Hãng ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc: AI, robot thay thế 30% lực lượng lao động vào 2027

Thế giới số - Ngày đăng : 11:01, 27/11/2023

Nio, một trong ba nhà sản xuất ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc, đặt mục tiêu giảm 1/3 lực lượng lao động vào năm 2027 khi thay thế họ bằng AI và robot.

Đầu tháng 11 này, Nio cho biết đã cắt giảm 10% lực lượng lao động để tăng hiệu quả và duy trì tính cạnh tranh.

Hãng sản xuất ô tô có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đang tích cực theo đuổi mức độ tự động hóa cao hơn trong quá trình sản xuất và cũng dự định giảm 50% vị trí quản lý khi áp dụng nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hơn tại các nhà máy của mình, theo Ji Huaqiang - Phó chủ tịch phụ trách quản lý, vận chuyển và sản xuất của Nio.

Ông cho biết: “Chúng tôi muốn sử dụng công nghệ AI để giảm phần lớn sự phụ thuộc vào công nhân và kỹ thuật viên lành nghề, từ đó tiết kiệm nhiều chi phí lao động hơn. Nếu 80% quyết định của chúng tôi trong sản xuất có thể được thực hiện bởi AI, điều đó sẽ cho phép chúng tôi giảm 50% vị trí quản lý vào năm 2025”.

hang-o-to-dien-cao-cap-hang-dau-trung-quoc-ai-robot-thay-the-30-luc-luong-lao-dong-vao-2027.jpg
Nio đặt mục tiêu giảm chi phí sản xuất bằng cách sử dụng nhiều robot hơn trong việc lắp ráp ô tô - Ảnh: Nio

Nio nói robot công nghiệp có thể giúp công ty cắt giảm 30% việc sử dụng công nhân trên dây chuyền sản xuất từ năm 2025 đến 2027.

Theo dữ liệu từ trang web đăng ký doanh nghiệp Qichacha, Nio có lực lượng lao động khoảng 7.000 người vào cuối năm 2022.

Ji Huaqiang nói Nio hình dung ra sự tự động hóa hoàn toàn hoặc một hệ thống không cần lao động tại các cơ sở sản xuất của mình trong tương lai, dựa vào công nghệ robot và AI tiên tiến. Tuy nhiên, ông thừa nhận rất khó để đưa ra khung thời gian chính xác.

Các nhà sản xuất ô tô điện lớn đang chịu áp lực phải giảm lỗ trong bối cảnh cạnh tranh leo thang ở Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới. Với 200 hãng ô tô điện đang cạnh tranh nhau ở Trung Quốc, mối lo ngại đang gia tăng về tình trạng dư thừa nghiêm trọng.

Nio vẫn chưa tạo ra lợi nhuận kể từ khi thành lập vào năm 2014, nhưng họ cùng với Xpeng và Li Auto (hai hãng ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc khác) phải đối mặt với đối thủ mới như Xiaomi (hãng smartphone nổi tiếng) và Baidu (gã khổng lồ công cụ tìm kiếm internet), đang thu hút những tài xế giàu có.

Nio đã giao 126.067 ô tô điện trong 10 tháng đầu năm 2023, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Qin Lihong - Chủ tịch Nio cho biết trong một bài phát biểu tại Triển lãm ô tô Quảng Châu rằng mức tăng trưởng doanh số 40% hàng năm không đủ nhanh để phản ánh sức mạnh thiết kế và sản xuất của công ty.

Nio vận hành hai nhà máy, đều ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc. Nhà máy đầu tiên có công suất sản xuất hàng năm là 150.000 chiếc ô tô điện trong một ca, còn nhà máy thứ hai có khả năng sản xuất 300.000 xe mỗi năm, cũng chỉ trong một ca. Một ca thường cần 1.000 nhân viên.

Chen Jinzhu, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service, nói: “Nio đã có năng lực sản xuất lớn và kỹ thuật sản xuất của họ đủ tiên tiến để hỗ trợ sự tăng trưởng cao. Công ty cần thiết kế và sản xuất nhiều ô tô điện hơn để có thể thu hút nhiều tài xế Trung Quốc hơn nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng”.

Tại nhà máy thứ hai của Nio gần sân bay quốc tế Tân Kiều Hợp Phì, 756 robot được sử dụng để đạt mức tự động hóa 100% ở một trong các quy trình sản xuất.

Ji Huaqiang cho biết Nio đặt mục tiêu biến nơi đây trở thành nhà máy thông minh nhất thế giới với thiết bị tiên tiến, quy trình linh hoạt và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả.

Xpeng (có trụ sở tại thành phố Quảng Châu), đối thủ của Nio, cho biết vào tháng 4 rằng sẽ tinh chỉnh thiết kế và nâng cao hiệu quả vào năm tới, với hy vọng cắt giảm chi phí 25% để duy trì ưu thế trong cạnh tranh.

