Nhân viên Amazon đình công, biểu tình khắp châu Âu đòi tăng lương dịp Black Friday

Thế giới số - Ngày đăng : 19:40, 24/11/2023

Các nhân viên Amazon đã đình công tại nhiều địa điểm trên khắp châu Âu vào Black Friday khi việc phản đối gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ ngày càng trở nên quyết liệt vào một trong những ngày mua sắm sôi động nhất năm.

Make Amazon Pay, chiến dịch do UNI Global Union điều phối, cho biết các cuộc đình công và biểu tình sẽ diễn ra ở hơn 30 quốc gia kể từ Black Friday (ngày thứ Sáu đầu tiên sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ) khi nhiều nhà bán lẻ giảm giá cho đến thứ Hai để tăng doanh số bán hàng.

UNI Global Union là một tổ chức liên minh công đoàn toàn cầu, đại diện cho người lao động từ nhiều ngành công nghiệp trên khắp thế giới. Tổ chức này tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi và điều kiện làm việc của nhân viên, đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội và kinh tế toàn cầu. UNI Global Union đã tham gia và hỗ trợ nhiều chiến dịch và hoạt động nhằm cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống của người lao động trên khắp thế giới.

Thường được biết đến với những đám đông xếp hàng tại các cửa hàng lớn ở Mỹ, Black Friday ngày càng chuyển sang trực tuyến và lan ra toàn cầu, một phần được thúc đẩy bởi Amazon, công ty quảng cáo giảm giá 10 ngày năm nay từ ngày 17.11 đến ngày 27.11.

Tại Đức, khoảng 250 nhân viên đã đình công tại một nhà kho của Amazon ở thành phố Leipzig và khoảng 500 nhân viên đình công tại một nhà kho của tập đoàn Mỹ ở thị trấn Rheinberg, công đoàn Verdi cho biết hôm 24.11. Đức là thị trường lớn thứ hai của Amazon về doanh số bán hàng vào năm ngoái.

Công đoàn Verdi nói một cuộc đình công kéo dài 24 giờ tại 5 trung tâm xử lý đơn hàng ở Đức đã bắt đầu từ nửa đêm 23.11 để đòi hỏi một thỏa thuận lương tập thể.

Người phát ngôn Amazon tại Đức cho biết nhân viên được trả lương công bằng, với mức lương khởi điểm hơn 14 euro (15,27 USD) một giờ và có các phúc lợi bổ sung. Người phát ngôn này nói rằng việc giao các đơn đặt hàng Black Friday sẽ đảm bảo đáng tin cậy và đúng hẹn.

nhan-vien-amazon-dinh-cong-bieu-tinh-khap-chau-au-doi-tang-luong-dip-black-friday.jpg
Nhiều người cầm biểu ngữ trong cuộc đình công Black Friday bên ngoài nhà kho của Amazon ở Coventry, ngày 24.11 - Ảnh: Reuters

Hơn 200 nhân viên đã đình công vào Black Friday tại nhà kho của Amazon ở thành phố Coventry (Anh) như một phần cuộc tranh chấp kéo dài về tiền lương.

Nick Henderson, một nhân viên tại nhà kho Coventry - nơi đóng vai trò là trung tâm hậu cần cho Amazon xử lý sản phẩm để gửi đến các kho khác, nói anh đang đình công để được trả lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Các nhân viên đình công đang hô vang yêu cầu tăng lương lên 15 bảng Anh (18,69 USD) một giờ.

Người phát ngôn Amazon ở Vương quốc Anh cho biết mức lương khởi điểm tối thiểu là từ 11,80 bảng đến 13 bảng một giờ tùy thuộc vào địa điểm và sẽ tăng lên 12,30 đến 13 bảng một giờ kể từ tháng 4.2024. Amazon nói cuộc đình công sẽ không gây ra sự gián đoạn.

Công đoàn CGIL của Ý kêu gọi đình công vào Black Friday tại nhà kho Castel San Giovanni. Trong khi công đoàn CCOO của Tây Ban Nha kêu gọi các nhân viên kho hàng và giao hàng của Amazon tổ chức đình công kéo dài một giờ cho mỗi ca vào Cyber Monday, ngày cuối cùng trong chuỗi 10 ngày giảm giá của Amazon.

Các hòm chuyển phát của Amazon (đặt tại các nhà ga, bãi đỗ siêu thị và góc đường, được nhiều khách hàng sử dụng để nhận đơn đặt hàng) cũng là mục tiêu của cuộc đình công.

