TP.HCM gặp khó khăn khi xử lý tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:25, 21/11/2023
Ngày 21.11, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đã thực hiện chức năng giám sát đối với Công an TP.HCM về tình hình kết quả hoạt động của ngành công an và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp năm 2023 trên địa bàn TP.HCM.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Công an TP.HCM ghi nhận xảy ra 5.844 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 119 vụ so với cùng kỳ năm 2022), đã điều tra khám phá 3.440 vụ, đạt gần 59%. Tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhất là trộm cắp tài sản.
Công an TP.HCM phát hiện 1.378 vụ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, với 1.439 đối tượng, triệt phá 2.077 vụ án ma túy, với 4.537 đối tượng vi phạm; thu giữ gần 800 kg ma túy các loại, 49 cây cần sa tươi, 36 khẩu súng, 253 viên đạn. Đã khởi tố 1.754 vụ với 2.796 bị can.
Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế cho biết, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến hết sức phức tạp. Cơ quan chức năng nỗ lực tuyên truyền nhưng nhiều người vẫn dễ dàng sập bẫy, chủ yếu là người lớn tuổi. Vì thế, công an phối hợp cùng các đơn vị tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người già.
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) cũng thông tin thêm, hiện nay việc điều tra các vụ án xảy ra trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn, số tiền bị chiếm đoạt rất lớn. Khi điều tra, công an phải có công văn đề nghị ngân hàng phối hợp và phải mất từ 1-2 tháng thì bên ngân hàng mới trả lời. Công an không có chức năng phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tài khoản.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Đạt biểu dương kết quả thành tích Công an TP.HCM đã đạt được, tuy nhiên, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố tăng cao, các chỉ tiêu chưa đạt.
Ông Nguyễn Văn Đạt đề nghị Công an TP.HCM phải phân tích tình hình tội phạm ở độ tuổi vị thành niên và có giải pháp cụ thể khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong năm tới. Đặc biệt là tập trung xử lý cho các loại tội phạm được cử tri quan tâm phản ánh như lừa đảo trên không gian mạng. Trong năm 2024 phải thực hiện các giải pháp hiệu quả để tăng tỷ lệ khám phá án.
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Lê Minh Đức đặt vấn đề, đội ngũ công an phường thiếu kinh nghiệm trong tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và lập hồ sơ ban đầu. Đơn cử Công an quận 7 báo cáo có tình trạng không có người trực ban dẫn tới không kịp tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân.
Ông Lê Minh Đức thắc mắc, Công an phường là công an chính quy, vì sao vẫn có tình trạng trên và đề nghị Công an TP.HCM rà soát, kịp thời chấn chỉnh.