TS Nguyễn Đình Cung: Có tự do kinh doanh nhưng không có an toàn kinh doanh

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:52, 06/10/2018

Với sự áp dụng pháp luật tùy ý tùy tiện, với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài. Cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Càng không chính thức ở Việt Nam, càng rủi ro”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Ảnh: Nhadautu

Tại tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực" sáng 5.10, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Các con số thống kê đánh giá khu vực này đóng góp 9% GDP. Con số này kéo dài từ khi có Luật doanh nghiệp đến hiện tại. Năm 2000, yếu tố này chỉ tăng 1 điểm % GDP.

“Tôi hoàn toàn nghi ngờ con số này”, ông Cung nói và nhấn manh các con số doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp.

Ông Cung nêu câu hỏi, sự đóng góp của GDP của khu vực này đã có sự tăng trưởng, nhưng khu vực này vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường, tại sao? Từ năm 1991, luật pháp đã thừa nhận sự tồn tại kinh tế tư nhân ở Việt Nam nhưng đến nay mới xuất hiện 4 tỉ phú. Con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới, và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu.

“Lý do có thể tự do kinh doanh nhưng không có an toàn trong hoạt động kinh doanh”, ông Cung nêu.

Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia này chỉ ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều rủi ro về mặt thể chế, pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không minh bạch, không rõ ràng.

“Với sự áp dụng tùy ý tùy tiện, với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài. Cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Càng không chính thức ở Việt Nam, càng rủi ro”, ông Cung chia sẻ.

Mặt khác, chuyên gia này cho rằng có những doanh nghiệp muốn lớn nhưng không lớn được. Với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển. Nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình.

“Việt Nam phân bố nguồn lực theo xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng ai làm tốt? Có thể lấy ví dụ, giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu là hành chính, chưa hẳn là thị trường, thị trường vốn méo mó, thị trường trái suất chưa phải là thị trường huy động và phân bố nguồn lực”, ông Cung nêu.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá.

“Không ít doanh nghiệp Việt Nam không hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Kiên nêu.

Theo đó, dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để có bước đột phá trong ngắn và trung hạn.

Ông Kiên cũng cho rằng một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

“Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11.2017 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa “tại liên hoan có 30 phim của doanh nghiệp tư nhân, không có một phim nào của DNNN”, mà chưa đổi thành “phim của doanh nghiệp Việt Nam” và “phim của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu”, ông Kiên nêu.

Cùng với đó, vấn đề xử lý mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ.

“Tỷ lệ các DN tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình doanh nghiệp khác”, ông Kiên nói.

Lam Thanh