Tìm thấy ít nhất 491 chất độc hại trong nhựa tái chế

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:36, 12/11/2023

Một nghiên cứu mới của Đại học Gothenburg phát hiện nhựa tái chế chứa hàng trăm chất độc hại không an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Liên Hợp Quốc, 2/3 trong số hơn 430 triệu tấn sản phẩm nhựa được tạo ra hàng năm bị loại bỏ dưới dạng rác chỉ sau một lần sử dụng. Hậu quả là rác thải nhựa tràn ngập cả đất liền lẫn đại dương.

Ngày nay tái chế nhựa đóng vai trò thiết yếu trong nhiều sáng kiến quản lý chất thải và bảo vệ môi trường. Biện pháp này giúp giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động sản xuất nhựa, tiết kiệm năng lượng cũng như giảm nhu cầu nguyên liệu thô mới.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Gothenburg đem đến một một phát hiện gây sốc: qua phân tích mẫu nhựa tái chế lấy từ 13 quốc gia họ tìm thấy hàng trăm hóa chất độc hại. Trong số hóa chất hữu cơ nghi tồn tại trong mẫu thì có 491 chất được xác định, 170 chất cần tìm hiểu thêm. Số hóa chất được tìm thấy thuộc một số loại chẳng hạn như hóa chất công nghiệp, phụ gia nhựa, dược phẩm, thuốc trừ sâu.

Theo giáo sư Bethanie Carney Almroth (Đại học Gothenburg): “Tái chế được ca ngợi như giải pháp cho khủng hoảng ô nhiễm nhựa, nhưng hóa chất độc hại trong nhựa khiến nỗ lực tái sử dụng và xử lý chúng trở nên phức tạp, đồng thời cản trở việc tái chế”.

“Hóa chất độc hại đem lại rủi ro cho công nhân tái chế lẫn người tiêu dùng, cũng như cho xã hội và môi trường. Trước khi tái chế có thể góp phần giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa, ngành nhựa cần tiến hành hạn chế hóa chất độc hại”, bà Almroth nói thêm.

timplas.jpg

Quá trình tái chế thường đòi hỏi làm sạch nhựa. Nhựa phải được rửa cẩn thận để loại bỏ tạp chất như nhãn dán, chất kết dính, chất gây ô nhiễm thì mới phù hợp cho tái chế, giúp sản xuất nguyên liệu chất lượng cao hơn. Công đoạn cắt nhỏ và nấu chảy sau đó sẽ cho ra viên nhựa tái chế dùng sản xuất hộp đựng, vật liệu đóng gói, hàng may mặc,… Người tiêu dùng được khuyến khích bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng sản phẩm tái chế.

Nghiên cứu của Đại học Gothenburg có thể cản trở thị trường tái chế phát triển, vì phát hiện mới nhất chỉ ra rằng nhựa tái chế với hàm lượng hóa chất độc hại cao không phù hợp cho hầu hết mục đích sử dụng.

Khi không thể dùng nhựa tái chế, người tiêu dùng vẫn còn lựa chọn là sản phẩm tái sử dụng được. Túi, chai nước hay hộp đựng tái sử dụng nhiều lần sẽ giúp giảm lượng rác thải nhựa.

Cẩm Bình