Sam Altman trở lại làm CEO OpenAI, hội đồng quản trị thay đổi

Thế giới số - Ngày đăng : 13:55, 22/11/2023

Chiều 22.11, OpenAI đã công bố Sam Altman, cựu giám đốc điều hành bị sa thải khỏi công ty hôm 17.11, sẽ trở lại vai trò trước đây của mình.

Diễn biến bất ngờ này đã được công bố trên tài khoản X chính thức của OpenAI, đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ đầy biến động với công ty tạo ra chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT.

Ngoài sự trở lại của Sam Altman, về nguyên tắc, OpenAI đã đồng ý thành lập lại hội đồng quản trị.

OpenAI cho biết Bret Taylor (cựu Giám đốc điều hành Salesforce), cựu Larry Summers (Bộ trưởng Tài chính Mỹ) sẽ cùng Adam D'Angelo (Giám đốc điều hành Quora) tham gia hội đồng quản trị OpenAI.

Sam Altman viết trong một bài đăng trên X: "Tôi rất mong ngày được quay lại OpenAI".

Trên X, OpenAI thông báo: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để Sam Altman trở lại OpenAI với tư cách là Giám đốc điều hành với ban giám đốc ban đầu mới gồm Bret Taylor (Chủ tịch hội đồng quản trị), Larry Summers và Adam D'Angelo".

sam-altman-tro-lai-lam-ceo-openai.jpg
Sam Altman trở lại làm Giám đốc điều hành OpenAI sau 5 ngày bị sa thải - Ảnh: Internet

Hôm 20.11, OpenAI đã bổ nhiệm Emmett Shear (ông chủ cũ của Twitch) làm Giám đốc điều hành tạm thời. Thời điểm đó, Microsoft tuyển dụng Sam Altman làm lãnh đạo nhóm AI mới ở công ty này.

Chiều 21.11, Sam Altman đã đàm phán với hội đồng quản trị để quay lại điều hành OpenAI sau khi hơn 700/700 nhân viên dọa nghỉ việc.

Trước đó, Emmett Shear cân nhắc nghỉ việc nếu hội đồng quản trị OpenAI không cung cấp thông tin chi tiết về lý do Sam Altman bị sa thải. Ngày 20.11, Emmett Shear cố gắng tổ chức cuộc họp với toàn thể nhân viên công ty nhưng họ từ chối tham dự.

Các nhà đầu tư hàng đầu cũng gây áp lực lên hội đồng quản trị OpenAI, yêu cầu Emmett Shear nghỉ việc và phục hồi chức vụ cho Sam Altman.

"Đã đến lúc Shear từ chức trước khi ông ấy trở thành nhân viên duy nhất của OpenAI", Vinod Khosla, một trong những người đầu tiên đầu tư vào OpenAI, nói với tờ Telegraph.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói vẫn ủng hộ Sam Altman quay về OpenAI dù đã thuyết phục được ông gia nhập Microsoft và lãnh đạo nhóm mới về AI. Satya Nadella kỳ vọng thấy những thay đổi về quản trị tại OpenAI sau vụ sa thải.

"Chúng tôi cam kết với cả Sam và OpenAI. Bất kể sẽ như thế nào, tôi sẵn sàng đón nhận cả hai lựa chọn", Satya Nadella nói với CNBC.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television rằng dù Sam Altman gia nhập Microsoft hay quay lại OpenAI thì doanh nhân này vẫn sẽ làm việc với Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI). Satya Nadella cho biết Microsoft sẽ được hưởng lợi dù Sam Altman làm tại OpenAI hay công ty của ông.

Microsoft đã cam kết đầu tư tới 13 tỉ USD vào OpenAI. Theo các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, Microsoft sở hữu lượng cổ phần lớn (có thể lên tới 49%) trong một đơn vị vì lợi nhuận do OpenAI điều hành. Trang Semafor cho biết các nhà đầu tư và nhân viên OpenAI khác kiểm soát 49% cổ phần, trong đó 2% thuộc sở hữu của công ty mẹ phi lợi nhuận OpenAI Nonprofit.

Sam Altman và hội đồng quản trị OpenAI từng có đợt đàm phán đầu tiên vào 19.11. Song sau đó, Ilya Sutskever gửi thư tới nhân viên OpenAI tối muộn cùng ngày, thông báo Sam Altman không quay lại công ty. Điều này khiến hơn 700 trong số 770 nhân viên của OpenAI tức giận, cùng ký vào bức thư dọa nghỉ việc nếu hội đồng quản trị không từ chức và Sam Altman không trở lại làm giám đốc điều hành.

Tính đến ngày 21.11, hội đồng quản trị OpenAI gồm Giám đốc khoa học Ilya Sutskever, Adam D'Angelo (Giám đốc điều hành Quora), Tasha McCauley (cựu Giám đốc điều hành GeoSim Systems) và Helen Toner (Giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Georgetown). Sau khi Sam Altman bị sa thải, Greg Brockman từ chức Chủ tịch OpenAI để phản đối.

Ilya Sutskever sau đó cho biết ông “vô cùng hối hận” vì tham gia vào vụ sa thải Sam Altman và ghi tên mình vào bức thư từ các nhân viên dọa nghỉ việc.

Ilya Sutskever viết trong bài đăng trên X hôm 20.11: “Tôi vô cùng hối hận vì tham gia vào các hành động của hội đồng quản trị. Tôi chưa bao giờ có ý định làm hại OpenAI. Tôi yêu tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau xây dựng và sẽ làm mọi thứ có thể để xây dựng lại công ty”.

Trước đây, trọng tâm của sự chia rẽ giữa Sam Altman và hội đồng quản trị OpenAI là liệu AI có nên là một cơ hội thương mại không, hay là một công nghệ nguy hiểm tiềm tàng cần được kiểm tra và xem xét kỹ lưỡng mọi lúc.

Hội đồng quản trị cũ xung đột với Sam Altman và Greg Brockman, cả hai đều cho rằng việc phát triển kinh doanh của OpenAI là yếu tố không thể tránh khỏi.

Việc chạy ChatGPT rất tốn kém với OpenAI. Theo phân tích từ chuyên gia Stacy Rasgon của ngân hàng Bernstein, mỗi truy vấn tốn khoảng 4 cent. Nếu các truy vấn ChatGPT tăng lên bằng 1/10 quy mô tìm kiếm của Google, ban đầu OpenAI sẽ cần số GPU trị giá khoảng 48,1 tỉ USD và số chip trị giá khoảng 16 tỉ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.

OpenAI buộc phải giới hạn số lần người dùng có thể truy vấn các mô hình AI mạnh nhất của mình hàng ngày. Trên thực tế, tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức Sam Altman đã có lúc tuyên bố công ty đang tạm dừng đăng ký dịch vụ ChatGPT Plus trả phí vô thời hạn.

Theo quan điểm của Sam Altman, việc huy động tiền và tìm kiếm nguồn doanh thu bổ sung là điều cần thiết. Thế nhưng, một số thành viên hội đồng quản trị OpenAI cũ, có mối quan hệ với phong trào effective altruism (vị tha hiệu quả) hoài nghi về AI, đã xem điều này mâu thuẫn với những rủi ro do AI tiên tiến gây ra.

Nhiều người theo chủ nghĩa vị tha hiệu quả (phong trào triết học tìm cách quyên góp tiền để chống lại những rủi ro hiện hữu) đã tưởng tượng ra các kịch bản, trong đó hệ thống AI mạnh mẽ có thể được một nhóm khủng bố sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học.

Sơn Vân