Ngăn chặn bạo lực mạng: Cần lồng ghép giáo dục văn hóa số vào chương trình CNTT trong nhà trường
Giáo dục - Ngày đăng : 20:20, 12/11/2023
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bạo lực mạng có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là những hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm đến sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.
Bạo lực mạng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc đăng tải những nội dung, hình ảnh xấu hổ của người khác lên các nên tảng trực tuyến, đến việc đe doạ, gây tổn thương, bình luận tiêu cực về một cá nhân trên môi trường mạng, hoặc thậm chí là rình rập, theo dõi người khác qua email, các trang web, các mạng xã hội và tin nhắn.
Kẻ bắt nạt trên mạng sẽ công kích nạn nhân về nhiều khía cạnh, từ vóc dáng cơ thể, bề ngoài, đến học vấn, gia đình, các mối quan hệ xã hội, sở thích… Thậm chí, kẻ bắt nạt sẽ đặt điều, bịa ra những thông tin giả nhằm tăng thêm tính thuyết phục của chúng.
Bạo lực mạng là một vấn đề nan giải đang diễn ra trong nhiều trường học vì tính ẩn danh của người dùng, đây là một điểm thuận lợi cho những kẻ bắt nạt trên mạng.
Bên cạnh việc truy tìm ra danh tính của kẻ bắt nạt không dễ dàng, tốc độ phát tán nhanh chóng của những tin đồn, những lời đe doạ, hình ảnh, video được đăng tải cũng khiến bạo lực mạng để lại những hệ quả khó lường với nạn nhân.
Công nghệ và internet khi bị sử dụng sai cách sẽ như một công cụ hữu ích cho kẻ xấu, khuyến khích kẻ bắt nạt thực hiện những hành vi tồi tệ hơn. Có nhiều động cơ đằng sau các hành vi bạo lực mạng với trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy kẻ bắt nạt thường nghĩ những hành vi bắt nạt ấy cũng chỉ là một trò đùa dai, là cách xả giận, thể hiện sức mạnh của bản thân, hoặc do ganh tị với nạn nhân, hoặc kẻ bắt nạt cũng đang bắt chước theo những kẻ khác…
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 của Chính phủ, dự kiến ban hành cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản quản lý các hành vi trên mạng xã hội, trong đó có vấn đề xâm hại đời tư.
Sau khi có thể chế, theo Bộ trưởng phải có các thiết chế hỗ trợ người dân. Hiện, Bộ TT-TT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia song quan điểm của ông là phải thành lập các trung tâm xử lý ở các tỉnh. Bởi hiện nay, người dân đang di chuyển hầu hết các hoạt động hàng ngày của cuộc sống lên không gian mạng.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng nhấn mạnh việc thực thi pháp luật nghiêm minh để xử lý hình sự các vụ việc mang tính trọng tâm, xâm hại. Điển hình như vụ việc xử lý bà Phương Hằng, mang tính răn đe cao.
Căn cơ hơn, theo Bộ trưởng là cần xây dựng văn hóa số: “Không gian mạng là vấn đề mới. Chúng ta sống trong thế giới thực vài chục ngàn năm mà còn nhiều vấn đề, huống chi là mới lên không gian mạng 20 năm”.
Bộ trưởng đề nghị lồng ghép giáo dục văn hóa số vào chương trình công nghệ thông tin trong nhà trường. Đặc biệt, công tác truyền thông có vai trò quan trọng để phản ánh các tệ nạn trên không gian mạng. Công tác truyền thông được đẩy mạnh để người dân nhận diện được những điều xấu, hành vi bạo hành để phòng tránh.