Nhà máy năng lượng mặt trời đơn lẻ lớn nhất thế giới ra mắt trước Cop28

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:30, 26/11/2023

Nhà máy năng lượng mặt trời Al Dhafra ra mắt trước khi Cop28 (hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 28) diễn ra tại Dubai (UAE) cuối tháng 11 này, có thể tạo ra điện cho 200.000 ngôi nhà.

Dự án thuộc sở hữu của bởi Abu Dhabi National Energy Co và Abu Dhabi Future Energy Co thuộc nhà nước UAE, EDF Renewables (Pháp) và Jinko Power (Trung Quốc). Abu Dhabi National Energy Co nắm giữ 40% cổ phần của dự án, trong khi Abu Dhabi Future Energy Co, EDF Renewables và JinkoPower mỗi bên nắm giữ 20% cổ phần. 

Đây là một dự án hàng đầu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Theo nhà thầu chính là China National Machinery Industry Corporation (Trung Quốc), nhà máy năng lượng mặt trời Al Dhafra có công suất 2 gigawatt, bao phủ 20 km2 sa mạc bên ngoài Abu Dhabi (thủ đô UAE) và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 200.000 hộ gia đình.

Trong giai đoạn xây dựng, dự án đã tạo ra 4.500 việc làm.

China National Machinery Industry Corporation cho biết nhà máy này dự kiến sẽ giúp Abu Dhabi giảm lượng khí thải carbon 2,4 triệu tấn mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ hơn nửa triệu ô tô khỏi đường, và đưa tỷ lệ năng lượng sạch lên trên 13% trong tổng tiêu thụ năng lượng của UAE.

Đến giữa tháng 11, nhà máy năng lượng mặt trời Al Dhafra đã sản xuất được 3,6 tỉ kilowatt giờ điện sạch trước khi được khánh thành chính thức.

“Khi UAE chuẩn bị đăng cai tổ chức Cop28, dự án tiên phong này phản ánh cam kết liên tục của quốc gia Trung Đông trong việc tăng tỉ trọng năng lượng sạch, giảm lượng khí thải carbon và hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu về hành động vì khí hậu”, Sheikh Hazza bin Zayed Al Nahyan, Phó quốc vương Abu Dhabi, cho biết.

Sheikh Hazza bin Zayed Al Nahyan cũng bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao với “công việc đạt tiêu chuẩn cao, chất lượng cao” của nhà thầu, China National Machinery Industry Corporation cho biết trên tài khoản WeChat chính thức.

Nhà máy này nằm cách thành phố Abu Dhabi 35 km, bao gồm 4 triệu tấm pin mặt trời của hãng JinkoPower có thể thu ánh sáng mặt trời ở cả hai phía, theo China National Machinery Industry Corporation - công ty chịu trách nhiệm thiết kế, kỹ thuật dân dụng, cung cấp thiết bị, lắp đặt và vận hành.

China National Machinery Industry Corporation cũng cung cấp hai năm vận hành và bảo dưỡng nhà máy.

Theo truyền thông Trung Quốc, hợp đồng xây dựng có thời hạn 3 năm đã được ký vào tháng 10.2020, với việc đội ngũ phải chiến đấu trong đại dịch COVID-19 và những hạn chế sau đó ở chuỗi cung ứng để hoàn thành dự án đúng thời hạn.

“Trung Quốc đã sử dụng các thành phần pin mặt trời tiên tiến nhất cũng như các khái niệm thiết kế và xây dựng mới nhất để xây dựng nhà máy này”, Che Mingan, người quản lý trực tiếp dự án, nói.

Làm việc với hơn 5.000 đồng nghiệp từ 19 quốc gia ở sa mạc Abu Dhabi kể từ năm 2020, Che Mingan cho biết: “Từ mô đun quang điện đến khung theo dõi và robot làm sạch, dự án sử dụng các sản phẩm và công nghệ Trung Quốc”.

Theo Che Mingan, nhà máy năng lượng mặt trời Al Dhafra đã hoạt động hết công suất kể từ tháng 4. Ông nói: “Điều quan trọng là UAE phải đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong khu vực và phát triển bền vững”.

nha-may-dien-mat-troi-don-le-lon-nhat-the-gioi-ra-mat-truoc-cop28.jpg
Nhà máy năng lượng mặt trời Al Dhafra do công ty Trung Quốc xây dựng ở ngoại ô Abu Dhabi đã sản xuất được 3,6 tỉ kilowatt giờ điện sạch kể từ khi bắt đầu hoạt động hết công suất vào tháng 4 - Ảnh: AFP

Dự án trên được đặt hàng bởi Emirates Water and Electricity Co thuộc sở hữu nhà nước UAE. Giá thấp nhất tính đến thời điểm đấu thầu là 13,5 USD cho mỗi MWh năng lượng mặt trời, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 13,2 USD cho mỗi MWh.

UAE đang đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về tiêu thụ năng lượng mặt trời theo đầu người, theo dữ liệu từ Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới, được xuất bản bởi Viện Năng lượng.

Tuy nhiên, công ty dầu mỏ quốc doanh ADNOC do nhà nước UAE sở hữu đang kế hoạch tăng sản xuất dầu thô từ mức 3 triệu thùng mỗi ngày hiện tại lên 5 triệu vào năm 2027.

Vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguồn lợi chính của Vịnh Ba Tư, để giảm lượng khí thải dự kiến sẽ là một vấn đề chính tại cuộc họp Cop28 tại Dubai, bắt đầu vào ngày 30.11.

Nhà máy năng lượng mặt trời Al Dhafra là ví dụ mới nhất về cách Trung Quốc giúp các nước trong khu vực vành đai và con đường đạt được tham vọng năng lượng sạch của họ.

Theo trang SCMP, Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển xanh với hơn 30 quốc gia trong chương trình cơ sở hạ tầng vành đai và con đường. Trong số đó có giai đoạn K-2 và K-3 của nhà máy điện hạt nhân Karachi (Pakistan), do China National Nuclear Corporation, sử dụng công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba của nước này.

Báo cáo cho biết nhà máy Karachi đã tạo ra gần 20 tỉ kilowatt giờ điện sạch để đáp ứng nhu cầu hàng năm của 2 triệu người ở Pakistan.

Sơn Vân