Hiểu về lịch sử để không 'mất gốc' trên chính quê hương mình
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:45, 19/11/2023
Đã từng xuất hiện những câu chuyện “cười ra nước mắt” về kiến thức lịch sử của học sinh. Trong Chương trình “Chuyển động 24h” trước đây của VTV1 phát sóng một video mang nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung: “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”.
Một em trả lời "Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em"; em khác thì vô tư hơn khi khẳng định: “Em học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”.
Phát lại chương trình này, VOV đã nhận xét: “Câu trả lời của các học sinh khiến nhiều người vừa “buồn” vừa “cười”. Buồn vì “dân ta” lại không biết sử ta. Cười vì cách trả lời tự tin và ngây ngô của các em học sinh. Điều này cũng có nghĩa giáo dục nước nhà đang thất bại với chính con em của mình”.
Lỗ hổng về dạy và học môn lịch sử thể hiện rõ nhất qua các kỳ thi tốt nghiệp PTTH khi mà nhiều trường học chỉ có vài em đăng ký dự thi môn này. Có trường hợp như Trường Lương Thế Vinh ở Hà Nội, có năm không em học sinh nào chọn thi môn lịch sử.
Việc học sinh chán và không thích học môn lịch sử đã được đem ra bàn bạc trên nhiều diễn đàn từ thấp đến cao, thế nhưng tình hình hầu như không mấy cải thiện. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến đã được nêu ra và mổ xẻ nguyên nhân. Có ý kiến cho rằng việc học sinh chán học và học kém môn lịch sử có nguyên nhân từ việc biên soạn sách giáo khoa; cũng có lý do rằng phụ huynh học sinh chỉ muốn hướng con em học các môn khoa học tự nhiên để sau này có tương lai hơn hoặc do cách giảng dạy của thầy cô môn này khô khan...
Với bất cứ lý do gì thì việc học sinh chán học lịch sử, kiến thức lịch sử mù mờ là một thực trạng rất đáng lo ngại. Nếu nói rằng phụ huynh định hướng con em đi học các ngành khoa học tự nhiên để sau này có tương lai hơn cũng là một lý do hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, cũng đâu ai yêu cầu một học sinh am hiểu về lịch sử thì buộc phải đi theo các ngành liên quan đến lịch sử mà chỉ buồn về một lớp người trẻ mù mờ về lịch sử.
Việc dạy và học lịch sử chính là dạy và học làm người, là thông qua những câu chuyện, những bài học lịch sử để giáo dục nhân cách, phẩm giá của con người. Học lịch sử để hiểu về đất nước và dân tộc mình; những vinh quang, cay đắng và cả xương máu của bao thế hệ tiền nhân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và từ những bài học của quá khứ mà giới trẻ có thể nhận biết được giá trị của ngày hôm nay.
Nhà văn Sơn Nam đã viết trong Di sản Sài Gòn rằng: “Không giữ được di sản của thế hệ trước, ta sẽ mang chứng bệnh “bức xúc” (stress) mà căn do không phải vì buồn phiền chuyện riêng tư về tình ái, thất bại dịch vụ mua bán nhà đất nhưng vì lý do sâu thẳm hơn, tận trong tiềm thức, trong vô thức. Đó là sự hụt hẫng về lịch sử, đôi chân sẽ không đứng vững trên mặt đất vì chẳng hiểu rằng Tổ quốc là sự gắn bó liên tục qua những ký ức tập thể, buồn vui”.
Học sử, am hiểu lịch sử để mỗi người không phải “mất gốc” ngay trên chính quê hương, đất nước mình.