Hãng thiết bị chip lớn nhất Mỹ bị điều tra vì nghi bán hàng cho công ty chip số 1 Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 13:01, 17/11/2023
Applied Materials, hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất Mỹ, đang bị Bộ Tư pháp điều tra vì gửi thiết bị cho SMIC qua Hàn Quốc mà không có giấy phép xuất khẩu. Một nguồn tin cho biết thiết bị trị giá hàng trăm triệu USD liên quan đến vụ việc này.
Cổ phiếu Applied Materials đã giảm 7,3% sau tin tức này.
Mỹ đã hạn chế vận chuyển chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời Bộ Tư pháp và Thương mại Mỹ thành lập lực lượng đặc nhiệm vào đầu năm nay để điều tra và truy tố các hành vi vi phạm hình sự về kiểm soát xuất khẩu. Các quy định này nhằm mục đích ngăn chặn công nghệ Mỹ có thể được sử dụng để tăng cường năng lực quân sự và tình báo của Trung Quốc.
Có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ), Applied Materials tiết lộ lần đầu tiên vào tháng 10.2022 rằng đã nhận được trát đòi hầu tòa từ Văn phòng Công tố viên Mỹ ở bang Massachusetts để cung cấp thông tin về một số lô hàng gửi đến khách hàng ở Trung Quốc.
“Công ty đang hợp tác với chính phủ Mỹ và vẫn cam kết tuân thủ luật pháp toàn cầu, bao gồm kiểm soát xuất khẩu và các quy định thương mại”, Applied Materials cho biết trong một tuyên bố.
Văn phòng Công tố viên Mỹ tại thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ) cho hay: “Chúng tôi không xác nhận hay phủ nhận các cuộc điều tra”.
Hai nguồn tin của Reuters nói các công tố viên thuộc Đơn vị An ninh Quốc gia của văn phòng này đã xử lý cuộc điều tra đang diễn ra.
Reuters không thể xác định liệu Applied Materials có vi phạm luật hay không và chưa rõ liệu cuộc điều tra có dẫn đến cáo buộc hay không.
Nguồn tin cho biết Applied Materials sản xuất thiết bị bán dẫn ở bang Massachusetts, sau đó liên tục vận chuyển từ nhà máy tại thành phố Gloucester thuộc bang này đến một công ty con ở Hàn Quốc. Từ đó, thiết bị được chuyển đến SMIC, theo những người quen thuộc với cuộc điều tra.
Các chuyến hàng được gửi đi sau khi Bộ Thương mại Mỹ thêm SMIC vào danh sách đen (danh sách thực thể) hồi tháng 12.2020, nhằm hạn chế xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho hãng chip số 1 Trung Quốc, hai nguồn tin cho biết. Sự việc diễn ra trong năm 2021 và 2022.
SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể vì có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. SMIC không trả lời ngay lập tức câu hỏi tìm kiếm bình luận về các lô hàng từ Applied Materials.
Vào năm 2020, SMIC phủ nhận mối quan hệ với quân đội Trung Quốc, nói rằng họ sản xuất chip và cung cấp dịch vụ “dành cho người dùng cuối dân sự và thương mại”.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan giám sát kiểm soát xuất khẩu, từ chối bình luận. Liu Pengyu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, không biết về cuộc điều tra Applied Materials. Thế nhưng, Liu Pengyu nói rằng về nguyên tắc chung, “những hạn chế được áp đặt là mâu thuẫn với các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng”.
Khi thêm SMIC vào danh sách đen hồi năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ thông báo giấy phép cho thiết bị có khả năng sản xuất chip với các quy trình công nghệ tiên tiến có thể bị từ chối “để ngăn chặn công nghệ quan trọng này hỗ trợ cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”. Giấy phép cho các mặt hàng khác phải được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.
Vào tháng 3.2021, Reuters đưa tin chính phủ Mỹ đã chậm phê duyệt giấy phép với các công ty Mỹ như Lam Research và Application Materials để bán hàng cho SMIC.
“Vấn đề này có nhiều điều không chắc chắn và chúng tôi không thể dự đoán kết quả cũng như ước tính hợp lý mức độ tổn thất hoặc hình phạt liên quan, nếu có”, Application Materials cho biết trong hồ sơ tháng 8.2023 gửi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, đề cập đến việc nhận được trát đòi hầu tòa vào năm 2022 liên quan đến một số lô hàng gửi khách hàng ở Trung Quốc.
‘Trung Quốc mua được thiết bị của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến bất chấp các hạn chế’
Các công ty Trung Quốc đang mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ để tạo ra chất bán dẫn tiên tiến, bất chấp hàng loạt hạn chế xuất khẩu mới nhằm cản trở những tiến bộ trong ngành bán dẫn của nước này, theo một báo cáo hôm 14.11.
