Khí tài Nga tại triển lãm hàng không Dubai
Quốc tế - Ngày đăng : 14:25, 25/11/2023
Triển lãm hàng không Dubai diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Hai công ty quốc phòng IAI và Rafael của Israel vắng mặt, nhưng sự kiện cũng có sự góp mặt bất ngờ của Nga. Người xem có cơ hội tận mắt nhìn thấy máy bay quân sự, tên lửa cùng mô hình tàu vũ trụ mà Nga sở hữu.
Khác với các kỳ trước, năm nay gian hàng công ty quốc phòng Nga không nằm ở khu trưng bày chính cùng gian hàng công ty các nước khác mà lại ở một khu vực riêng nằm gần cuối trung tâm triển lãm.
Công ty NPO Energomash đem đến triển lãm mô hình tên lửa đẩy Angara cùng động cơ mà nó sử dụng. Đầu năm 2022, một vụ phóng thử nghiệm Angara A5 kết thúc trong thất bại, một phần tên lửa rơi mất kiểm soát xuống Thái Bình Dương.
Phi đội Russian Knights sử dụng chiến đấu cơ Su-30 cũng bay trình diễn tại sự kiện bên cạnh Tejas của Ấn Độ, JF-17 của Pakistan và F-16 của Mỹ.
Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) có một gian hàng nổi bật nằm cạnh cơ quan vũ trụ nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và hãng Boeing. Đến với triển lãm người xem có thể thấy mô hình vệ tinh thời tiết Elektro-L tỷ lệ 1:5.
Công ty Russian Helicopters trưng bày trực thăng đa năng hạng nặng Ka-32A phiên bản phục vụ công tác cứu hỏa. Các phiên bản khác có thể dùng cho cảnh sát hoặc quân đội.
Mi-171A3 - một trong số trực thăng được cả Nga lẫn Ukraine sử dụng - cũng góp mặt. Đôi lúc máy bay được trang bị súng nhưng quân đội cũng sử dụng chúng cho nhiệm vụ vận chuyển.
Phía Nga còn đem đến triển lãm trực thăng tấn công Ka-52 trang bị tên lửa chống tăng cùng súng máy tự động 30mm. Đây là trực thăng tấn công được Moscow dùng cho cuộc chiến Ukraine nhiều nhất. Máy bay vận chuyển Il-76MD90A cũng lần đầu góp mặt tại một triển lãm quốc tế.
Về đạn dược, tên lửa tầm ngắn RVV-MD2 lần đầu tiên ra mắt công chúng quốc tế. Đây là tên lửa không đối không chuyên dùng cho chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Su-57. Ngoài ra còn có sự hiện diện của tên lửa không đối không tầm xa siêu thanh RVV-BD cùng tên lửa hành trình tàng hình Kh-69.