Muốn giảm dạy thêm, trước hết phải giảm nhu cầu học thêm và bệnh thành tích

Giáo dục - Ngày đăng : 12:20, 27/11/2023

Hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm rất được xã hội quan tâm, nhìn nhận, đánh giá, cả mặt tích cực và tiêu cực.

Việc dạy thêm, học thêm tại các trường lâu nay nhiều người xem như là việc hết sức bình thường, tuy nhiên từ đó đã nảy sinh nhiều vấn đề, chẳng hạn lạm dụng dạy thêm để gây ra nhiều áp lực khác cho học sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc dạy thêm, học thêm giúp các học sinh yếu kém theo kịp tốc độ học của các bạn khác trong lớp, nâng cao được trình độ hiểu biết. Việc học thêm, bổ sung kiến thức còn là phương án thích hợp để học sinh sử dụng được thời gian nhàn rỗi sau giờ học, rèn luyện năng lực tốt hơn. Ngoài ra, việc học thêm của chính học sinh cũng xuất phát từ chính nhu cầu của gia đình, mong muốn và tin tưởng thầy cô hỗ trợ cho con em mình tiến bộ hơn trong học tập vì bố mẹ không có thời gian trợ giúp con sau những giờ ở lớp.

sgk-9.jpg
Một tiết học tại trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội

Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc dạy thêm, học thêm lại trở thành vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục khi liên tục có các ý kiến rằng các thầy cô giáo, các trường đã lợi dụng việc này để trục lợi. Trên thực tế, có không ít thầy cô giáo đã ép các học sinh dù không muốn học thêm hay không có điều kiện cũng phải đăng ký đi học thêm dù chính học sinh hay gia đình không có nhu cầu.

Thậm chí có những giáo viên đã cắt xén chương trình ngoại khóa, không làm hết trách nhiệm của bản thân trong giờ học chính khóa, để sau đó có thể dạy thêm; phân biệt đối xử với học sinh đi học và không đi học thêm ở lớp mình dạy. Cá biệt có những trường hợp giáo viên trù dập khiến học sinh và gia đình phải tham gia vào hoạt động này một cách miễn cưỡng. Một khía cạnh tiêu cực khác từ phía nhà giáo, đó là việc lạm thu trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Thế Lực có con đang theo học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn Q.Cầu Giấy, Hà Nội cho biết gia đình anh có 3 người con. Cháu nhỏ nhất đang học lớp 4 trường tiểu học cạnh nhà, dù mới là chương trình tiểu học nhưng cháu cũng phải liên tục đi học thêm tại nhà cô giáo đều đặn 1 tuần 3 buổi.

"Con đầu của tôi học lớp 9, nếu cháu học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp THPT thì tôi chấp nhận, nhưng cháu học tiểu học và lớp 6 THCS cũng liên tục phải học thêm. Ngoài nộp học phí tại trường gần 2 triệu đồng/tháng thì chúng tôi cũng mất thêm 3 - 4 triệu tiền học thêm cho mỗi cháu hằng tháng; chưa kể mua sách vở, đồ dùng học tập hay quần áo... Dù biết là khó nhưng vẫn đành cho con đi học thêm vì thật sự nếu con không đi học thì phải về nhà một mình. Thậm chí, những giờ sinh hoạt thì các bạn đi học thêm được cô giáo hỗ trợ đưa đón, còn bạn nào không đi học thêm thì phải tự đón xe đến địa điểm sinh hoạt chung. Vợ chồng chúng tôi làm nhà nước nên đành chấp nhận cho con học thêm để có các chương trình gì ở lớp, con cái cũng đều được ban phụ huynh hay cô giáo hỗ trợ", anh Lực cho hay.

Tình trạng dạy thêm, học thêm phổ biến trên cả nước, rồi nhiều tỉnh thành nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, dù cách này hay cách khác thì các giáo viên vẫn tổ chức những lớp học thêm để "nâng cao kiến thức" và "tăng thêm thu nhập" cho bản thân.

Đánh giá về tình trạng dạy thêm, học thêm đang gây phản ứng trong dư luận, báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu quốc hội, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền ký, cho rằng nguyên nhân là thu nhập thấp khiến một bộ phận giáo viên phải dạy thêm. Bên cạnh đó là tác động của những mặt trái cơ chế thị trường trong quá trình tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, xử lý bất cập của hoạt động này chưa kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa vào cuộc quyết liệt nên hiệu quả quản lý không cao, thậm chí còn tình trạng bệnh thành tích từ phía gia đình nên ép con em đi học.

Đưa ra ý kiến của mình, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ từ chính các cơ sở giáo dục bởi trên thực tế quy định đã có nhưng lãnh đạo nhà trường và cả giáo viên thực hiện ra sao lại là vấn đề khác. Các trường cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Tuy nhiên, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng có thêm các nguyên nhân khiến phụ huynh cũng như học sinh muốn dạy thêm học thêm, đó là thầy cô giáo dạy giỏi, trước những năm chuyển cấp thì bố mẹ đều muốn con em mình có thành tích tốt. Vì vậy, việc dạy thêm học thêm là điều không tránh khỏi. Chính vì thế thầy Tùng Lâm cho rằng muốn giảm dạy thêm thì hãy giảm nhu cầu học thêm trước chứ không nên cấm đoán việc dạy thêm khi chính phụ huynh, học sinh có nhu cầu. Khi vấn đề này chưa được thay đổi thì dù có cấm, dạy thêm và học thêm vẫn tồn tại ở những hình thức khác nhau.

Nhận định về thực trạng học thêm, dạy thêm đang bị biến tướng, Bộ GD-ĐT đã đề xuất với Chính phủ đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở để Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17, nhằm bảo đảm sự phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của các địa phương và cơ sở giáo dục. Ngoài ra các địa phương cũng sẽ phối hợp liên tục kiểm tra xử lý vi phạm đối với các hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương về hoạt động này.

Dạ Thảo