Khám phá mới về phân chia xã hội trong thế giới côn trùng: Mục đích và thủ đoạn
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 16:40, 13/11/2023
Đối với xã hội con người, sự phân công lao động đã trở thành một điều cần thiết: Không ai có đủ kiến thức và kỹ năng thực hiện tất cả các nhiệm vụ để giữ cho xã hội được vận hành trơn tru. Điều này khiến nhân loại hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, và mỗi người dễ bị tổn thương nếu đơn độc. Con người thực sự không thể tự mình làm được tất cả mọi thứ.
Từ những phát hiện khảo cổ học, ta có chút dữ liệu tái hiện lại tình trạng này đã như thế nào. Ban đầu, mọi người ít nhiều đều làm những việc giống nhau. Nhưng vì có sự phân chia, trao đổi thực phẩm giữa các thành viên trong cộng đồng săn bắn hái lượm vốn là tổ tiên chúng ta nên bắt đầu có sự phân công lao động: một số người có thể chuyên về các nhiệm vụ khác ngoài việc chính thời đó là tìm kiếm thực phẩm, chẳng hạn như chế tạo công cụ, chữa bệnh hoặc trồng cây. Những kỹ năng này đã làm phong phú thêm khả năng thích ứng của cộng đồng nhưng lại khiến các “chuyên gia” càng phụ thuộc nhiều hơn vào người khác. Điều này càng củng cố sự hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng và thúc đẩy loài người lên mức độ chuyên môn hóa cao hơn nữa và cuối cùng là có xã hội phát triển như ngày nay.
Michael Taborsky, nhà sinh học hành vi tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ cho biết: “Những xã hội có sự phát triển cao về chia sẻ nhiệm vụ và phân công lao động giữa các thành viên trong nhóm rất dễ nhận thấy vì sự thành công đặc biệt của chúng trong hệ sinh thái”. Và điều Taborsky nói không chỉ riêng về xã hội loài người. Sự phân công lao động sâu rộng cũng có thể được thấy ở xã hội nhiều loài côn trùng như kiến, ong, mối..., trong đó các cá thể trong đàn lớn thường chuyên môn hóa một số nhiệm vụ, giúp đàn của chúng hoạt động có hiệu quả ấn tượng.
Taborsky nói: “Không hề cường điệu khi nói rằng xã hội, của không chỉ con người mà còn cả của côn trùng, thống trị sự sống trên Trái đất". Nhưng sự phân công lao động đã phát triển như thế nào? Tại sao nó dường như hiếm ở bên ngoài xã hội loài người và các loài côn trùng sống theo bầy đàn? Trên thực tế, xã hội như vậy có hiếm hoi như chúng ta nghĩ không?
Taborsky, người đã nghiên cứu sự hợp tác ở động vật trong nhiều thập niên, ngày càng quan tâm đến những câu hỏi như thế. Vào tháng 3 năm nay, ông và vợ là bà Barbara Taborsky, cũng là đồng nghiệp, đã tổ chức một hội thảo khoa học về chủ đề này ở Berlin với sự có mặt của một số chuyên gia cùng lĩnh vực. Trong suốt hai ngày, họ đã thảo luận về việc phân công lao động có thể đã phát triển như thế nào theo thời gian và cơ chế nào cho phép nó phát triển lặp đi lặp lại ở mọi lĩnh vực của một số loài nhất định.
Một trong những nhà khoa học dự hội nghị là Jennifer Fewell, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu xã hội côn trùng tại Đại học bang Arizona và đã nghiên cứu chủ đề này trong nhiều thập niên. Bà Fewell nói rằng ở các đàn côn trùng có tính xã hội, “không có con nào đóng vai lãnh đạo đầu não bảo các con trong bầy phải làm gì, mà thay vào đó, sự phân công lao động xuất hiện từ sự tương tác giữa các cá thể”.
Ở mức độ rất cơ bản, sự phân công lao động có thể xuất hiện do có sự thay đổi về điều kiện môi trường gây ra cơ chế phản ứng khác nhau của từng cá thể. Fewell lấy ví dụ sống động trong mỗi gia đình với câu hỏi: ai là người rửa bát? Một số người không thể chịu được bát đĩa bẩn trong bồn rửa; nhưng có những người khác không hề chú ý đến điều đó cho đến khi bát đĩa được rửa sạch và xếp chồng lên nhau. Fewell diễn giải: “Trong trường hợp của tôi, tôi thấy khó chịu khi bát đĩa bẩn lấp đầy một nửa bồn rửa. Còn chồng tôi thì chỉ 2 cái đĩa bẩn là đã khó chịu, Vì vậy, mỗi khi chỉ có 2 cái đĩa bẩn, chồng tôi sẽ đến bồn và rửa chúng. Nhờ đó, tôi giảm nhu cầu rửa bát, vì 2 cái đĩa chưa chạm đến ngưỡng phản ứng của tôi”.
