Hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa: Dễ mắc bệnh nặng nề hơn so với người trưởng thành

Giáo dục - Ngày đăng : 18:12, 11/11/2023

Hiện nay việc ngăn ngừa học sinh và giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá, đặc biệt các loại thuốc lá điện tử có chứa ma túy là ưu tiên hàng đầu của nước ta.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên - đặc biệt ở độ tuổi từ 12-16 tuổi vẫn đang ở trên ghế nhà trường chiếm 5% đến 7,3% và tăng dần theo từng năm. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người chết có nguyên nhân từ thuốc lá và xu hướng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên ngày càng trẻ hóa với khoảng 21,6% thanh niên từ 16 - 24 tuổi đã làm quen với các loại thuốc lá.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đồng thời là Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết thời gian qua, Quỹ đã kết hợp với Bộ GD-ĐT có những buổi tuyên truyền cho các học sinh về tác hại của thuốc lá. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng số lượng học sinh tiếp xúc với thuốc lá và thuốc lá điện tử vẫn còn quá cao.

a863027d1f31f66faf20.jpg
Các học sinh tại Hà Nội tìm hiểu về tác hại của việc hút thuốc lá, thuốc lá điện tử

Thuốc lá và thuốc lá điện tử hiện nay vẫn len lỏi vào từng ngóc ngách của học đường và nó có khoảng 20.000 loại được chế cùng các hương liệu khác nhau. Khi học sinh sử dụng các loại thuốc lá hay thuốc lá điện tử thì rất dễ dẫn đến việc bị ngộ độ ma túy thế hệ mới. Các loại thuốc lá điện tử phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước hậu quả và có thể dẫn tới những hệ lụy đau lòng, trong khi đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, học sinh.

"Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em. Trong thuốc lá điện tử cũng chứa nicotine như thuốc lá truyền thống. Đây là một chất gây nghiện khiến người hút ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá"- PGS Khuê cảnh báo.

Những mối nguy hiểm từ thuốc lá hay thuốc lá điện tử đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, hành vi và nhận thức của học sinh. Trên thực tế, thuốc lá điện tử còn tác động xấu tới môi trường học đường và toàn xã hội như: dễ gây cháy nổ, ngộ độc do nguồn nguyên liệu không đảm bảo.

Theo ông Khuê, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là việc quảng cáo và mua bán thuốc lá cũng như thuốc lá điện tử không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Những quảng cáo về thuốc lá điện tử thường là lời tiếp thị "có cánh", quyến rũ người chưa hút tò mò và tìm đến thử". Những câu quảng cáo kiểu "Thuốc lá điện tử sẽ trở thành văn hóa hút thuốc lành mạnh trong tương lai" và với hình ảnh giới thiệu người hút thuốc lá điện tử có thể hút ở cả nơi cấm do khi hút không phả khói đánh vào tâm lý giới trẻ chưa từng hút thuốc lá, kích thích sự tò mò của các em học sinh.

"Khi dùng thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử - người dùng dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bị bệnh tim mạch, đặc biệt là nguyên nhân dễ dẫn đến bệnh ung thư về mạch vành, vòm họng hay thanh quản.." - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.

Hiện nay có rất nhiều các loại tẩu hút thuốc lá điện tử được sản xuất như các loại đồ chơi, nếu không phải người sử dụng thì sẽ rất khó nhận biết đấy là thuốc lá điện tử. Thế nên nhiều phụ huynh càng khó phát hiện khi con em mình hút thuốc lá điện tử.

9651384f2503cc5d9512.jpg
Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động

Anh Nguyễn Văn Dũng (Hà Tĩnh) cho biết hiện nay con anh đang học lớp 10 tại trường THPT Hồng Lĩnh, tuy nhiên anh rất lo lắng về việc con có khả năng bị bạn bè lôi kéo hút thuốc lá điện tử.

"Bởi lẽ thuốc lá điện tử nay được sản xuất khá giống đồ chơi và nhỏ gọn trong lòng bàn tay, nên nhiều khi phụ huynh không phát hiện được. Một lần kiểm tra cặp sách của con, nhìn thấy tôi cũng không phát hiện được ngay mà tưởng là đồ chơi - sau đó khi mẹ nó kiểm tra lại và mang ra thì chúng tôi mới biết đó là thuốc lá điện tử. Mùi vị của thuốc lá điện tử này đa phần là mùi trái cây hay mùi cà phê, socola rất thu hút và dễ gây nghiện" - anh Dũng chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Quảng - Giám đốc bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết tỷ lệ người hút thuốc lá càng trẻ hóa là do người hút thuốc vẫn chưa hiểu biết về tác hại của thuốc lá. Trong đó kiến thức của người dân đặc biệt là các em thanh, thiếu niên chưa được trang bị một cách đầy đủ. Khi các em còn trẻ thì việc hút thuốc lá sớm sẽ khiến chất độc tàn phá nhanh chóng cơ thể, cơ thể không đủ đề kháng để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá. Do đó, các em sẽ mắc các bệnh cao hơn nhiều so với những người trưởng thành hút thuốc. 

Bên cạnh đấy, ngay cả việc các em học sinh dù không hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử nhưng khi tiếp xúc quá nhiều với khói thuốc lá thụ động thì cũng vô cùng nguy hiểm. Vì trong khói thuốc lá chứa khoảng 7 nghìn loại hóa chất khác nhau, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư. Một số chất độc hại điển hình trong khói thuốc lá gồm: Nicotine (chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào), Hắc ín (Tar), Carbon monoxide (khí CO), Benzene, Nitrosamines, Ammonia, Formaldehyde, Hydrogen cyanide…

Có thể nói, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá trong môi trường giáo dục là đặc biệt quan trọng - là trách nhiệm không chỉ của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Hiện nay, các Bộ - ngành đã cụ thể hóa quy định trường học không thuốc lá trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của ngành, thậm chí là xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm.

Tuy nhiên, ngoài các quy định thì việc phòng chống học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và sự chung tay của toàn xã hội. Hy vọng tình trạng học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên nói không với khói thuốc để có sức khỏe, góp phần cho sự phát triển của đất nước.

Dạ Thảo