Tập đoàn Trung Quốc sẽ xây đường hầm dưới biển nối Nga và Crimea?

Quốc tế - Ngày đăng : 12:10, 25/11/2023

Theo Washington Post, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thảo luận về dự án đường hầm dưới biển nối liền giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea.

Tờ Washington Post hôm 24.11 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ, các giám đốc điều hành doanh nghiệp Nga và Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc thảo luận bí mật về kế hoạch xây dựng một đường hầm dưới nước nối Nga với Crimea với hy vọng thiết lập một tuyến đường vận chuyển có thể được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ Ukraine.

a-voi-crimea-sau-khi-mot-chiec-xe-tai-phat-no-o-do-vao-ngay-8-thang-10-nam-2022.-ukraine-da-nhan-trach-nhiem-ve-vu-tan-cong..png
Khói bốc lên từ cầu Crimea sau khi một chiếc xe tải phát nổ vào ngày 8.10.2022 - Ảnh: AFP

Các cuộc thảo luận này thể hiện sự lo ngại ngày càng gia tăng của Nga về an ninh của cây cầu dài 17km bắc qua eo biển Kerch, nơi đóng vai trò là tuyến hậu cần quan trọng cho quân đội Nga nhưng liên tục là mục tiêu tấn công của phía Ukraine.

Động thái trên cho thấy quyết tâm của Nga trong việc duy trì sự kiểm soát đối với Crimea, bán đảo mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014 thông qua một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia kỹ thuật Mỹ cho rằng việc xây dựng một đường hầm dưới biển gần cây cầu Crimea sẽ gặp phải những trở ngại to lớn. Công trình này có thể tiêu tốn hàng tỉ USD và mất nhiều năm để hoàn thành.

Alexander Gabuev, chuyên gia về quan hệ Moscow - Bắc Kinh tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia cho biết Nga “đối mặt với nguy cơ Ukraine sẽ cố gắng phá vỡ cầu Kerch trong nhiều năm tới”. Do đó, Nga có lý do thực hiện một đường hầm dưới biển.

Dự án cũng sẽ gây ra rủi ro chính trị và tài chính cho Trung Quốc, quốc gia chưa chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimea. Các công ty hợp tác dự án cơ sở hạ tầng này có thể bị vướng vào các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lên Moscow.

Thông tin về việc hợp tác xây dựng đường hầm dưới biển ở Crimea được giới chức Ukraine thu thập qua email và cung cấp cho Washington Post với hy vọng cản trở sự tham gia tiềm tàng của Trung Quốc.

Một báo cáo ngày 4.10 của Ukraine mô tả Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) “sẵn sàng đảm bảo việc xây dựng các dự án đường sắt và đường bộ ở bất kỳ mức độ phức tạp nào ở khu vực Crimea”.

CRCC đã xây dựng nhiều mạng lưới đường bộ và đường sắt lớn nhất ở Trung Quốc. Tập đoàn này đã thiết lập mối quan hệ đáng kể với Nga trong những năm gần đây thông qua nhiều dự án, bao gồm mở rộng hệ thống tàu điện ngầm Moscow đã hoàn thành vào năm 2021.

Ukraine trước đó nhiều lần tuyên bố việc khôi phục hiện trạng Crimea là một trong những mục tiêu chiến tranh chính và đang trong giai đoạn phản công nhằm cắt đứt các tuyến hậu cần của Nga tới bán đảo này.

Một quan chức Mỹ liên quan đến chính sách trừng phạt cho biết: “Dự án có vẻ như là một mục tiêu khá dễ dàng để người Ukraine phá hủy”.

Giới chuyên gia về các dự án giao thông vận tải quốc tế lớn cho rằng việc xây dựng đường hầm bên dưới eo biển Kerch là khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, họ cho biết đây sẽ là một công trình khổng lồ, có quy mô tương đương với một đường hầm giữa Đan Mạch và Đức đang được xây dựng với chi phí khoảng 8,7 tỉ USD, dự kiến hoàn thành trong 8 năm.

Các nhà quan sát nhận định khó có khả năng đường hầm Kerch được hoàn thành kịp thời để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine, nhưng Moscow có thể coi đây là một khoản đầu tư dài hạn - nhằm cung cấp một liên kết an toàn tới vùng lãnh thổ tranh chấp.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, việc xây dựng dưới lòng đất có thể tiêu tốn hàng nghìn nhân lực cùng các thiết bị đắt tiền. Các công trường xây dựng rộng lớn rất có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa Ukraine.

Hoàng Vũ (theo Washington Post)