CEO Google, Apple, Facebook, Amazon ở phiên điều trần lịch sử: Ai trả lời nhiều nhất và nói gì?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:43, 30/07/2020

Mark Zuckerberg, Tim Cook, Sundar Pichai và Jeff Bezos phải điều trần trước Hạ viện Mỹ về chống độc quyền trong khoảng 5 giờ rưỡi. Số lượng câu hỏi dành cho mỗi CEO và thời gian được phân bổ để trả lời rất khác nhau.
CEO Google, Apple, Facebook, Amazon giơ cánh tay phải để thề những gì nói với Hạ viện đều là sự thật.

David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền - Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, cho biết quá trình điều tra các hành vi độc quyền của Amazon, Apple, Google và Facebook diễn ra trong suốt 13 tháng qua. Ủy ban đã yêu cầu nộp ít nhất 1,3 triệu tài liệu, tổ chức 5 phiên điều trần riêng và thực hiện hàng trăm giờ phỏng vấn với đại diện bốn tập đoàn công nghệ lớn này.

Giám đốc điều hành Facebook (Mark Zuckerberg), Apple (Tim Cook), Google (Sundar Pichai), Amazon (Jeff Bezos) sẽ cùng điều trần trước Hạ viện Mỹ về chống độc quyền tối qua. Dù không phải lần đầu các đại gia công nghệ Mỹ phải điều trần trước các nhà lập pháp, nhưng đây là sự kiện quy tụ cả bốn CEO quyền lực.

Tất cả đều tham gia qua hình thức họp video vì dịch COVID-19.

Google và Facebook phải trình bày về cách phân phối nội dung thù địch, sai sự thật và các chính sách về dữ liệu người dùng, đưa ra câu trả lời thỏa đáng về việc độc quyền phân phối quảng cáo, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất nội dung khác.

Apple sẽ phải trả lời những câu hỏi xung quanh tới sự độc quyền quản lý App Store và thu phí tới 30% đối với các nhà sản xuất ứng dụng.

Amazon đối mặt với những câu hỏi về việc ra mắt những sản phẩm riêng mang thương hiệu Amazon và tự do phát hành trên trang thương mại điện tử của họ, trả lời về cáo buộc sử dụng dữ liệu người dùng và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu.

Ngoài ra, 4 đại gia công nghệ bị cáo buộc mua lại các công ty nhỏ để sở hữu các tính năng hấp dẫn, khiến chúng không thể xuất hiện trên nền tảng của đối thủ cạnh tranh.

Trong thời gian khoảng 5 giờ rưỡi, số lượng câu hỏi dành cho mỗi CEO và thời gian được phân bổ để trả lời rất khác nhau.

Sundar Pichai (CEO của Google) nói 24 lần trong tổng cộng 48 phút

Sundar Pichai liên tục phải xin trả lời sau

Sundar Pichai khẳng định Google đã tạo ra một nền tảng cạnh tranh với mức giá thấp hơn cho các nhà quảng cáo. Ông cũng nhấn mạnh những đóng góp của Google đối với nước Mỹ: Hơn 75.000 nhân viên đang làm việc tại 26 bang, mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển tính đến cuối năm 2019 đạt 26 tỉ USD, tăng gấp 10 lần so với con số 2,8 tỉ USD của 10 năm trước đó.

Nghĩ sĩ Cicilline cho biết Ủy ban đã thu thập email nội bộ của nhân viên Google và thực hiện phỏng vấn với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Họ nhận thấy Google đã sử dụng các công cụ theo dõi lưu lượng truy cập web để xác định những đối thủ tiềm năng, hạ thứ hạng trên kết quả tìm kiếm trong khi ưu tiên hiển thị website và sản phẩm của chính mình.

Sundar Pichai không trực tiếp phủ nhận cáo buộc và giải thích họ "cố gắng hiểu các xu hướng dựa trên dữ liệu và khai thác nó để cải tiến sản phẩm phục vụ người dùng".

Điểm đáng chú ý là Sundar Pichai bị đặt nhiều câu hỏi hóc búa nhất. Đây là điều bất ngờ bởi ông mới xuất hiện trong một phiên điều trần vào năm ngoái và cũng thường ít bị chỉ trích nhất trong dàn lãnh đạo công nghệ.

Các câu hỏi hướng tới ông Pichai chủ yếu liên quan tới công cụ tìm kiếm Google và quyết định rút khỏi dự án với quân đội Mỹ sau những phản đối từ chính nhân viên Google.

Sundar Pichai liên tục phải xin trả lời sau, hoặc xem kỹ lại các bằng chứng mà các nghị sĩ đưa ra.

