Kỷ lục nắng nóng trong 2023 chỉ là ‘khúc dạo đầu’ của biến đổi khí hậu

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 14:31, 12/11/2023

Theo phân tích mới công bố hôm 9.11, 12 tháng qua là thời điểm nóng kỷ lục, khi 99% dân số thế giới trải qua thời tiết nóng trên mức trung bình.
bdkh.jpeg
Cháy rừng, hạn hán, bão táp là hậu quả của biến đổi khí hậu 

Phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central cho thấy nhiệt độ trung bình từ đầu tháng 11.2022 đến tháng 10 năm nay cao hơn 1,32 độ C so với mức thời tiền công nghiệp, xóa nhòa kỷ lục được thiết lập từ tháng 10.2015 đến tháng 9.2016.

Andrew Pershing, Phó chủ tịch khoa học tại Climate Central, cho biết: "Các kỷ lục sẽ tiếp tục bị xô đổ trong năm tới, đặc biệt là khi El Nino ngày càng gia tăng, khiến hàng tỉ người phải hứng chịu nắng nóng bất thường. Trong khi tác động của khí hậu là nghiêm trọng nhất ở các nước đang phát triển gần xích đạo, thì việc xuất hiện những đợt nắng nóng cực đoan ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu cho thấy rằng không còn nơi nào trên Trái đất có thể an toàn trước biến đổi khí hậu”. 

Phân tích được đưa ra vào cuối thời kỳ thời tiết nóng bất thường. Tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 đều là những tháng nóng nhất được ghi nhận. Cơ quan về biến đổi khí hậu của EU vào đầu tuần cho biết năm 2023 "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất từ trước đến nay. Hạn hán, bão, cháy rừng, lũ lụt và nắng nóng đã tàn phá nền kinh tế và dẫn đến số ca nhập viện tăng đột biến trên khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện tượng El Nino đang bắt đầu làm tăng nhiệt độ, nhưng những tác động mạnh nhất sẽ được cảm nhận vào năm tới.

Pershing nói thêm: “Đây là nhiệt độ nóng nhất mà hành tinh của chúng ta đã trải qua trong khoảng 125.000 năm qua, là nhiệt độ nóng nhất mà con người phải chịu đựng kể từ thời điểm chúng ta biết ghi chép, biết sống tập trung thành những nhóm lớn”.

Climate Central đã phân tích 12 tháng qua bằng cách sử dụng số liệu riêng của họ: Chỉ số Biến đổi Khí hậu. Họ sử dụng các phần mềm chạy dữ liệu từ quá khứ gần đây để ước tính tần suất xảy ra một nhiệt độ cụ thể khi có và không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Phân tích cho thấy trong trong 12 tháng qua, hầu hết tất cả mọi người - 99% dân số thế giới - đều trải qua nhiệt độ cao hơn, so với mức trung bình trong ba thập niên trước.

Joyce Kimutai, nhà khí tượng học chính tại Cục Khí tượng Kenya, cho biết năm vừa qua là một năm “bất thường” đối với khí hậu toàn cầu. Kimutai phân tích “Khi chúng ta tiếp tục đốt những nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ chắc chắn sẽ tiếp tục cao lên. Chúng tôi đang thấy những tác động này đang tiếp tục gia tăng và tốc độ ngày càng mạnh hơn. Nó không chỉ ở một nơi trên thế giới mà thực sự ảnh hưởng đến mọi con người trên hành tinh này và trước mắt, nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương”.

Nghiên cứu cho thấy nắng nóng do biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay. Chuỗi nhiệt độ khắc nghiệt dài nhất được ghi nhận ở Houston, bang Texas, Mỹ - nơi đợt nắng nóng kéo dài 22 ngày bắt đầu vào cuối tháng 7. New Orleans cũng như hai thành phố của Indonesia là Jakarta và Tangerang đều trải qua đợt nắng nóng kéo dài 17 ngày.

Tại Mỹ, quần đảo Hawaii đã hứng chịu hậu quả tồi tệ là các vụ cháy rừng chết chóc vào tháng 8 mà thủ phạm là sức nóng gay gắt do khủng hoảng khí hậu gây ra. Trên khắp các bang phía Tây Nam nước Mỹ, các bác sĩ phải liên tục chăm sóc bệnh nhân bị bỏng da do mặt đường quá nóng và họ thường xuyên phải sử dụng túi đựng đá hạ nhiệt cho bệnh nhân có nhiệt độ cơ thể lên đến43 độ C. Sóng nhiệt ở châu Âu cũng khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải vật lộn để đối phó. Báo cáo cho biết ở Ý, một số khoa cấp cứu của bệnh viện đã được ghi nhận mức độ nhập viện ngang với thời kỳ COVID.

Nắng nóng càng gay gắt ở các quốc gia nhiệt đới như Jamaica, Guatemala và Rwanda. Vào tháng 2 và tháng 3, bão Freddy đặc biệt mạnh và kéo dài đã gây ra lũ lụt, lở đất và gió mạnh làm thiệt mạng hơn 200 người ở Malawi, Mozambique và Madagascar. Biến đổi khí hậu đã khiến mưa lớn nặng hạt hơn và lốc xoáy dữ dội hơn do năng lượng của các hiện tượng tự nhiên được bổ sung rất mạnh từ các đại dương đang ngày càng ấm hơn. Nhìn chung, thời tiết khắc nghiệt đã gây ra cái chết của ít nhất 15.700 người ở châu Phi trong năm nay và đợt hạn hán gần đây ở vùng Sừng châu Phi đã khiến hơn 23 triệu người rơi vào tình trạng thiếu lương thực.

Nam Mỹ ấm hơn đáng kể so với bình thường trong nửa đầu năm 2023. Mực nước của hồ Titicaca ở Bolivia và sông Amazon thuộc Brazil rút xuống mức thấp kỷ lục. Hạn hán kéo dài hai năm ở Trung Mỹ đã dẫn đến ảnh hưởng giao thông qua kênh đào Panama, nơi khoảng 5% khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu lưu thông. Lý do là mực nước trong kênh vơi đi do hạn hán khiến các tàu có độ choán nước lớn không thể đi qua.

Đây mới chỉ là khúc dạo đầu của biến đổi khí hậu. Sang năm El Nino sẽ còn khiến tình hình căng thẳng hơn. Do vậy, cắt giảm khí thải carbon, giảm hiệu ứng nhà kính để Trái đất bớt nóng là việc làm cần tiến hành càng sớm càng tốt.

Anh Tú