Nhiều cây xăng sẽ bị xử lý nếu không áp dụng hóa đơn điện tử
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:00, 21/11/2023
Loạt cây xăng kêu khó
Trong khi nhiều nhà bán lẻ xăng dầu cho rằng hiện cả nước có 17.000 cây xăng, nếu phải kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) sẽ phát sinh chi phí rất lớn và không cần thiết.
Bộ Công Thương cho rằng các cửa hàng xăng dầu phải áp dụng, kết nối ngay hóa đơn điện tử sẽ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Hóa đơn điện tử hiện mới có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối. Còn hàng chục nghìn cây xăng của các doanh nghiệp bán lẻ khác chưa áp dụng do chi phí đầu tư lớn, thời gian thực hiện 1-3 năm.
Theo tính toán, trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm, với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỉ đồng. Ngoài ra, còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.
Trong khi đó, thống kê nhanh của 35 Sở Công Thương các địa phương cho thấy, số cây xăng bán lẻ khoảng 10.000 cửa hàng. Trong đó, gần 1.900 cửa hàng sắp hết giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, phải xin cấp lại trong một năm tới. Như vậy, riêng quý 1/2024 sẽ có khoảng 1.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (752 cửa hàng tại 35 địa phương khảo sát) phải thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối với cơ quan thuế, nếu đây là một trong điều kiện để họ được cấp lại giấy phép kinh doanh.
Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng dầu. Nhưng trước mắt, để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp, Bộ này kiến nghị bỏ quy định về lộ trình "cứng" thực hiện hóa đơn điện tử tại dự thảo nghị định sửa Nghị định 95. Thay vào đó, cửa hàng bán lẻ thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế. Tức là, với trường hợp cấp mới giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện và tuân thủ ngay quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn.
Các cây xăng đang hoạt động, hoặc phải xin cấp lại giấy chứng nhận kinh doanh do sắp hết hạn, thực hiện hóa đơn điện tử như trường hợp cấp mới, sau một năm.
Đã đầy đủ cơ sở pháp lý để áp dụng hóa đơn điện tử
Trước ý kiến này, Tổng cục Thuế khẳng định đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai HĐĐT đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Từ ngày 1.7.2022, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đã thực hiện phát hành HĐĐT.
"Đối với việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán lẻ xăng dầu và HĐĐT từ máy tính tiền, ngành Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng HĐĐT, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế. Đồng thời, ngành Thuế cũng tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật", đại diện Tổng cục Thuế cho hay.
Đối với quy định về lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, bao gồm quy định về “Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán”, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) là cơ quan chủ trì đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét, thông qua.
Bộ Tài chính khẳng định, các quy định trên đảm bảo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật số 17/2008/QH12 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tại văn bản số 1394/BTC-PC ngày 2.3.2020 góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Công Thương không có ý kiến về nội dung quy định về thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán lẻ xăng dầu nêu trên.
Hơn nữa, việc áp dụng HĐĐT là một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng để thực hiện chuyển đổi số.
Theo Tổng cục Thuế, thực tế trong thời gian qua cho thấy, vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hoá đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng quy định như: cuối ngày mới xuất hoá đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn; thậm chí có trường hợp bán hàng hoá nhưng không xuất hoá đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hoá đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Do đó, để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13.11.2023 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm đại lý cố tình không in hoá đơn khi bán xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế về hoá đơn điện tử, đồng thời yêu cầu xử nghiêm trường hợp không phát hành hoá đơn điện tử, đặc biệt mới đây Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nghiêm chỉnh chấp hành việc in và phát hành hoá đơn điện tử.
Cụ thể, Thủ tướng cho biết ngày 13.6.2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử áp dụng kể từ ngày 1.7.2022.
Thực hiện quy định trên, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thực hiện thành công chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử, còn hiện tượng phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật…
Trước thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan, tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử; khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trên cả nước được thông suốt, thuận lợi.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Tài chính được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương đặc biệt chú ý đến yêu cầu lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, "bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan Công an và các Bộ, cơ quan liên quan để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật và xử lý kịp thời, nghiêm theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện hóa đơn điện tử.