Chủ toạ phiên điều trần David Cicilline mở đầu bằng cáo buộc Google đã ăn trộm nội dung từ các website khác để giữ người dùng ở lại công cụ của mình. Cụ thể, ông David Cicilline chỉ ra rằng Google đã hiển thị các bài đánh giá của Yelp ngay cạnh kết quả tìm kiếm các địa điểm và đe doạ loại Yelp khỏi danh sách hiển thị nếu công ty này phản khác.

"Vì sao Google lại lấy cắp nội dung từ những doanh nghiệp trung thực? Những bằng chứng chỉ rõ khi mà Google trở thành cổng truy cập internet, đã lợi dụng quyền lực của mình và sử dụng công cụ theo dõi web để nhận biết các đối thủ và đè bẹp họ”, ông David Cicilline đặt câu hỏi với Sundar Pichai.

Sundar Pichai nói đó không phải là cách miêu tả chính xác về Google và cho biết Google có rất nhiều đối thủ tìm kiếm trong từng hạng mục cụ thể, ví dụ là Amazon khi người dùng muốn mua sắm. Ông khẳng định phần lớn kết quả tìm kiếm của Google không có quảng cáo và Google chỉ giúp đỡ người dùng khi làm nổi bật các câu trả lời.

Theo số liệu của Statcounter, thị phần tìm kiếm của Google trên toàn cầu là 92%. Với thị phần quá lớn như vậy, rất nhiều website phụ thuộc vào Google để có lượng truy cập. Vài năm nay, Google đã loại bỏ nhiều công ty bất động sản khỏi danh sách tìm kiếm, thay vào đó tự cung cấp kết quả khi người dùng tìm các dịch vụ, khách sạn hay chuyến bay. Hành động này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh khốn đốn khi không có khách truy cập.

Những nghị sĩ đảng Cộng hoà hỏi rất kỹ về việc Google rút khỏi hợp đồng phát triển hệ thống phân tích drone cho Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi vẫn duy trì một phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc.

Trước câu hỏi này, ông Pichai phủ nhận việc Google hợp tác với quân đội Trung Quốc, đồng thời nói rằng họ vẫn đang làm việc với quân đội Mỹ trong nhiều dự án, như một dự án an ninh mạng với Bộ Quốc phòng.

"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc ít hơn nhiều so với các công ty cùng ngành", Pichai cho biết.

Tờ Bloomberg nhận định đây là một phát ngôn nhằm hướng sự chú ý tới Apple, công ty có doanh thu bán iPhone rất tốt tại Trung Quốc.

Tim Cook (CEO Apple) nói tổng cộng 13 lần trong khoảng 23 phút 30 giây

Tim Cook có màn thể hiện tốt​

Tim Cook cũng tuyên bố Apple vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone với những đối thủ lớn như Samsung, Huawei, Google.

"Mục tiêu của chúng tôi là tốt nhất, không phải nhiều nhất. Chúng tôi không có thị phần thống trị ở bất cứ thị trường hay trong bất cứ phân khúc sản phẩm nào", ông nói.

Vấn đề là các nhà điều tra không xét đến thị phần smartphonemà tập trung vào đơn khiếu nại của các nhà phát triển rằng Apple áp đặt những quy định khắc nghiệt, trong có việc phải đóng phí lên đến 15-30% doanh thu nếu muốn ứng dụng có mặt trên App Store.

Tim Cook gần như không bị hỏi tới ở phần đầu phiên điều trần, nhưng những câu hỏi dành cho ông về App Store không hề đơn giản.

Năm 2018, Apple đã xoá bỏ các ứng dụng giúp kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị trên App Store ngay sau khi tích hợp tính năng này vào iOS 12. Trước câu hỏi của hai nghị sĩ về lý do, Tim Cook nói Apple bỏ các ứng dụng với lý do bảo mật chứ không phải cạnh tranh.

Trước bằng chứng là một email, trong đó Phó chủ tịch tiếp thị toàn cầu Apple - Phil Schiller nói phụ huynh có thể dùng công cụ của Apple thay cho các ứng dụng trên App Store trước kia, Tim Cook nói không thể nhìn rõ email này.

Trong vụ mâu thuẫn với AirBnB và ClassPass về mức phí, nghị sĩ Jerrold Nadler cho rằng Apple đang "thu lợi từ đại dịch". Tim Cook cho biết các quy định của Apple yêu cầu những công ty kinh doanh dịch vụ số phải trả phí cho Apple, nhưng họ cũng đang làm việc với nhau để điều chỉnh khoản phí này vì những khó khăn do COVID-19 gây ra.

