Thông qua Luật Nhà ở với nhiều nội dung quan trọng
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:25, 27/11/2023
Quản lý chung cư mini ra sao?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đại biểu nói quy định tại Điều 57 về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (chung cư mini) là quá chặt chẽ, khó khả thi.
Các ý kiến này đề nghị quy định theo hướng Nhà nước quản lý, kiểm soát theo quy hoạch, cấp phép xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy hoặc luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng thực tế phát triển chung cư mini vừa qua tại nhiều địa phương bị buông lỏng, không xử lý kịp thời các sai phạm. Việc này dẫn tới hệ lụy về nguy cơ cháy, nổ, cũng như gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.
Để khắc phục tồn tại, sau tiếp thu ý kiến, các đại biểu đưa ra quy định siết quản lý về đầu tư, xây chung cư mini, nhưng vẫn có các điều khoản đảm bảo nhu cầu, nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp.
Cụ thể, cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có các căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (sổ hồng) sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, việc đầu tư chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Khu nhà phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh được phân cấp quy định về đường giao thông, đảm bảo phương tiện chữa cháy có thể chữa cháy tại nơi có chung cư mini. Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Nguồn vốn nào để Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội?
Về quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản dự án.
Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao tổng liên đoàn đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.
UBTVQH tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổng liên đoàn trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động...
Dự thảo luật quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nguồn tài chính công đoàn; giới hạn phạm vi thực hiện (tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, không đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân) để nâng cao tính khả thi.
Chưa bổ sung quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, UBTVQH nhận thấy quy định này là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào các Điều 94, 95 của dự thảo luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp…
Ngoài ra, giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.
Do Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trong khi Luật Nhà ở đã bổ sung dự án nhà lưu trú công nhân, để tránh cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, UBTVQH bổ sung khoản 3 Điều 95 của dự thảo luật về việc “dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư…”.
Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.
Lý do là để tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; tránh gây xung đột với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư; tập trung đầu tư, tạo thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ngoài khu công nghiệp…