Đầu tư cho văn hóa có tăng, nhưng còn nhiều khó khăn
Văn hóa - Ngày đăng : 17:30, 14/11/2023
Cụm thi đua 5 thành phố (TP) trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cụm thi đua các TP trực thuộc trung ương cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, thậm chí có nhiều nội dung vượt chỉ tiêu, có nhiều mô hình và giải pháp nổi bật.
Riêng Sở VH-TT TP.HCM đã cấp phép 531 chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi, cuộc thi người đẹp người mẫu, 8 hồ sơ cá nhân tham gia cuộc thi người đẹp ở nước ngoài.
Cả 5 TP chú trọng tận dụng nguồn lực xã hội hóa, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, từng bước giảm dần sự phụ thuộc ngân sách. Hoạt động VH-TT là nền tảng và cùng với du lịch đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách địa phương; tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa 5 TP.
Với quan điểm “văn hóa đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”, các địa phương tập trung đầu tư và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thông qua một số điều kiện, giải pháp như: đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn tài chính (tỷ lệ đầu tư từ ngân sách phải đảm bảo 1,8% ngân sách chi thường xuyên), quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng ngoài những việc đã làm được, cũng cần nhìn nhận vào thực tế và phải nỗ lực thêm trong thời gian tới.
Theo ông Hùng, khó khăn đầu tiên là nhận thức. Chẳng hạn, một bảo tàng không chỉ là cơ sở vật chất của ngành văn hóa, mà còn là biểu tượng của kiến trúc, điểm đến, điểm nhấn để làm đẹp cho đô thị. Nhưng không phải ai cũng hiểu được vậy. Quá trình chuyển đổi nhận thức vẫn còn chỗ này chỗ khác chưa đồng bộ. Đây là khó khăn chung, cần vượt qua.
Đầu tư cho văn hóa có tăng, nhưng cũng còn khó khăn. Cụ thể, năm 2004, theo nghị quyết của Bộ Chính trị, thì đầu tư 2% ngân sách cho văn hóa, nhưng đến năm 2023 mới bắt đầu tiến gần con số này. “Bối cảnh này cũng đặt ra thử thách cho việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế. Làm sao cho chúng sống động, để nhà nước khi đầu tư không băn khoăn. Đây là các bài toán mà các TP lớn phải suy nghĩ, trăn trở”, Bộ trưởng Hùng lưu ý.
Các thiết chế chưa đồng bộ, trong đó các thiết chế cũ không đáp ứng nhưng phải làm cho chúng sống động. Khó khăn bắt nguồn từ cơ chế, chính sách; quy định quản lý tài sản công; chính sách liên doanh, liên kết… Nếu không tháo gỡ những điều này thì vẫn khó khăn.
Thứ ba là khó khăn về con người, nguồn lực về quản lý chưa đầy đủ. Ngành VH-TT chưa đủ quyền để tự tính toán cho bộ máy của mình, trong khi đó Sở Nội vụ, UBND, HĐND… sẽ làm công tác này. Làm sao có được con người toàn tâm toàn ý, phù hợp cũng là vấn đề khó. Theo ông Hùng, xuất phát từ thực tế này, nên phải chấp nhận đào tạo lại, truyền lửa… để cùng nhau làm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, 5 TP cần tiếp tục phát huy thành quả đạt được; đổi mới cách thức, phong trào thi đua; lượng hóa từng phần việc; tập trung vào cơ chế, chính sách… Các TP có mô hình thí điểm thành công, từ đó ngành có thể áp dụng trong cả nước. Khi đó công nghiệp văn hóa sẽ thành điểm sáng hơn nữa. Công nghiệp văn hóa tạo ra sản phẩm văn hóa chất lượng, có thương hiệu. Tận dụng lợi thế người đi sau, học hỏi kinh nghiệm người đi trước để phát triển công nghiệp văn hóa.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, lấy địa bàn dân cư làm khu vực “tác nghiệp”của toàn ngành. Huy động toàn bộ lực lượng xã hội, đề cao sức mạnh của hệ thống chính trị trong quá trình này. Tập trung đề cao vai trò người đứng đầu các cấp trong lĩnh vực văn hóa. Không đề cao, không nêu gương, không quyết liệt, cải cách tốt trong công tác hành chính, sẽ dẫn đến chậm trễ quá trình phát triển.