Ông Putin: Phương Tây không thể độc quyền về AI, Nga sẽ sớm phê duyệt chiến lược AI
Thế giới số - Ngày đăng : 21:46, 24/11/2023
Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu về phát triển AI, điều mà nhiều nhà nghiên cứu và lãnh đạo toàn cầu cho rằng sẽ biến đổi thế giới và cách mạng hóa xã hội theo cách tương tự như sự ra đời của máy tính vào cuối thế kỷ 20.
Nga cũng có tham vọng trở thành cường quốc AI nhưng nỗ lực của họ đã bị cản trở do cuộc chiến ở Ukraine khiến nhiều nhà khoa học tài năng rời đất nước và gây ra các lệnh trừng phạt từ phương Tây, cản trở việc nhập khẩu công nghệ cao của nước này.
Phát biểu tại một hội nghị AI ở Moscow (thủ đô Nga) bên cạnh German Gref - Giám đốc điều hành Sberbank, ông Putin nói rằng việc cố gắng cấm AI là không thể, Reuters đưa tin. Tổng thống Nga cảnh báo rằng sẽ rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được nếu cho phép các nền tảng phương Tây giành độc quyền về công nghệ AI.
Sberbank là ngân hàng lớn nhất Nga.
“Trong tương lai rất gần, một trong những bước đầu tiên là sắc lệnh của tổng thống sẽ được ký kết và một phiên bản mới chiến lược quốc gia về phát triển AI sẽ được thông qua”, ông Putin nói tại hội nghị.
Tổng thống Nga cho biết chiến lược mới sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể, bao gồm cả "mở rộng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực generative AI và các mô hình ngôn ngữ lớn".
Ông Putin cho rằng Nga cần thực hiện những thay đổi về luật pháp và đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của AI.
Generative AI (AI tạo sinh) là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Mô hình ngôn ngữ lớn là một loại mô hình học sâu (deep learning) có khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên ở quy mô lớn. Đây thường là các kiến trúc mạng nơ-ron sâu được huấn luyện trên tập dữ liệu vô cùng lớn để hiểu cấu trúc ngôn ngữ và khả năng tương tác của nó. Các mô hình ngôn ngữ lớn thường chứa hàng triệu hoặc thậm chí tỉ tham số, có khả năng biểu diễn sự phức tạp và đa dạng của ngôn ngữ tự nhiên.
Một ví dụ nổi tiếng về mô hình ngôn ngữ lớn là GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT đã được huấn luyện trên các dữ liệu văn bản lớn và có khả năng tạo ra văn bản tự nhiên, dịch ngôn ngữ, thực hiện nhiều nhiệm vụ ngôn ngữ khác nhau.
Những mô hình này thường được sử dụng trong các ứng dụng như dịch ngôn ngữ tự nhiên, tạo văn bản, tổng hợp giọng nói và nhiều tác vụ ngôn ngữ tự nhiên khác. Tính khả dụng của mô hình ngôn ngữ lớn đã đóng góp đáng kể vào sự tiến triển của AI trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Hồi tháng 7, ông Putin nói AI quan trọng như nguyên tử, tên lửa thời Liên Xô.
Theo hãng tin Reuters, khi nói chuyện với Tổng thống Nga tại Điện Kremlin, Giám đốc điều hành German Gref của Sberbank cho biết tỉ lệ hoàn vốn đầu tư vào AI khoảng 200%.
Những tiến bộ về AI của các công ty như OpenAI (Mỹ), được hỗ trợ bởi Microsoft, đã kích thích sự lạc quan về những lợi ích tiềm năng cho doanh nghiệp và xã hội trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh trên, Nga phần lớn đang phải phát triển công nghệ một mình khi bị phương Tây xa lánh.
"Mỗi năm chúng tôi đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào công nghệ AI và chúng tôi nhận lại khoảng 3 tỉ USD từ nó", German Gref nói với ông Putin.
Đáp lại, Tổng thống Putin nói: "Quy mô này rất đáng kể. Đây chắc chắn là tương lai. Nếu nói về tầm quan trọng cho đất nước và với bất kỳ quốc gia nào, AI ngang tầm với các dự án nguyên tử hay tên lửa của Liên Xô vào giữa những năm 1940 và 1950".
Trong thời gian lãnh đạo Sberbank, German Gref đã giám sát các khoản đầu tư vào AI, dịch vụ đám mây, dữ liệu lớn và thiết bị thông minh. Ông là người làm thay đổi hình ảnh của ngân hàng lớn nhất Nga.
Song trong cuộc đối thoại với Tổng thống Putin, German Gref không nói rõ ngành nghề kinh doanh nào trong phân khúc AI đang tạo ra doanh thu cho Sberbank.
Sberbank cũng tiết lộ rất ít về hoạt động kinh doanh công nghệ đang phát triển của mình. Song, ngân hàng này đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm 22.11, ông Putin nói với các nhà lãnh đạo G20 rằng họ cần phải suy nghĩ về cách ngăn chặn “thảm kịch” của cuộc chiến ở Ukraine.
Theo ông Putin, một số nhà lãnh đạo các nước đã nói bị sốc trước hành động của Nga ở Ukraine.
"Các động thái quân sự luôn là thảm kịch. Tất nhiên, chúng ta nên nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này. Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine", ông Putin nói trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 do Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi chủ trì.
Theo hãng tin Reuters, những lời nói này là một trong những phát biểu ôn hòa nhất của ông Putin về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Giao tranh kéo dài hơn một năm giữa hai nước đã giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm ngàn người, khiến hàng triệu người phải di dời và tàn phá các khu vực rộng lớn ở phía nam và đông Ukraine.