Brian Gu, Chủ tịch Xpeng, cho biết chương trình thúc đẩy hiệu quả và cắt giảm chi phí sẽ giúp Xpeng (hiện chưa có lãi) trên con đường tạo ra dòng tiền dương vào năm 2025.

Trung Quốc báo cáo doanh số bán ô tô điện kỷ lục vào tháng 10, Nio, Li Auto và Xpeng đều tăng

Theo công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, doanh số bán ô tô điện đang tiếp tục tăng mạnh trên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc báo cáo doanh số bán ô tô điện hàng tháng kỷ lục vào tháng 10 bất chấp việc chấm dứt trợ cấp.

Trung Quốc đã chấm dứt chương trình trợ cấp kéo dài 11 năm cho việc mua ô tô điện vào năm 2022, nhưng một số chính quyền địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ hoặc giảm thuế để thu hút đầu tư cũng như trợ cấp cho người tiêu dùng.

Doanh số bán ô tô điện tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đã tăng 29% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường ô tô điện toàn cầu cho thấy mức tăng trưởng doanh số 34% trong tháng 10.

Theo Rho Motion, Trung Quốc đang bước vào hai tháng cuối năm, thời kỳ thường là cao điểm cho việc bán ô tô.

Công ty nghiên cứu thị trường này cho hay: “Điều đáng chú ý về số liệu tháng 10 là nhu cầu ô tô điện ở Trung Quốc tiếp tục đạt mức cao kỷ lục dù trợ cấp đã bị cắt… 2023 được coi là một năm biểu tượng khác với Trung Quốc về doanh số bán ô tô điện”.

Theo Rho Motion, doanh số bán ô tô điện tăng 26% trong tháng 10 tại các thị trường châu Âu dù việc cắt giảm trợ cấp ảnh hưởng đến nhu cầu, như đã thấy ở Đức, nơi chương trình hỗ trợ của doanh nghiệp bị hủy bỏ vào tháng 9.

Rho Motion cho biết: “Trợ cấp là một yếu tố quan trọng tại thị trường Đức vì gần 2/3 số lần đăng ký ô tô là cho mục đích thương mại”.

Tesla, Mercedes Benz, Volkswagen đã cảnh báo lãi suất cao và thị trường trầm lắng trong khu vực châu Âu đang làm giảm sức hút với khách hàng.

Trong khi doanh số bán ô tô điện ở Bắc Mỹ đã tăng 78% trong năm nay.

Rho Motion cho biết: “Thị trường Bắc Mỹ tiếp tục có một năm 2023 phát triển mạnh mẽ, trong đó Tesla vẫn chiếm thị phần lớn về nhu cầu khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống kiềm chế tham vọng mở rộng quy mô sản xuất”.

Song theo báo cáo từ công ty Cox Automotive vào tháng 10, thị phần của Tesla đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khoảng 50% vào quý 3/2023 dù giảm giá trước đó.

Li Auto, Xpeng và Nio đã báo cáo doanh số bán ô tô điện tăng ở Trung Quốc vào tháng 10 nhờ các mẫu xe mới hiệu suất cao của họ.

Li Auto (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh) đã phá kỷ lục của chính mình tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 10, giao 40.422 ô tô điện, cao hơn 12,1% so với tháng 9.

Xpeng đã giao 20.002 chiếc ô tô điện trong tháng 10, tăng 30,7% so với tháng 9, đánh bại kỷ lục trước đó là 16.000 chiếc được thiết lập vào tháng 12.2021.

Nio cho biết doanh số bán ô tô điện trong tháng 10 đã tăng 2,8% so với tháng 9 lên 16.074 chiếc. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 21,4% so với mức cao kỷ lục của Nio là 20.462 chiếc trong tháng 7.

Tesla đã dẫn đầu trong phân khúc ô tô điện cao cấp của Trung Quốc kể từ khi nhà máy ở Thượng Hải, cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty trên toàn thế giới, bắt đầu giao xe vào tháng 1.2020. Hiện Tesla chỉ sản xuất Model 3 và Model Y tại đây.

Tesla bắt đầu bán các phiên bản cải tiến của Model 3 được sản xuất ở Thượng Hải vào ngày 19.10, giao lô đầu tiên cho khách hàng Trung Quốc một tuần sau đó.

Theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc (CPCA), công ty của Elon Musk đã giao 378.800 ô tô điện tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 10.2023, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

CPCA dự đoán ngành công nghiệp ô tô điện của nước này sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 50% hàng năm vào năm 2023, cung cấp tổng cộng 8,5 triệu chiếc cho khách hàng Trung Quốc.

Sơn Vân