Những quy định của Apple với các nhà phát triển được cho là chèn ép, lợi dụng quyền lực của họ. CEO Tim Cook mở đầu cuộc điều trần bằng tuyên bố mọi nhà phát triển đều được đối xử công bằng. Thế nhưng, bằng chứng do hội đồng đưa ra cho thấy vào năm 2014, Tim Cook từng email cho CEO Baidu rằng công ty này sẽ "được đánh giá ứng dụng nhanh hơn" với hai nhân sự.

Nghị sĩ Hank Johnson cũng chỉ ra rằng Apple cho phép Amazon được miễn khoản phí 30% cho dịch vụ phim trên nền tảng iOS, đổi lại thì các dịch vụ và sản phẩm của hai công ty sẽ được tích hợp tốt hơn. Tim Cook cho rằng mọi công ty đều có thể đạt được thoả thuận tương tự với Apple.

"Chúng tôi có những sự cạnh tranh để giành giật cả khách hàng lẫn những nhà phát triển. Sự cạnh tranh rất lớn, như một vụ ẩu đả trên phố vậy, để giành lấy thị phần trong ngành smartphone", Tim Cook giải thích lý do Apple luôn muốn đối xử công bằng với các nhà phát triển.

Tờ New York Times nhận định ngành smartphone hiện nay chỉ có hai hệ điều hành là iOS và Android, là thị trường độc quyền với hai hãng.

Những email được đưa ra cho thấy Apple từng có ý định thu tới 40% phí, chứ không phải mức 30% với các dịch vụ thuê bao trên iOS như hiện nay. Năm 2011, Giám đốc dịch vụ Eddy Cue chia sẻ trong một email rằng Apple "nên thu mức 40% cho năm đầu tiên, nhưng cần phải thử nghiệm để xem mức nào là hợp lý".

Giám đốc marketing sản phẩm của Apple - Jai Chulani cho rằng thu mức phí 30% cho năm đầu tiên là bỏ phí những cơ hội kinh doanh.

Mark Zuckerberg (CEO Facebook) trả lời nhiều câu hỏi nhất khi nói 21 lần trong tổng cộng 54 phút

CEO Facebook trả lời vanh vách các câu hỏi

Mark Zuckerberg mô tả "sự cạnh tranh gay gắt" mà Facebook phải đối mặt.

"Dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất tại Mỹ là Apple iMessage. Ứng dụng phát triển nhanh nhất là TikTok. Ứng dụng video phổ biến nhất hiện nay là YouTube. Nền tảng quảng cáo có tốc độ tăng trưởng cao nhất là Amazon. Nền tảng quảng cáo lớn nhất hiện nay là Google. Với mỗi USD quảng cáo tại Mỹ, chỉ có dưới 10 cent được chi cho chúng tôi", Zuckerberg liệt kê một loạt đối thủ để nhấn mạnh sự khó khăn của hãng.

Ông cũng cho biết quyết định bỏ ra 19 tỉ USD để mua WhatsApp năm 2014 chỉ là giải pháp giúp Facebook cạnh tranh với các hãng viễn thông, vốn thu tiền người dùng qua mỗi nhắn tin.

Trước câu hỏi có nên tách Instagram khỏi Facebook, Zuckerberg cho rằng không có gì đảm bảo ứng dụng này sẽ đạt được thành công với hơn một tỉ người dùng hàng tháng như hiện nay nếu họ không chi 1 tỉ USD để thâu tóm vào năm 2012.

Nghị sĩ Jerry Nadler nhắc đến một số email nội bộ, trong đó Facebook coi Instagram là mối đe doạ và thay vì cạnh tranh, họ bỏ tiền ra mua lại nó. Zuckerberg phủ nhận và nhắc lại rằng khi đó Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã phê duyệt thương vụ này. CEO Facebook cũng cho rằng với quy mô của Instagram lúc đó thì khó có thể cạnh tranh với Facebook.

Sau câu trả lời của Mark Zuckerberg, chủ toạ phiên điều trần David Cicilline cho biết việc FTC sai lầm vào năm 2012 không liên quan gì tới việc Facebook có vi phạm luật cạnh tranh hay không.

Bằng chứng cho thấy Mark Zuckerberg ban đầu chỉ muốn mua Instagram để có thêm thời gian phát triển tính năng chia sẻ ảnh trên nền tảng Facebook. Ông từng nói với Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram rằng Facebook sẽ làm ứng dụng nhái Instagram có tên Facebook Camera. Khi được hỏi có từng đe doạ các ứng dụng khác như vậy chưa, Mark Zuckerberg lại cho rằng đấy không phải lời đe doạ.

