Có chuyên đề giám sát lên tới 100.000 trang tài liệu, không có phương pháp xử lý tốt sẽ 'ngộp'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:52, 17/11/2023

Chủ tịch Quốc hội cho biết kết quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 100.000 trang tài liệu. Nếu không có phương pháp xử lý tốt sẽ ngộp với số liệu.

Hoạt động giám sát chuyên đề là điểm sáng

Tại hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có nhiều đổi mới trong phương thức, hoạt động giám sát, mang lại chuyển biến thiết thực.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được tổ chức đều đặn, có hiệu quả.

Trong năm 2023 có 911 lượt đại biểu quốc hội đăng ký chất vấn, 264 lượt đại biểu chất vấn, 84 lượt đại biểu tranh luận tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5.

Ngoài ra, việc lựa chọn chủ đề chất vấn cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng từ phiên chất vấn trong đợt 1 của kỳ họp thứ 6 vừa qua: Chất vấn giữa nhiệm kỳ đối với 21 lĩnh vực, phạm vi rộng nên Quốc hội đã có cải tiến đổi mới, sắp xếp thành 4 nhóm vấn đề. Lần đầu tiên có cả Thủ tướng, tất cả phó thủ tướng và 21 thành viên chính phủ, bộ ngành tham gia trả lời làm rõ được thực trạng, nêu ra nhiều giải pháp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng. Mỗi năm có 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của UBTVQH đã được triển khai một cách nghiêm túc. Hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết giám sát chuyên đề cũng được tăng cường.

“Nếu như trước đây hầu hết là hậu kiểm thì trong nhiệm kỳ này và trong năm 2023 vừa qua, Quốc hội đã chọn những nội dung đang trong quá trình diễn ra, đang trong lúc điều hành”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

hn-2.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ví dụ, trong năm 2022 Quốc hội giám sát về công tác quy hoạch, ban hành được Nghị quyết 61/2022/QH15, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch giai đoạn 2021-2030, qua đó gần như tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc, tồn đọng, bất cập về công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch đã được đẩy mạnh hơn rất nhiều.

Điểm tốt cần biểu dương, sai phạm phải xử lý

“Qua giám sát, những điểm tốt phải được biểu dương, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đồng thời những sai phạm phải được xem xét xử lý, những khuyết điểm phải được kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay hoạt động lấy phiếu tín nhiệm thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của đại biểu quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và nhân dân. Kết quả về lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, dư luận, nhân dân đồng tình và đánh giá cao.

Ngoài ra, việc xây dựng các báo cáo thẩm tra ngày càng ngắn gọn, súc tích, sâu sắc, có tính phản biện cao hơn, khoa học hơn.

Trong năm vừa qua, UBTVQH cũng tiếp tục đôn đốc để giám sát đối với hơn 1.000 vụ việc phức tạp, kéo dài; 150 vụ việc cụ thể đã được UBTVQH kiến nghị tại kỳ báo cáo năm 2022; 104 vụ việc phức tạp đông người được kiến nghị tại báo cáo dân nguyện hằng tháng…

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ rằng “lần đầu tiên có báo cáo, trình bày kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp. Ngoài ra, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận báo cáo kết quả giám sát về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận và đánh giá cao”.

hn-1.jpeg
Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

“Nếu như trước đây công tác dân nguyện báo cáo 1 năm 2 lần thì nay đã trở thành công việc hằng ngày của Ban Dân nguyện và là công việc hằng tháng của UBTVQH”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Việc cá thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vẫn chưa rõ nét

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đã lưu ý về một số tồn tại, hạn chế, bất cập.

Theo đó, về công tác giám sát chuyên đề, giải quyết quan hệ giữa “diện” với “điểm”, giữa tính chất toàn diện với trọng tâm, trọng điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Lý do là vấn đề rất rộng, không thể nào bao quát hết được, nếu cứ đi dàn trải thì đến cuối cùng sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

“Mỗi đoàn giám sát có mục tiêu, yêu cầu cụ thể. Nếu quá sa đà vào vụ việc thì có những trường hợp “bơi” trong rừng số liệu và đến khi viết báo cáo tổng hợp, công tác biên tập báo cáo tóm tắt và dự thảo nghị quyết vô cùng vất vả”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội nêu ra trường hợp thực tiễn của đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 100.000 trang tài liệu. Nếu không có phương pháp luận tốt sẽ là “bơi” trong một “rừng” số liệu, ngộp với số liệu và không thoát ra được. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rút kinh nghiệm để tập trung lực lượng tinh nhuệ và phải có định hướng chỉ đạo hướng đến mục tiêu cuối cùng của giám sát.

“Việc xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân đáng lẽ phải nổi hơn. Nhiều tình trạng nể nang, né tránh vẫn còn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cho rằng đây là một nghịch lý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng báo cáo kết quả giám sát cần cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan có liên quan. Lý do, đây là cơ sở theo dõi diễn biến nếu có những những chuyển biến tốt hơn thì kịp thời động viên, khen thường, tạo động lực cho các bên thực hiện nhiệm vụ, cũng là nhằm kiến tạo phát triển.

Lam Thanh