Từ bài học của CLB Everton: Ai sẽ bảo vệ cầu thủ bóng đá Việt Nam?

Thể thao - Ngày đăng : 15:30, 20/11/2023

Có những bài học mà bóng đá Việt Nam (BĐVN) phải "thuộc lòng" ngay, nhất là khi nhìn từ Premier League.

Premier League là giải đấu quen thuộc đối với người hâm mộ bóng đá hơn 30 năm qua. Tất cả thông tin từ giải đấu, dù tích cực hay tiêu cực, thì gần như người hâm mộ nào cũng đều biết rõ.

Gần đây, có lẽ ai cũng biết thông tin câu lạc bộ (CLB) Everton bị trừ 10 điểm vì vi phạm Quy tắc bền vững và lợi nhuận của Premier League (PSR). Hình phạt này khiến Everton rơi từ vị trí 14 xuống vị trí áp chót 19/20 trên bảng xếp hạng hiện tại. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đây.

Sở dĩ nói sự việc chưa dừng lại là do Everton có quyền kháng cáo. Cần biết rằng quyết định này là của Ủy ban độc lập chứ không phải của ban tổ chức Premier League và có hiệu lực ngay lập tức khi mùa giải 2023 - 2024 đã và đang diễn ra.

Everton được xác định vi phạm luật công bằng tài chính khi nhận khoản lỗ 124,5 triệu bảng trong mùa giải 2021-22. Con số này vượt quá ngưỡng quy định của Ủy ban Premier League, vốn cho phép mỗi câu lạc bộ lỗ tối đa 105 triệu bảng trong một năm.

Hiện nay, ban tổ chức Premier League chỉ mới áp dụng hình phạt trừ Everton 10 điểm và chưa phạt thêm tiền cũng như cấm chuyển nhượng. "Premier League đã đưa ra khiếu nại chống lại câu lạc bộ Everton và chuyển vụ việc lên một ủy ban độc lập vào đầu năm nay", thông báo được đưa ra từ ban tổ chức Premier League.

So sánh Premier League với V-League là không thể khi Premier League là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới về mọi mặt, cũng như thành công nhất về mặt kinh doanh. Càng không thể đi sâu vào chi tiết khi guồng máy tổ chức, điều hành của Premier League hoàn hảo hơn V-League; những quy định để đảm bảo thương hiệu, hình ảnh, uy tín của Premier League thì V-League cũng phải học hỏi nhiều. 

Vậy trường hợp Everton có gì liên quan đến BĐVN nói chung và V-League nói riêng?

Quy định công bằng tài chính là quy định các CLB phải có lãi để duy trì tính bền vững. V-League chưa có quy định chi tiết, rõ ràng về luật công bằng tài chính, và vì thế tính bền vững ở các CLB gần như là khó có thể nói trước.

Bóng đá ở Việt Nam chưa thể lấy thu bù chi, chưa thể tự nuôi sống mình mà hoàn toàn phụ thuộc vào các ông chủ đội bóng, hoặc ngân sách nhà nước cộng với nguồn thu từ các nhà tài trợ. Với đời sống như thế này, người hâm mộ và những nhà hoạt động, nhà đầu tư của BĐVN đều ngầm hiểu và chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhưng sự im lặng, ngầm thỏa thuận này không phải là giải pháp tích cực để V-League tồn tại và phát triển.

Một câu chuyện buồn của CLB Khánh Hòa khi họ có thể không thi đấu V-League 2023-2024 vì không có kinh phí do nhà tài trợ chính rút lui. May mắn là vào giờ chót có nhà tài trợ mới nên Khánh Hòa mới có thể thi đấu ở V-League 2023-2024. Thế nhưng trong tuần qua, CLB Khánh Hòa lại dậy sóng khi các cầu thủ kêu cứu do tiếp tục bị nợ tiền.

Số tiền nợ của nhà tài trợ cũ bao gồm 2 tỉ tiền thưởng đội thăng hạng (từ hạng Nhất lên V-League vào cuối mùa giải 2022), tiền phí lót tay và lương tháng 9 của đội bóng. Theo cam kết sau khi khất nợ từ tháng 8 qua tháng 11, đến nay tất cả đều im lặng khiến cho các cầu thủ hoang mang.

HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa cũng bất lực trước hiện tượng đau lòng này. Ông cũng đứng về phía quyền lợi chính đáng của các cầu thủ và cho rằng việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của đội.

Khánh Hòa có theo "vết xe đổ" của Than Quảng Ninh?

Không đến nỗi quá bi đát như CLB Than Quảng Ninh phải giải thể, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, CLB Khánh Hòa cũng sẽ khó có tương lai.

CLB Than Quảng Ninh đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính xuyên suốt cả mùa giải 2020. Đầu mùa giải 2021, có lúc các cầu thủ đồng loạt đình công không tập luyện do bị CLB nợ tiền lót tay, tiền lương nhiều tháng.

Sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, tháng 4.2021, các cầu thủ Than Quảng Ninh được CLB trả vài tháng lương. Nhưng sau đó các cầu thủ không nhận thêm được bất cứ tiền lương nào từ CLB.

Ngày 23.8.2021, một số cầu thủ Than Quảng Ninh ra tối hậu thư rằng, đến ngày 31.8.2021, nếu lãnh đạo đội bóng không trả tiền cho cầu thủ thì họ sẽ gửi đơn kiện lên VFF, AFC và FIFA.

Ngày 28.10.2021, VFF ra quyết định không cấp phép ngoại lệ cho CLB Than Quảng Ninh tham dự V-League 2022. Lý do đội bóng này đã không đáp ứng các tiêu chí cấp phép bắt buộc trên hệ thống cấp phép trực tuyến năm 2021 về tài chính, cơ sở vật chất, về đào tạo trẻ, chăm sóc y tế cầu thủ; Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Bóng đá Quảng Ninh - đơn vị quản lý CLB Than Quảng Ninh tạm dừng hoạt động...

Không ai bảo vệ quyền lợi cầu thủ

Câu chuyện của CLB Than Quảng Ninh cùng nhiều CLB khác là nỗi đau của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam dù tuổi đời đã ngoài 20. CLB Than Quảng Ninh nợ suốt 3 mùa bóng với số tiền lên đến 70 tỉ đồng, thế nhưng không ai giải quyết bất chấp các cầu thủ liên tục kêu cứu.

Ở nước ngoài có Hiệp hội cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp bảo vệ quyền lợi cầu thủ. Tất cả các tổ chức liên quan hay độc lập đều ưu tiên bảo vệ cầu thủ nếu như lãnh đạo hoặc những người có trách nhiệm có hoạt động sai trái, ức hiếp họ.

BĐVN không thể so sánh với các nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu lục, chứ đừng nói là châu Âu hay thế giới. Nhưng tất cả các nền bóng đá đều bình đẳng về quyền cầu thủ, quyền con người.

Đã đến lúc những nhà điều hành BĐVN cùng đại diện các đội bóng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp và đưa ra những quy định, luật lệ rõ ràng, xử phạt nghiêm minh để giới hạn tối đa hiện tượng các CLB nợ tiền cầu thủ mà không trả.

Một xã hội không có luật pháp rõ ràng, minh bạch sẽ không có trật tự, ổn định để tồn tại và phát triển. Đời sống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng không thể đi ngoài quy luật này.

Đặng Hoàng