Doanh nghiệp Việt sẵn sàng ‘lên mây’, cạnh tranh với big tech quốc tế
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:55, 22/11/2023
Chiều 22.11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm Internet Day 2023, Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) công bố Báo cáo toàn cảnh điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam 2023 (VNCDC Report 2023).
Thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu ở Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất ASEAN, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cả trong nước và nước ngoài.
Đại diện VNCDC khẳng định doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam đã làm chủ công nghệ, tốc độ tăng trưởng tốt, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các big tech quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu “lên mây” của doanh nghiệp trên lộ trình Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số quan trọng của ASEAN.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam tăng cao
Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và VNCDC đã thực hiện khảo sát thị trường trong nước, tập trung vào tốc độ phát triển về doanh thu và cơ cấu của từng loại hình dịch vụ.
Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam đã tăng cao, đặc biệt là trong năm 2022. Tuy nhiên, vào năm 2023, tăng trưởng của thị trường này đã chậm lại, phần lớn do sự suy thoái kinh tế dẫn tới áp lực cắt giảm, tối ưu chi phí. Mặc dù tăng trưởng ít, thị trường điện toán đám mây Việt Nam vẫn đạt mức tăng 24,2% trong năm 2023.
Tính theo cơ cấu về doanh thu, xét riêng các nhà cung cấp trong nước, thị trường vẫn nắm trong tay của một số “đại gia” công nghệ, như Viettel, VNPT, CMC, FPT… Những doanh nghiệp lớn này nắm giữ tới hơn 90% thị phần dịch vụ điện toán đám mây trong nước.
Về xu hướng phát triển của thị trường điện toán đám mây Việt Nam, theo phân tích của bộ phận soạn thảo báo cáo, từ nay đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây Việt Nam sẽ không có biến động lớn. Tốc độ phát triển kép thời kỳ 2023-2025 đạt từ 20 - 23%. Đến năm 2025, quy mô thị trường này của Việt Nam đạt khoảng 768 triệu USD.
Các doanh nghiệp DC trong nước không ngừng mở rộng hạ tầng
Trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, như VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Theo báo cáo, mặc dù quy mô toàn thị trường DC của Việt Nam đang mở rộng rất nhanh nhưng thị phần các nhà cung cấp trong nước chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Cộng tổng doanh thu của 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ DC hàng đầu Việt Nam cũng chỉ chiếm 17% (năm 2022) và 17,6% (năm 2023) quy mô toàn thị trường.
Các doanh nghiệp DC trong nước cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm và không ngừng mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó xiết chặt việc quản lý dữ liệu. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ yêu cầu nội địa hóa dữ liệu, đã khiến nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên toàn quốc được dự báo sẽ tăng vọt.
Trong báo cáo xây dựng Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ TT-TT có đặt ra mục tiêu 70% thị phần dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Đây là một chỉ tiêu rất thách thức cho các doanh nghiệp DC và điện toán đám mây trong nước. Việt Nam cần các chính sách cụ thể và khả thi hơn trong lĩnh vực DC và điện toán đám mây để có tác động đủ mạnh, tạo sức bật cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đủ sức cạnh tranh với nhiều big tech từ nước ngoài.