Để hiểu sự phân công lao động có thể bắt nguồn như thế nào, Fewell cho biết thêm, có lẽ không có ý nghĩa gì khi nghiên cứu những loài côn trùng có cấu trúc xã hội phức tạp với các đẳng cấp khác nhau. Theo Fewell, chiến lược tốt nhất là tập trung vào những loài mà trong đó các cá thể thường đơn độc hoặc có một xã hội đơn giản hơn. Ở đó các thành viên rất giống nhau và tất cả đều có khả năng phát triển thành con đầu đàn như mối chúa, ong chúa.
Một loài mà Fewell đã tập trung nghiên cứu là loài ong mồ hôi thuộc loài làm tổ trên mặt đất (Lasioglossum NDA-1) mà bà thu thập được từ một khu rừng ở miền Nam nước Úc. Những con ong này thường sống đơn độc nhưng khi buộc phải sống cùng nhau trong một cái tổ nhân tạo, chúng sẽ tự nhiên phân chia công việc xây tổ và tuần tra bảo vệ, đơn giản vì mỗi con có xu hướng làm việc khác nhau. Fewell khẳng định: “Điều này không có nghĩa là chúng đang phối hợp. Đôi khi, con ong đang đào hang có thể hất đất về con khác. Chúng dường như không chú ý nhiều đến nhau”.
Nói cách khác, ngay cả khi không có sự phối hợp rõ ràng, một hình thức phân công lao động rất thô sơ vẫn có thể xuất hiện. Tuy nhiên, vì sống đơn độc nên những con ong mồ hôi này có thể dạy chúng ta chút ít về cách phân chia công việc.
Vì vậy, Fewell đang nghiên cứu các loài khác có mức độ hành vi xã hội phức tạp hơn. Ở loài kiến gặt California (Pogonomyrmex californicus), một số đàn được tổ chức với con kiến chúa duy nhất, trong khi ở các đàn khác lại được tổ chức theo hội đồng kiến chúa làm lãnh đạo. Liệu điều đó có tạo ra sự khác biệt trong cách chúng cư xử không?
Câu trả lời là có. Khi Fewell tập hợp các kiến chúa đến từ 2 dạng quần thể (dạng 1 có 1 kiến chúa và dạng 2 có nhiều kiến chúa), các kiến chúa thuộc quần thể dạng thứ 2 dường như chú ý nhiều hơn đến những gì các kiến chúa khác đang làm. Trên thực tế quan sát, Fewell cho biết: “Trong hầu hết các trường hợp, kiến chúa ở quần thể dạng thứ nhất lại thực hiện mọi công việc đào bới một cách ngây thơ, còn kiến chúa ở quần thể dạng 2 thì không làm gì khác vì có lẽ đó không phải việc của chúng".
Vì vậy, mặc dù sự phân công lao động có thể xuất hiện một cách tự phát, nhưng ban đầu nó không nhất thiết mang lại lợi ích chung, ít nhất là không phải cho tất cả những thành viên liên quan.
Nhà sinh thái học hành vi Raghavendra Gadagkar thuộc Viện Khoa học Ấn Độ ở Bangalore, cho biết các nghiên cứu ở các loài côn trùng khác cũng chỉ ra rằng phân công lao động không nhất thiết có nghĩa là “chơi đẹp”. Ở ong giấy Ấn Độ, một loài sống theo đàn mà ông đã nghiên cứu trong nhiều thập niên, các cá thể không khác nhau về hình dạng cơ thể và mọi con cái đều có khả năng phát triển chức năng sinh sản để trở thành ong chúa. Nhưng trong phòng thí nghiệm, khi hai con ong cái được đặt cùng nhau trong một chiếc hộp nhỏ, sẽ luôn có một con đàn áp con kia để ngăn cản đối phương phát triển chức năng sinh sản. Điều đó giúp nó có cơ hội thành ong chúa và buộc đối phương phải làm ong thợ.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Gadagkar và các cộng sự ghép 3 con ong cái lại với nhau trong một hộp? Ông nói: “Vẫn chỉ có một ong chúa, nhưng hai con còn lại làm ong thợ sẽ có sự phân chia lao động. Một con chăm sóc con non trong tổ, con còn lại sẽ ra ngoài kiếm ăn… Sau khi "đăng quang", ong chúa sẽ giao việc đó cho 2 ong thợ thực thi sự phân công lao động này”.
Các thí nghiệm sâu hơn đã tiết lộ rằng càng có nhiều cá thể trong tổ thì sự phân công lao động càng tinh tế và hiệu quả hơn. Mặc dù có rất ít sự khác biệt về số lượng trứng và ấu trùng được sinh ra và tồn tại trong tổ với một hoặc hai cá thể, nhưng việc thêm con thứ ba sẽ dẫn đến số trứng, nhộng và ấu trùng được tạo ra trong tổ nhiều hơn khoảng một phần ba. Vì vậy, sự phân công lao động trong xã hội ong có những lợi ích rõ ràng và những lợi ích này tiếp tục tăng theo quy mô của đàn.