Báo cáo thường niên dài 741 trang, do ủy ban chọn lọc lưỡng đảng của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc công bố, chỉ trích biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà chính quyền Biden vào tháng 10.2022. Biện pháp này nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng các công cụ sản xuất chip của Mỹ nếu chúng được sử dụng để tạo ra chip tiên tiến ở quy trình 14 nanomet hoặc thấp hơn.
Với việc Bộ Thương mại Mỹ sử dụng giới hạn kỹ thuật 14 nanomet, "các nhà nhập khẩu thường có thể mua thiết bị nếu cho biết nó được sử dụng trên dây chuyền sản xuất cũ hơn và với khả năng kiểm tra cuối cùng hạn chế, rất khó để xác minh thiết bị không được dùng để sản xuất chip tiên tiến hơn", báo cáo nêu rõ.
Phát hiện này được đưa ra khi Mỹ đang cố gắng tìm ra cách mà gã khổng lồ viễn thông Huawei (Trung Quốc) có thể sản xuất chip Kirin 9000s 7 nanomet tiên tiến cho dòng smartphone Mate 60 thông qua SMIC, bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu được công bố vào năm ngoái.
Trang Bloomberg đưa tin SMIC đã sử dụng thiết bị của ASML (Hà Lan) để sản xuất Kirin 9000s cho Mate 60 Pro. ASML là hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Máy quang khắc cực tím sâu (DUV) của ASML đã được SMIC sử dụng kết hợp với các công cụ của những hãng khác để tạo ra chip Kirin 9000s, theo nguồn tin Bloomberg yêu cầu không tiết lộ danh tính do thảo luận về thông tin chưa được công bố.
Có ý kiến cho rằng các hạn chế xuất khẩu với ASML có thể đã đến quá muộn để ngăn chặn những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip.
Việc phân tích Mate 60 Pro do hãng TechInsights thực hiện đã tiết lộ chip này được sản xuất bởi SMIC, thể hiện khả năng sản xuất vượt xa những gì Mỹ từng tìm cách ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc.
Điều đó đặt ra câu hỏi về cách SMIC sản xuất chip tiên tiến cũng như tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát do Mỹ dẫn đầu.
Áp lực từ chính quyền Biden đã thúc đẩy chính phủ Hà Lan vào mùa hè năm ngoái công bố kế hoạch cấm ASML vận chuyển ba trong số bốn máy DUV tiên tiến nhất, loại máy mạnh thứ hai của công ty, sang Trung Quốc nếu không có giấy phép. ASML hiện vẫn có thể xuất khẩu những máy đó sang Trung Quốc nhưng việc vận chuyển sẽ bị cấm từ tháng 1.2024.
Huawei và SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại lần lượt vào năm 2019 và 2020, về lý thuyết cấm các nhà cung cấp Mỹ vận chuyển một số công nghệ nhất định cho hai công ty.
Những người quan sát Trung Quốc lý giải rằng SMIC có thể đã sản xuất chip bằng các thiết bị được mua trước khi có quy tắc vào tháng 10.2022, nhưng báo cáo của ủy ban chọn lọc lưỡng đảng thuộc Hạ viện cho thấy công ty này có những lựa chọn khác để mua được thiết bị từ nước ngoài.
Mỹ đã tìm cách khắc phục lỗ hổng quan trọng trong nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip tiên tiến bằng cách thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan, với các ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chip mạnh mẽ, công bố những hạn chế của riêng họ với việc xuất khẩu công nghệ đáng thèm muốn.
Thế nhưng, Trung Quốc đã tích trữ thiết bị bằng cách tận dụng khoảng thời gian trễ giữa các quy định tháng 10.2022 của Mỹ và động thái tương tự từ Nhật Bản, Hà Lan lần lượt vào tháng 7 và tháng 9.2023, báo cáo nêu chi tiết.
Theo tài liệu, từ tháng 1 đến tháng 8.2023, Trung Quốc đã nhập khẩu máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 3,2 tỉ USD từ Hà Lan, tăng 96,1% so với mức 1,7 tỉ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc từ tất cả các quốc gia đạt tổng cộng 13,8 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo của ủy ban chọn lọc lưỡng đảng thuộc Hạ viện không đưa ra khuyến nghị cụ thể nhằm giải quyết những lỗ hổng trong các quy định của Mỹ, nhưng thúc giục Quốc hội yêu cầu đánh giá hàng năm (được thực hiện trong vòng 6 tháng bởi Văn phòng Trách nhiệm Chung và sau đó công bố) về tính hiệu quả của biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip với Trung Quốc.