Chiến lược Trung Quốc + 1 sẽ giúp Việt Nam thành 'mắt xích' quan trọng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:37, 19/11/2023
Đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế quốc tế và trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong 2 tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước. Kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu tích cực, tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm.
Hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm. Cụ thể, Liên minh châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2% (điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5.2023); Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 3% (điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6.2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3% (điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4.2023); Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023 (điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023).
Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu..., tồn kho tại các nước đang giảm dần (theo số liệu ước tính sơ bộ của Cục Điều tra dân số Mỹ, hàng tồn kho bán buôn tại Mỹ không thay đổi vào tháng 9.2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng trước. Trên cơ sở so sánh với cùng kỳ năm ngoái, hàng tồn kho bán buôn đã giảm 1,3%). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp cuối năm.
Mặt khác, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đặc biệt, tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, từ đó có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của nước ta bởi đây là những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của cả nước.
"Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư (Trung Quốc + 1) sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu", đại diện Bộ Công Thương quan trọng.
Tờ Financial Time từng cho hay một số công ty đa quốc gia đang trong chiến lược sản xuất "Trung Quốc + 1". Sony, Apple, Samsung và Adidas nằm trong số các doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan. Ấn Độ cũng hưởng lợi tương tự từ việc các công ty chuyển hoặc bổ sung dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trung Quốc cho đến nay vẫn là địa điểm thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp hấp dẫn nhất trên thế giới, tổng số vốn đầu tư vào nước này năm ngoái là khoảng 83 tỉ USD. Tuy nhiên, trong chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia, do lo ngại giá cả tăng cao tại nước này, họ đã tiến hành mở rộng sản xuất ra nhiều nước khác trong khu vực, đặc biệt là tại Việt Nam.
Khi nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thì càng có nhiều nhà sản xuất phụ tùng linh kiện đang và sẽ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.
"Trung Quốc + 1" là một chiến lược đa dạng hóa, chiến lược tối ưu của các nhà đầu tư tài chính. Các nguyên tắc cơ bản của lý thuyết này cũng có thể được các doanh nghiệp áp dụng nhằm giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Những lợi ích mà chiến lược này đem lại cho doanh nghiệp gồm: giảm chi phí, do chi phí nhân công tại các nước Đông Nam Á rẻ hơn so với chi phí nhân công tại Trung Quốc; hạn chế những rủi ro, sự đa dạng hóa sẽ giúp cho nhà sản xuất ít chịu rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá và rủi ro về thuế; tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, đang phát triển nhanh và sôi động.
Có thể thấy, Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc + 1" của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc. Như vậy, chiến lược này phần nào đã tác động nhất định tới quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước. Điều này thể hiện rất rõ trong việc gia tăng thâm hụt thương mại nhanh chóng với Hàn Quốc, Mỹ... thời gian qua, cũng như cơ cấu xuất khẩu của nước ta đang được cải thiện theo hướng gia tăng hàng hóa chế tạo.
Trên thực tế, việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc có nhà máy, phân xưởng đặt tại Trung Quốc... Sau đó xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư chuyển dịch hoặc đa dạng hóa phân xưởng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á (ASEAN), để né tránh các chính sách thuế cùng biện pháp phòng hộ thương mại giữa 2 cường quốc.
Tới khi đại dịch COVID-19 diễn ra dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, dòng vốn tiếp tục dịch chuyển để đảm bảo chuỗi cung ứng không lặp lại tình trạng đứt gãy như thời kỳ đầu đại dịch.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến ngày 20.10 vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt hơn 25,76 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong số đó, có 2.608 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỉ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,65 tỉ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và giảm 13% so với cùng kỳ 2022. Hàn Quốc đứng thứ 2 với gần 3,93 tỉ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư và tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỉ USD, chiếm hơn 13,7% tổng vốn đầu tư và gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 21,7%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,7%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,2%).
Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) mới đây đón giấy chứng nhận đầu tư từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) để xây dựng nhà máy tại địa phương này. Với tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được triển khai tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang nhằm sản xuất màn hình, tivi…
Tập đoàn HKC Overseas Limited tiếp tục nối dài danh sách nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay, số dự án từ quốc gia láng giềng tỉ dân này dẫn đầu được cấp phép đầu tư ở Việt Nam.
Trong khi đó, vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong ASEAN cùng với việc khu vực này là trọng tâm ảnh hưởng của các thị trường lớn và cũng là một trong những khu vực vẫn duy trì được sức tăng trưởng và nội lực kinh tế, khiến ASEAN trở thành thị trường ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại và kinh tế của các nước: EU xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ thúc đẩy đàm phán khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), Anh đàm phán thành công gia nhập CPTPP... cũng sẽ tạo thuận lợi đối với các hoạt động đầu tư và sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.