khoa Hô hấp 1 có đến hơn 200 giường bệnh; còn khoa Hô hấp 2 có gần 100 giường bệnh cùng với hàng loạt giường được bệnh viện này kê thêm dọc theo hành lang nhưng vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhi.

tphcm-benh-ho-hap-bung-phat-benh-vien-qua-tai-benh-nhan-nam-la-liet-hang-lang-hinh-anh-3(1).jpg
Bệnh nhi phải nằm chung 2- 3 trẻ/ giường cùng với người nhà ở chung  khiến cho không khí trong phòng ngột ngạt - Ảnh: PV

Những ngày đầu tháng 11.2023 này, các bệnh nhi nhập viện tại đây đều được nhân viên y tế thông báo không còn giường, bệnh nhi phải nằm chung 2- 3 cháu/ giường.

Bà T.T.H. (56 tuổi, quê huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) vừa thay tã vừa lau người cho cháu trai 11 tháng tuổi bị bệnh viêm phổi đang điều trị nội trú tại khoa Hô hấp 1 phân trần: “Cháu bị viêm phổi, điều trị ở đây gần 1 tuần rồi, nhưng phải nằm chung 2 bé một giường chật quá, không thể nằm được, nguy cơ lây nhiễm bệnh nặng hơn nên tôi dọn ra hành lang của dãy nhà dịch vụ dành cho bệnh nhân điều trị nội trú của khoa này nằm cho thoải mái hơn”.

Theo bà H. cháu bà mắc bệnh viêm phổi được chuyển từ Bình Phước đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị được gần 1 tuần, nhưng các bác sĩ khoa Hô hấp 1 thông báo, bệnh nhi đông lắm, không còn giường nằm, tất cả phải nằm chung 2 cháu/1 giường.

“Ở trên lầu của khoa Hô hấp 1, mỗi phòng nhỏ xíu mà có đến 5- 6 giường, nhưng cháu tôi phải nằm chung 2 cháu/1 giường, lại còn gia đình nuôi bệnh nằm ở phía dưới, không có lối ra, bí quá sao chịu nổi”, bà H. nói.

Đó là chưa kể có những bệnh nhi lớn, khi thấy có người lạ đến nằm chỗ mình, nhất quyết không chịu nằm chung, nằng nặc đòi đi chỗ khác nhưng biết đi đâu bây giờ.

tphcm-benh-ho-hap-bung-phat-benh-vien-qua-tai-benh-nhan-nam-la-liet-hang-lang-hinh-anh-4(1).jpg
Các giường bệnh được kê thêm ngoài hành lang cũng quá tải - Ảnh: PV

“Con tôi nằm điều trị ở đây được mấy ngày thì hôm nay lại có 1 bệnh nhi khác chuyển đến nằm chung. Bệnh nhi này lớn hơn con tôi nhiều nên cháu nhất quyết không chịu nằm chung. Tôi đến khoa Hô hấp 1 hỏi bác sĩ: giường bệnh nhỏ xíu mà 2 đứa lớn như thế sao nằm được? bác sĩ nói: không còn giường, phải chấp nhận nằm vậy thôi. Tôi cũng chẳng biết tính sao, giờ cháu không chịu nằm chung”, chị T.(ngụ ở Đồng Tháp) tỏ ra lo lắng nói.

Nhiều bệnh nhi nằm chung 2- 3 cháu/1 giường không chịu nổi, nhất là các cháu lớn. Người nhà phải đưa ra góc cầu thang, hay khu vực hành lang của dãy nhà dịch vụ dành cho bệnh nhi điều trị nội trú để nằm tạm bợ.

“Con tôi bị hen suyễn, nhập vào khoa Hô hấp 1, nhưng không có giường riêng cho cháu buộc phải nằm chung với 1 bé khác trên một chiếc giường bên ngoài hành lang của khoa này. Tuy nhiên, chiếc giường chỉ dài khoảng 1,5m, ngang 0,8m, nhưng con tôi hơn 10 tuổi, nặng đến 53kg, cháu nằm một mình còn không đủ lại phải nằm chung với 1 bé 6 tuổi nữa, chỗ đâu mà nằm”, chị N.T.V ( ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết.

Giành nhau hành lang để nằm

Nhìn dọc theo hành lang của dãy nhà dịch vụ dành cho bệnh nhân điều trị nội trú của khoa Hô hấp 1 trải đầy chiếu, võng, giường xếp chi chít như “thiên la địa võng”, bệnh nhi, người nhà bệnh nhi nằm la liệt kéo dài hơn 20m dọc theo hành lang của dãy nhà này.

tphcm-benh-ho-hap-bung-phat-benh-vien-qua-tai-benh-nhan-nam-la-liet-hang-lang-hinh-anh(2).png
Người nhà phải thuê võng, mua chiếu đưa bệnh nhi ra nằm ngoài hành lang - Ảnh: PV

Bà H. cho biết, võng ở đây thuê 20.000 đồng/chiếc/ngày, chủ yếu dành cho người nuôi nằm nghỉ, còn chiếu để cho bệnh nhi nằm. “Nằm ở đây thì thoáng hơn nằm 2- 3 cháu/giường ở trên khoa, nhưng nhiều khi phải “chọi” với các gia ít đình bệnh nhi khác. Nhiều gia đình bệnh nhi giành nhau chỗ nằm mà chửi bới, thậm chí còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” phải nhờ đến công an vào can thiệp. Nói thật, con cháu bị bệnh nên phải chịu cảnh như thế này, chứ khổ lắm mà biết kêu ai bây giờ”, bà H. chua xót nói.

BS.CK2 Đặng Xuân Vinh – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện nay đang bước vào giai đoạn thời tiết giao mùa nên bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Đây cũng là định kỳ hàng năm, cứ đến thời điểm này là số bệnh bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao.

“Để giải quyết tình trạng quá tải các bệnh về đường hô hấp, những bệnh nhi nào bị bệnh nặng sẽ được đưa vào khoa Hô hấp 1 và khoa Hô hấp 2, còn những bệnh nhi không nặng sẽ được chuyển sang khoa khác như: Nội 1, Nội 2, Nội 3, Nội tổng hợp… để “chia lửa”, bác sĩ Vinh cho biết thêm.

tphcm-benh-ho-hap-bung-phat-benh-vien-qua-tai-benh-nhan-nam-la-liet-hang-lang-hinh-anh-1(1).jpg
... và cả dưới góc cầu thanng - Ảnh: PV

Trước tình hình gia tăng các trường hợp trẻ em mắc các bệnh lý đường hô hấp trong giai đoạn thời tiết giao mùa, chiều 9.11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chủ động tổ chức buổi họp với các chuyên gia nhằm đánh giá công tác thu dung, điều trị các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em tại các bệnh viện trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã đề nghị các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, dự trù thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị.

“Đối với 3 bệnh viện nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tổ chức thực hiện công tác giám sát trọng điểm hội chứng cúm, và giám sát VP nặng do vi rút đối với các trường hợp ngoại trú và nội trú theo quy định của Bộ Y tế, chủ động phối hợp với OUCRU tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm và thực hiện giải trình tự gen, phân tích dịch tễ nhằm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh đường hô hấp, từ đó dự phòng các nguy cơ lây nhiễm và kiểm soát sự bùng phát thành dịch bệnh”, ông Nam thông tin.

Hồ Quang