ĐBQH: Bác sĩ mở phòng khám tư được thì giáo viên dạy thêm là chính đáng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:55, 20/11/2023

ĐBQH Nguyễn Văn Huy cho rằng bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều nghề khác có thể “bôn ba” ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì việc nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.

Đề nghị đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phản ánh thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng. Điều này gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

“Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay thì dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Điều đó là chính đáng, bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”, ông Huy nêu.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng cán cân cung - cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao để sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến.

“Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án”, ông Huy nêu rõ.

huy.jpeg
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình)

Theo ông Huy, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo? Để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng bổ trợ và nâng cao năng lực được hỗ trợ điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục uy tín.

“Những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt”, ông Huy nêu.

Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, đại biểu Huy kiến nghị Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Ngoài ra, ông Huy nhấn mạnh cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành; Bộ KH-ĐT sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Giải trình về vấn đề dạy và học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, có 18 kiến nghị liên quan đến dạy thêm và học thêm và đây là vấn đề lớn, bộ đã trả lời vấn đề này. Bộ trưởng Sơn khẳng định, dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng.

Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản quy định, đặc biệt đã ban hành Thông tư 17 quy định kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, quy định những vấn đề trong đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử học đường, văn hóa học đường… Có thể nói, hiện đã có đầy đủ các quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, đối với vấn đề ngoài nhà trường, hiện bộ còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát, xử lý vấn đề này. Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Huy là cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học.

Lúng túng đền bù thiệt hại trong hành hàng an toàn cột tháp gió

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết người dân địa phương đang bức xúc và chính quyền địa phương đang lúng túng trong bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió (của các công trình điện gió trên bờ). Lý do là chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu chia sẻ: Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hành lang an toàn của cột tháp gió và công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Tuy nhiên, chưa có quy định, hướng dẫn việc nhà ở, công trình kiến trúc, vật nuôi có được phép tồn tại trong hành lang an toàn của cột tháp gió hay không và cũng không quy định cụ thể thế nào là khu dân cư...

Nhấn mạnh vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ là vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi chỉ rõ, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa đủ để áp dụng giải quyết thỏa đáng vấn đề trên.

nhi.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre)

Theo đại biểu, việc UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể gặp khó khăn do các hạn chế về trình độ chuyên môn, trang thiết bị, các cơ quan tham mưu chưa đủ sức đánh giá, tính toán các thiệt hại do công trình điện gió gây ra.

Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ kịp thời có văn bản hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió, thiệt hại từ tiếng ồn do công trình điện gió gây ra.

Qua đó, làm cơ sở cho địa phương giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo...

Ngân hàng không mặn mà cho vay xử lý rác

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) nêu thực tế về những khó khăn trong công tác xử lý ô nhiễm rác thải và cho rằng các giải pháp hiện nay chưa đạt hiệu quả cao.

Đại biểu cho biết mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược và nhiều văn bản chỉ đạo khác nhưng một số văn bản pháp luật chưa đi vào cuộc sống. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường sau hơn 20 tháng có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có quy định về định giá dịch vụ xử lý việc thu gom vận chuyển chất thải rắn.

Theo bà Lam, chủ trương xã hội hóa mời gọi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải nhận diện lại vấn đề là xã hội hóa ở mức độ nào, khâu nào thì có khả thi. Ví dụ như về công nghệ - kỹ thuật, về đất đai, về vốn đầu tư đều mong muốn xã hội hóa trong khi các dự án xử lý rác hiệu quả kinh tế không cao thì khó có thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia.

“Chính vì các dự án xử lý rác nặng trách nhiệm xã hội, hiệu quả về kinh tế thấp nên các ngân hàng thương mại không "mặn mà" cho vay đối với các dự án, vì thế có rất ít nhà đầu tư trong nước có đủ nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này”, bà Lam nêu.

lam.jpeg
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre)

Đại biểu cũng cho biết nhiều doanh nghiệp nói rằng khó khăn lớn nhất là nguồn rác đầu vào không bảo đảm nhu cầu vận hành nhà máy. Việc tìm kiếm hợp đồng xử lý rác công nghiệp để bù đắp lượng rác thiếu hụt cũng không khả thi.

Vì vậy, bà Lam cho rằng Bộ TN-MT với trách nhiệm là cơ quản quản lý nhà nước và các bộ có liên quan cần xem xét trách nhiệm trong quy hoạch vùng để đầu tư nhà máy xử lý, giải quyết lượng rác thu gom không đủ so với công suất của nhà máy.

Cũng theo đại biểu Lam, tình trạng phân loại rác tại nguồn còn nhiều khó khăn. Một số nơi theo hướng dẫn người dân có thực hiện chia ra nhưng khi rác được tập trung thì chỉ còn 1 loại; một số nơi gom rác 1 phần, phần còn lại để người dân tự xử lý; nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường chưa đồng đều, chưa thật sự lan tỏa…

“Từ đó lượng rác khó xử lý ngày một nhiều hơn dẫn đến tình trạng quá tải, tỷ lệ xử lý rác bằng hình thức chôn lắp chưa thể kéo giảm và chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý”, bà Lam nói.

Lam Thanh