Tại Pháp, tổ chức chống toàn cầu Attac đang khuyến khích những người hoạt động gắn poster và băng rôn trên các hòm này, có thể gây cản trở với việc mở chúng của các nhân viên giao hàng và khách hàng.

Attac gọi Black Friday là "lễ kỷ niệm sản xuất quá mức và tiêu thụ quá mức”, mong đợi cuộc đình công năm nay sẽ rộng lớn hơn so với 2022, khi ước tính có khoảng 100 hòm chuyển phát của Amazon tại Pháp bị nhắm đến.

Amazon vẫn phổ biến ở châu Âu ngay cả khi các đối thủ Trung Quốc như Shein và Temu có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Theo data.ai, ứng dụng của Amazon có 146 triệu người dùng hoạt động ở châu Âu vào tháng 10, so với 64 triệu của Shein và 51 triệu của Temu.

Năm ngoái, hàng ngàn nhân viên Amazon tại khoảng 40 quốc gia trên thế giới cũng đình công vào Black Friday (25.11) nhằm yêu cầu nhà bán lẻ trực tuyến này tăng lương cho người lao động.

Hàng ngàn nhân viên Amazon tại Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Phi và các nước châu Âu tạm dừng làm việc trong Black Friday. Đây cũng là một phần trong chiến dịch toàn cầu Make Amazon Pay, do UNI Global Union điều phối, yêu cầu ban lãnh đạo của tập đoàn này tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày một tăng.

Hồi tháng 7, Liên đoàn lao động GMB cho biết gần 900 nhân viên Amazon tại nhà kho ở Coventry đình công trong ba ngày từ 11 đến 13.7 vì tranh chấp tiền lương. Lịch đình công vô tình trùng với sự kiện ưu đãi định kỳ Amazon Prime Day, vốn sẽ diễn ra trong hai ngày 11 và 12.7.

Rachel Fagan, nhà tổ chức cấp cao của Liên đoàn lao động GMB cho biết cuộc đình công này sẽ kết thúc nếu phía doanh nghiệp thỏa thuận và điều chỉnh mức lương của công nhân thành 15 bảng một giờ, đồng thời gia tăng thêm các quyền lợi công đoàn khác.

Amazon xác nhận website Coventry không trực tiếp xử lý các đơn đặt hàng của khách và việc đình công sẽ không ảnh hưởng, gây gián đoạn cho quy trình mua sắm hay giao hàng xuyên suốt Prime Day.

Về chuyện này, Amazon tuyên bố: “Nhân viên của chúng tôi được quản lý hỗ trợ tận tình, được tham gia cuộc họp trực tiếp hàng ngày và được tiếp cận tới đội ngũ nhân sự. Chúng tôi đánh giá năng suất làm việc dựa trên độ an toàn, các kỳ vọng có thể đạt được, khả năng làm việc và ý thức tuân thủ quy định an toàn. Amazon tôn trọng quyền được tham gia vào công đoàn của nhân viên. Chúng tôi vô cùng tự hào về họ và những việc họ làm mỗi ngày. Chúng tôi đề cao việc tương tác với nhân viên và tôn trọng sự nghiệp của họ”.

Dường như những lời hứa và sự cam kết của Amazon chỉ để xoa dịu sự phẫn nộ từ người dân ở Anh, mà không thực sự được áp dụng cho nhân viên. Vì thế, những cuộc đình công không hồi kết là hệ quả tất yếu phải xảy ra.

Tháng 6, Liên đoàn lao động GMB cho biết nhân viên nhà kho Coventry đã bỏ phiếu ủng hộ đình công thêm 6 tháng. Trước đó, tình trạng này từng xảy ra và kéo dài từ 12 - 14.6.

Các cuộc đình công vài tháng gần đây có tỷ lệ diễn ra thường xuyên hơn tại một số ngành công nghiệp ở Anh. Những thành phần tham dự gồm y tá, giáo viên và công nhân vận tải, chủ yếu để đối phó với áp lực lạm phát.

Các nhân viên tàu điện ngầm ở London (thủ đô Anh) từng đình công từ 23 đến 28.7. Lý do là giữa nhân viên và công ty xảy ra tranh chấp kéo dài về lương hưu, cắt giảm việc làm và điều kiện làm việc.

Sơn Vân