TP.HCM điều chỉnh quy hoạch để phù hợp hơn với tầm vóc 1 siêu đô thị

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:37, 25/11/2023

Ngày 25.11, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị báo cáo kỳ 2 về điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, phát triển đô thị cùng các nhà quản lý.

Phát biểu định hướng hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, báo cáo kỳ này phải chỉ được điểm mới, giá trị mới của điều chỉnh quy hoạch chung. Quy hoạch cần kiến tạo không gian mới, động lực mới, và phải có tính khả thi, hướng tới thực hiện các mục tiêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM không chỉ kết nối giao thông, logistics mà phải khẳng định bằng sức mạnh mềm, vai trò dẫn đầu, cạnh tranh tầm quốc tế, khu vực. Như vậy, điều chỉnh quy hoạch chung lần này không chỉ thiết kế phần cứng mà có cơ chế, phần mềm để phát triển thành phố, khẳng định vai trò của TP.HCM. Cần hướng tới trở thành Trung tâm tri thức, trung tâm sáng tạo.

sdt.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, quy hoạch cần kiến tạo không gian mới, động lực mới, và phải có tính khả thi-Ảnh: Internet

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đề cập cần làm rõ việc phát triển đô thị đa trung tâm; hạ tầng giao thông kết nối tới khu đô thị Cần Giờ; phát triển không gian ngầm; kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; hệ thống cấp thoát nước…

Báo cáo kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý điều chỉnh quy hoạch tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch TP.HCM lần này, có thiết lập hệ thống các trung tâm đô thị đa chức năng, kết nối bởi giao thông công cộng.

Song song đó, xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ, nơi quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông lao động; tăng mật độ dân số và xây dựng hạ tầng xã hội cấp vùng tại cửa ngõ có các nhà ga thuộc hệ thống đường sắt liên vùng; xây dựng một số khu đô thị hiện đại, văn hóa, thân thiện môi trường, sáng tạo để thu hút lực lượng lao động trình độ cao (tạo cơ sở cho việc xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM).

Theo đơn vị tư vấn, hiện tại, TP.HCM có 5 khu vực có sẵn sự tập trung của doanh nhân và lực lượng lao động trình độ cao, có thể phát triển đặc biệt nhằm thu hút thêm các đối tượng chiến lược này, đó là: khu vực quận 1 và quận 3; khu vực Thủ Thiêm; khu vực Thảo Điền - Thanh Đa - Trường Thọ (TP.Thủ Đức); khu vực Phú Mỹ Hưng mở rộng xuống vùng đầm lầy phía Nam; khu vực Chợ Lớn. Do đó, sẽ ưu tiên chuyển đổi các quỹ đất thành đất đô thị để nhanh chóng gia tăng không gian phát triển cho thành phố.

Thiết kế đô thị nên dựa trên bản sắc sinh thái đặc trưng của 7 khu vực tiêu biểu của thành phố nhằm đảm bảo sự liên tục của các chức năng sinh thái trong không gian đô thị, tạo ra những trải nghiệm đô thị mới, độc đáo để phục vụ người dân và thu hút du khách. 7 loại hình định cư đặc trưng chủ yếu ở TP.HCM gồm: đô thị lịch sử, đô thị tự phát, đô thị ven sông, đô thị vùng ngập nước, đô thị kênh đào, đô thị nông nghiệp, đô thị biển.

Ngoài ra, TP cũng tạo những loại hình phát triển mới có quy mô nhỏ nhưng có tính thử nghiệm và tính đột phá cao để quảng bá, tạo điểm nhấn khác biệt cho TP.HCM cũng như để đúc rút kinh nghiệm cho việc phát triển với quy mô lớn hơn trong tương lai khi nhu cầu gia tăng.

Sau khi nghe các đơn vị tư vấn trình bày về các chiến lược điều chỉnh quy hoạch thành phố như: Chiến lược Phát triển hệ thống Đô thị đa trung tâm, Chiến lược phát triển kinh tế biển với Logistics Liên kết vùng, chiến lược Quy hoạch khu đô thị TOD theo tư duy Kinh tế thị trường, Chiến lược Quy hoạch kết nối Khu trung tâm và kết nối Không gian ngầm…, các chuyên gia đã góp ý để công tác điều chỉnh quy hoạch thành phố để phù hợp hơn với tầm vóc 1 siêu đô thị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia với nhiều nét mới. Những ý kiến mới mà đồ án chưa nghiên cứu đầy đủ sẽ được thành phố tiếp thu và hoàn thiện. TP.HCM mong các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu giúp TP hoàn thiện đề án quy hoạch chung.

Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết cố gắng đảm bảo tiến độ, hoàn thiện đồ án quy hoạch trên tinh thần tiếp thu các ý kiến góp ý và chuẩn bị hồ sơ để báo cáo cuối kỳ cho Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, HĐND TP.HCM dự kiến vào cuối tháng 12 tới. Qua hội nghị này, TP.HCM cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Xây dựng, dự kiến trong tháng 1.2024. Về phía UBND TP.HCM, sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ.

Tú Viên