Dự án MCRP: Tạo sự thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:20, 14/11/2023
Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho biết mục tiêu của dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng" (MCRP) là hỗ trợ các cơ quan quản lý của Việt Nam tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu vùng bờ biển ĐBSCL hướng tới phát triển bền vững khu vực.
ĐBSCL là vùng đất rộng, trù phú chiếm 12% diện tích cả nước, với 19% dân số cả nước. Mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Mậu, ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán. Ngoài ra là thách thức từ những bất cập, hạn chế trong quy hoạch phát triển vùng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quy hoạch phát triển ĐBSCL.
Để khắc phục, vượt qua thách thức, biến ĐBSCL thành một vùng phát triển thịnh vượng bền vững, ngày 17.11.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để các tỉnh thành trong khu vực phát triển kinh tế, tăng cường các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu.
Để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời đề ra mục tiêu tới năm 2050 và tầm nhìn tới năm 2100 phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng ĐBSCL.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết, vẫn còn một số tồn tại, thách thức như sau: Các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được sự đột phá.
Các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn tồn tại một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào quy hoạch chung của vùng.
Biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ngày càng phức tạp trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả; tình trạng thiếu cát, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sự phát triển ĐBSCL.
Ông Jens Schmid-Kreye, Phó cơ quan Hợp tác phát triển (Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam) cho biết Đức và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp. "Chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam để đạt mục tiêu phát triển bền vững; đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của con người, môi trường xanh, quản lý đất và nước. Chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL để từng bước giúp vùng này thích nghi với biến đổi khí hậu, biến vùng này thành trung tâm sáng tạo xanh; giảm thiểu tác động của hạn hán, nước biển dâng. Chúng tôi cũng khuyến cáo việc hạn chế sử dụng các loại nhựa, hạn chế việc rác thải nhựa không được xử lý đúng quy cách. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Chúng tôi khuyến khích mọi người ý thức bảo vệ môi trường ở vùng ĐBSCL, khuyến khích mọi người học hỏi cách thích ứng và khả năng chống chịu của biến đổi khí hậu; từng bước xây dựng vùng này trở thành trung tâm sáng tạo xanh, tạo ra việc làm, tạo ra thêm nhiều sản phẩm cho xã hội", ông Jens Schmid-Kreye bày tỏ.