Tranh khỏa thân ’50 sắc sắc’: Tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ

Văn hóa - Ngày đăng : 15:38, 25/11/2023

Bộ sưu tập (BST) tranh khỏa thân (nude) của nhà sưu tập Nguyễn Thanh Huyền sẽ có mặt ở triển lãm “50 sắc sắc" được khai mạc vào ngày 25.11 tại TP.HCM.

“50 sắc sắc” là BST gồm 50 bức tranh khỏa thân thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Thanh Huyền (Huyen Art House). 50 bức tranh này của các họa sĩ ở các thế hệ như: Lưu Công Nhân, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Ngô Minh Cầu đến Trần Lưu Hậu, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Trung Quân, Bùi Tiến Tuấn... đang là chủ đề thu hút sự quan tâm trong giới mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật.

403603756_10227087010895374_4324771797279822933_n.jpg
Tác phẩm “Giấc mơ - Young Dreamer” của cố họa sĩ Bửu Chỉ trong BST của Huyen Art House

Điều thú vị là BST tranh nude này có một số tác phẩm chưa tìm ra được tác giả vì đã qua tay rất nhiều nhà sưu tập rồi mới đến với Huyen Art House.

Giám tuyển Lý Đợi cho biết: "Khi nhận lời làm giám tuyển “50 sắc sắc”, tôi gặp một số bức tranh chưa xác định được tên tác giả. Ví dụ như bức tranh lụa (hình dưới) được mua từ Trần Trọng Linh, nhưng chắc không phải tranh của họa sĩ này vì tên tác giả bị xóa mất. Trong cương vị giám tuyển, tôi nghĩ nên treo cho cộng đồng hội họa để xem ai biết tung tích bức tranh thì sẽ trợ giúp thông tin... Vậy mà sau một thời gian khá ngắn chúng tôi đã biết tác giả của bức tranh là họa sĩ Nguyễn Hoàng Minh. Họa sĩ cũng rất sẵn lòng làm giấy chứng nhận cho nhà sưu tập". 

404045893_10228920133361934_8259853978765276385_n.jpg
Tranh khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Hoàng Minh

BST của Nguyễn Thanh Huyền hiện nay dù chưa thật đồ sộ, còn thiếu các tác phẩm quan trọng trong dòng tranh khỏa thân của Việt Nam và vẫn chưa có nhiều tác phẩm độc lạ, hoặc thật đắt tiền. Nhưng qua những gì Huyền đang có cho thấy đây là một nhà sưu tập đang đi đúng hướng.

Khi hỏi về lý do sưu tập tranh nude, Huyền chia sẻ: "Tôi vốn yêu quý và đồng cảm với thân phận phụ nữ, luôn ưu tiên phụ nữ nên yêu những thứ thuộc về họ. Những tư tưởng ràng buộc trong văn hóa Á Đông đã khiến họ bị hạn chế thể hiện bản thân. Từ sâu thẳm bên trong, tôi thấy mình có chút tính cách nổi loạn nên rất muốn làm điều gì đó khác đối với phụ nữ. Thêm nữa, tôi cũng là người lãng mạn, yêu cái đẹp nên riêng về tranh nghệ thuật thì chỉ có tranh nude mới làm tôi thấy được là chính mình...". 

405527338_10224243038689246_5136904789898349630_n.jpg
Một bức tranh nude của họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang được trưng bày tại "50 sắc sắc" 

Nguyễn Thanh Huyền là nhà sưu tập còn rất non trẻ, thuộc thế hệ thứ 6 của lịch sử sưu tập Việt Nam. Bức tranh nude đầu tiên mà chị sưu tập là của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm, mua ngày 28.7.2019 tại một triển lãm nhóm do các họa sĩ phía Bắc tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Dù chỉ mới chỉ vài năm thôi nhưng những gì Huyen Art House đang sở hữu có lẽ sẽ làm nhiều người bất ngờ.

Theo giám tuyển Lý Đợi, tranh nude ra đời tại Việt Nam ngay từ khi có nền mỹ thuật hiện đại, nhưng vai trò và địa vị của nó vẫn bị lung lay do có nhiều định kiến của xã hội. Vì vậy, việc sưu tập riêng tranh nude, không chỉ bày tỏ một định hướng thẩm mỹ, mà còn là một thái độ “phù suy, chứ không phù thịnh”. Hơn nữa, chọn tranh nude để sưu tập là một hướng đi rất riêng biệt ít bị cạnh tranh trong môi trường mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay. Điều đó cũng cho thấy góc nhìn và thẩm mỹ của Huyen Art House có chất lượng và đầy cá cá tính.

Video không gian triển lãm "50 sắc sắc" (Trà Cù Lủ thực hiện)

Xác định đây không phải là “50 sắc thái” nóng bỏng cuồng nhiệt mà lại là “50 sắc sắc” diễn tả sự hiện hữu có thật của con người, của da thịt, trong những “sắc không” của muôn trùng vũ trụ. Phải chăng cũng có thể gọi là “50 sắc uẩn” mênh mông những gì chúng ta có thể nắm bắt, chạm đụng, mơn trớn? Và người họa sĩ có hay không thể lược bỏ tính dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân?

Bỏ tính nhục dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân là điều bất khả thi, nhưng vượt lên trên hết là cái đẹp thiêng liêng đem đến cho người xem tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng, hoan lạc. Mỗi người đều mang trong mình những ý niệm riêng, sẽ tự có cảm nhận và đánh giá, và đối với tranh khỏa thân, chúng ta hoàn toàn không có cách hiểu nào là đúng hay sai. Quan trọng là tác phẩm gợi mở nơi người xem một thế giới mộng tưởng, có khi si mê cuồng vọng, đôi lúc như một lời mời gọi “Hãy ngồi xuống đây. Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng. Dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng, kiếp sống hoang sơ…” (Lê Uyên Phương).

Ngô Kim Khôi - Nhà nghiên cứu mỹ thuật

Tiểu Vũ