Mark Zuckerberg thừa nhận WhatsApp, được Facebook mua lại vào năm 2014, cũng là đối thủ. Sự thành công của Instagram sau khi gia nhập Facebook, đặc biệt là mô hình hoạt động có vẻ độc lập, đã giúp Mark Zuckerberg thuyết phục những nhà sáng lập WhatsApp để mua lại ứng dụng này với giá 22 tỉ USD.

Điểm đáng chú ý là Mark Zuckerberg liên tục uống nước trong phiên điều trần của mình. Như một cỗ máy được lập trình sẵn, Mark Zuckerberg nhìn chằm chằm vào camera góc rộng dí sát vào gương mặt. Không đảo mắt, CEO Facebook trả lời vanh vách các câu hỏi của Hạ viện Mỹ.

Jeff Bezos (CEO của Amazon) nói 18 lần trong tổng cộng 40 phút 30 giây

Jeff Bezos tự tin và trả lời các câu hỏi rất thoải mái​

Ban đầu, Jeff Bezos chia sẻ về tuổi thơ sóng gió bởi bà Jackie mang thai và sinh ông khi mới là nữ sinh trung học 17 tuổi. Họ Bezos của ông thực tế là họ của cha dượng chứ không phải cha đẻ. Thời niên thiếu, Jeff Bezos sống ở ngoại ô Texas cùng ông bà ngoại và làm công việc đồng áng. Tuy nhiên, từ cách đây 26 năm, gia đình ông đã sẵn sàng đầu tư số tiền tiết kiệm của họ cho Amazon và Internet dù đó là những khái niệm họ không hề hiểu.

Khởi đầu là một kho sách trực tuyến khiêm tốn, Jeff Bezos thừa nhận Amazon đã vươn lên thành một công ty lớn về thương mại điện tử. Song, ông cho rằng Amazon chiếm thị phần không lớn bởi tham gia vào thị trường bán lẻ trực tuyến đông đúc với các tên tuổi nổi tiếng như Target, Costco and Walmart. Jeff Bezos nói Amazon nên được điều tra và trách nhiệm của họ là vượt qua các cuộc điều tra một cách thành công.

Sau bài phát biểu này, các thành viên Hạ viện không "đả động" tới Bezos trong gần 90 phút, khiến ông thảnh thơi ăn bánh, uống nước trong khi các CEO khác liên tục bị chất vấn.

Sau khi ngồi xem các CEO khác trả lời, Jeff Bezos mới bị hỏi về vấn đề sử dụng dữ liệu của người dùng để cạnh tranh với chính các nhà bán lẻ đang kinh doanh trên nền tảng chợ điện tử của mình. Nghị sĩ Pramila Jayapal yêu cầu Jeff Bezos trả lời về vấn đề này, viện bằng chứng cho thấy Amazon có quy định về sử dụng dữ liệu nhưng không chặt chẽ.

Người giàu nhất thế giới cho biết đúng là Amazon có một quy định cấm truy cập các dữ liệu của nhà bán lẻ để làm lợi cho các sản phẩm mang thương hiệu Amazon. Ngay sau đó, ông lại thừa nhận rằng "không thể nói chắc quy định này chưa từng bị vi phạm".

"Nếu chúng tôi thấy ai vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay", ông Bezos nói.

Nghị sĩ Mary Scanlon hỏi Jeff Bezos về cuộc chiến giá giữa Amazon và Diapers, mà cuối cùng ông Amazon đã mua lại và đóng cửa đối thủ.

Bà Mary Scanlon cho rằng Amazon đã thao túng giá tã để khiến đối thủ không thể cạnh tranh và biến mất, sau đó lại tăng trở lại khi đối thủ không còn tồn tại.

"Tôi không nhớ là mọi chuyện diễn ra như vậy. Trong trí nhớ của tôi, chúng tôi chỉ có giá ngang bằng đối thủ", Jeff Bezos trả lời.

Dù không thừa nhận một điểm sai nào của Amazon, việc Jeff Bezos trả lời khá loanh quanh trước các bằng chứng đã cho thấy cách hoạt động của Amazon có thể vi phạm luật chống độc quyền.

Tờ Bloomberg nhận định đây là lý do các CEO muốn xuất hiện một thể chứ không muốn phải trả lời từng câu hỏi rải rác suốt vụ điều trần. Việc chỉ xuất hiện một lần giúp cho họ hướng sự chỉ trích tới các đối thủ.

Nhân Hoàng (tổng hợp)